- Xe đạp điện, thuộc phương tiện giao thông sạch-không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, có khá nhiều loại xe đạp điện mi-ni nhỏ gọn hơn xe đạp thường.
Do đó, tuỳ theo lộ trình chuyến đi phù hợp, cơ quan chức năng nên tuyên truyền, khuyến khích-hoan nghênh mọi người đi đường bằng xe đạp điện. Nhất là đối với các em học sinh trung học phổ thông và những người lớn tuổi.
Luật giao thông đường bộ (điều 3, khoản 19) phân loại xe đạp máy và các loại xe tương tự, thuộc phương tiện giao thông thô sơ. Như thế, có thể hiểu-suy luận: Xe đạp điện cũng tương tự như xe đạp máy (là phương tiện giao thông thô sơ).
Chính vì lẽ đó, xe đạp điện không phải đăng ký, gắn biển kiểm soát. Và đương nhiên, chẳng cần giấy phép lái xe đạp điện. Loại xe này không có đèn xi-nhan. Đặc biệt, đi cả ngày đường, chưa chắc đã trông thấy chiếc xe đạp điện nào có gương chiếu hậu.
Xe đạp điện, đang không bắt buộc có đèn xi-nhan, gương chiếu hậu. Ảnh: Nguyễn Thành Lập |
Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ (điều 31, khoản 2) có quy định: Người đi xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm (trong điều Luật không nêu kèm theo các loại xe tương tự).
Như vậy, Luật Giao thông đường bộ có sự phân biệt xe đạp máy (chạy bằng động cơ đốt trong, tiêu hao nhiên liệu xăng, dầu) với xe đạp điện (chạy bằng bình ắc-quy).
Theo đó, mặc dù văn bản dưới Luật: Nghị định 34/CP (điều 3, khoản 5) phần “giải thích từ ngữ” xe đạp máy, có mở ngoặc bao gồm cả xe đạp điện; song, điều 11, khoản 4, mục d (Nghị định 34/CP) chỉ quy định chế tài phạt tiền người đi xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm.
Ngoài ra, Nghị định 71/2012/NĐ-CP (điều 1, khoản 2, mục 3, điểm i) mới ban hành ngày 19/9/2012, cũng chỉ quy định chế tài phạt tiền người đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm. Mà xe máy điện, lại thuộc phương tiện giao thông cơ giới (quy định tại điều 3, khoản 18, Luật Giao thông đường bộ), khi hết điện, không thể đạp pê-đan cho xe chạy được như xe đạp điện. Hay nói ngắn gọn: Xe máy điện và xe đạp máy, khác với xe đạp điện. Chúng ta (kể cả cơ quan chuyên môn) chớ lẫn lộn giữa 3 loại xe này.
Do đó, lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát trên đường bộ, chưa thể thổi còi bắt lỗi-phạt những người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, mà chỉ khuyến khích họ: Nên đội mũ bảo hiểm, để góp phần hạn chế chấn thương sọ não, khi không may xảy ra tai nạn giao thông.
Còn trên thực tế hiện nay, nếu đúng là xe đạp điện (chứ không phải xe đạp máy, hay xe máy điện) đang “làm loạn” đường phố, là 1 loại phương tiện gây mất an toàn giao thông như 1 số báo nêu, thì việc sốt sắng (chỉ là phần ngọn của vấn đề): Bắt buộc người sử dụng loại phương tiện này phải đội mũ bảo hiểm, cũng chẳng có tác dụng làm giảm thiểu tai nạn giao thông.
Mà điều quan trọng-phần gốc của vấn đề là yêu cầu các hãng sản xuất xe đạp điện, cùng cơ quan đăng kiểm-“OTK” khi xuất xưởng (đối với xe nội), hoặc khi nhập khẩu (đối với xe ngoại) biết khống chế, kiểm tra tốc độ khai thác của xe. Chẳng hạn, xe đạp điện chỉ tiêu kỹ thuật chỉ cho phép đạt được tốc độ v max 25 km/h, kèm theo bản hướng dẫn chi tiết cách thao tác, sử dụng (xe đạp điện)-nhằm góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, các hãng sản xuất cũng rất cần trang bị đèn xi-nhan và gương chiếu hậu xe đạp điện, để góp phần hạn chế tai nạn giao thông.
Nguyễn Thành Lập