-“Qua đợt thanh tra, Thanh tra Bộ GTVT đã rút giấy phép hoạt động của 9 doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) ra thị trường..”, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết.
9 nhà sản xuất hộp đen “lởm”
Đánh giá về việc sản xuất thiết bị hộp đen của các đơn vị qua đợt kiểm tra lần 4, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT cho rằng, hầu hết các DN vận tải đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định lắp đặt thiết bị hộp đen. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn cố tình vi phạm các quy định đã đề ra về chất lượng hộp đen.
Chỉ trong thời gian 1h đồng hồ tại Bến xe Giáp Bát, đoàn thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên hiện trường 3 xe thì 2 xe của Công ty CP phát triển công nghệ điện tử MID Việt Nam (MID) không trích xuất được bất cứ thông tin nào, 1 xe có thông tin nhưng không đầy đủ; máy chủ xử lý báo cáo theo các tiêu chí của Bộ GTVT gần như bị tê liệt, mất hàng chục phút cũng không thể trích xuất được thông tin…
Các đơn vị cung cấp thiết bị hộp đen có nhiều sai phạm tiếp tục bị Bộ GTVT thanh kiểm tra xử lý. |
Tương tự, kiểm tra hộp đen trên xe khách BKS 18N-1266 do lái xe Triệu Văn Hoà của Công ty CP Vận tải Đức Lượng, không niêm yết hướng dẫn sử dụng trên xe, không trích xuất được thông tin tại thời điểm hiện tại, kết quả in chỉ ra dòng chữ duy nhất “không có dữ liệu”; xe khách BKS 18B-00162 có thiết bị hộp đen cũng không trích xuất được thông tin, thậm chí, kỹ thuật viên của Công ty MID lên thao tác nhưng cũng không trích xuất được ra kết quả.
“Đoàn kiểm tra chỉ cần nếu phát hiện thêm 1 vi phạm nữa thì sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của MID”. ông Sỹ cho biết.
Tiếp tục kiểm tra xe 35N-8177, 35N-8671 của Công ty CP vận tải ô tô Ninh Bình có lắp thiết bị hộp đen của đơn vị sản xuất Công ty CP HC-Phát triển công nghệ Smart Parking, đoàn kiểm tra đã phát hiện thiết bị giám sát hành trình lắp trên 2 phương tiện này dù trích xuất được các thông tin nhưng lại không có dữ liệu trong 30 ngày.
Ông Sỹ cho biết, qua đợt thanh tra này lực lượng Thanh tra đã “lật tẩy” hàng loạt vi phạm của các nhà sản xuất bằng cách “phù phép” tem chứng nhận hợp quy, có dấu hiệu lừa đảo và không trung thực với khách hàng.
Cụ thể, thiết bị của Liên danh sản xuất lắp ráp thiết bị giám sát hành trình Công ty CP GPS Track Việt Nam và Công ty CP Phát triển công nghệ Hà An có hệ thống dây chuyền sản xuất bị đình trệ, phần cứng không đúng với quy chuẩn đăng ký với Bộ GTVT, trích xuất thiếu dữ liệu, không có dịch vụ duy trì chăm sóc sản phẩm sau bán hàng…
Thanh tra Bộ đã quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của 2 đơn vị trên.
Dừng cấp phép để loại bỏ DN sản xuất thiết bị rởm
Khẳng định trên thị trường có quá nhiều đơn vị sản xuất, cung cấp thiết bị chỉ chạy theo lợi nhuận không quan tâm đến chất lượng, ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, cần loại bỏ bớt những nhà cung cấp thiết bị hộp đen không tốt, đồng thời loại bớt ‘cò’ trung gian (các đại lý bán hàng) để nâng cao chất lượng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
“Trong tổng số 52 đơn vị đăng ký sản xuất thiết bị GSHT với Bộ GTVT thì đoàn kiểm tra đã thu hồi giấy phép hoạt động của 9 doanh nghiệp do vi phạm các quy định. Đối với các đơn vị sản xuất, cung ứng hộp đen còn vướng các lỗi nhỏ Bộ GTVT cho thời hạn 3 tháng để khắc phục, nếu không hoàn thành Bộ sẽ thu hồi giấy phép’, ông Huyện cho hay.
Ông Huyện cho biết thêm, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký văn bản quyết định dừng cấp phép đơn vị sản xuất hộp đen để quản lý, theo dõi các nhà sản xuất. Chỉ khi nào trên thị trường thiếu sản phẩm hộp đen lắp đặt cho các đơn vị vận tải thì Bộ mới cấp phép mở rộng thêm.
Liên quan đến việc hậu kiểm, theo dõi các nhà sản xuất thiết bị giám sát hành trình sau khi lắp đặt cho đơn vị vận tải, theo ông Huyện, đến ngày 15/10 tới, các nhà xe lắp đặt hộp đen phải có trách nhiệm gửi thông tin dữ liệu báo về trung tâm dữ liệu của Tổng cục Đường bộ với tần suất 1 phút/lần.
Thanh tra Bộ GTVT cũng đã yêu cầu tất cả các Sở GTVT địa phương phải báo cáo có số lượng nhà cung cấp thiết bị GSHT và giao cho Sở theo dõi chính những nhà sản xuất này nhằm phân cấp quản lý, theo dõi.
Vũ Điệp