- Chỉ còn ít thời gian nữa bão số 10 dự báo sẽ đổ vào miền Trung. Hiện cơn bão này vẫn rất mạnh (giật cấp 14), dự báo vẫn mạnh cấp 12 khi đổ bộ nên công tác ứng phó đang gấp rút được triển khai.
Quảng Trị: Triển khai ứng phó trên diện rộng
Trao đổi với VietNamNet sáng 29/9, ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị được dự báo là một trong những địa phương nằm giữa vùng tâm bão đi qua, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gió mạnh, mưa to, lũ lớn, ngập lụt nên công tác ứng phó được triển khai trên diện rộng (toàn tỉnh).
Theo ông Bài, tỉnh đang triển khai đồng bộ tất cả các kế hoạch đối phó, trong đó ở thời điểm hiện tại là tập trung vào công tác xác định các khu vực nguy hiểm để sơ tán dân kịp thời trước khi bão đổ bộ.
|
Sáng 28/9, rất nhiều tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận neo đậu trong âu thuyền Thọ Quang tránh bão số 10. (Ảnh: Dân trí) |
Hiện nay, ông Bài cho biết có 2 phương án di dời, sơ tán dân được Quảng Trị đặt ra. Thứ nhất là nếu bão vào sớm thì công tác di dời phải xong trước 5 giờ chiều nay (29/9), phương án 2 là nếu bão vào muộn hơn thì việc di dời phải xong trước 6 giờ sáng mai (30/9).
Hiện nay, tàu thuyền của ngư dân Quảng Trị đều đã được thông báo và về nơi trú ẩn an toàn. Ngoài công tác di dân, việc đối phó với ngập úng cũng được triển khai mạnh vì Quảng trị sẽ có mưa lớn, các huyện vùng núi, ven biển (như Hướng Hóa, Đăkrông) cần đặc biệt chú ý.
Thừa Thiên- Huế: Cấm biển, cho học sinh nghỉ học
Theo dự báo, trưa 30/9, bão số 10 có khả năng đổ bộ trực tiếp đến Thừa Thiên Huế, gió mạnh từ cấp 10 đến cấp 12. Biển động rất mạnh.
Sáng 29/9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để triển khai công tác phòng, chống bão.
Tại thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã kêu gọi gần 2.000 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn tỉnh và 23 tàu các tỉnh khác đã về nơi neo đậu an toàn.
Từ sáng 29/9, mực nước sông Hương đã dâng lên khá cao. Ảnh: Nguyễn Phương. |
Trước diễn biến bão số 10, ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết từ 28/9, tỉnh đã yêu cầu tất cả các địa phương tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi. Đặc biệt, các huyện, thị xã chỉ đạo các xã ven biển quản lý chặt chẽ, cấm không cho số ghe thuyền bãi ngang ra biển khi chưa có lệnh cho phép hoạt động trở lại.
Việc đảm bảo an toàn cho các hồ chứa cũng hết sức quan trọng. Tỉnh Thừa Thiên- Huế yêu cầu các đơn vị kiểm tra thường xuyên và chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, vật tư để xử lý kịp thời khi có các sự cố hồ chứa xảy ra.
Cần hoàn thành việc sơ tán người và tài sản ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp khi bão vào, vùng ven biển, sạt lở, lũ quét. Ngoài ra, hướng dẫn nhân dân trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu để chủ động đối phó với tình huống mưa lớn gây lũ, chia cắt dài ngày.
Ông Lưu cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT cần theo dõi sát sao các tin tức về bão số 10, nếu bão không thay đổi hướng đi thì chủ động thông báo cho các trường nghỉ học vào thứ 2 (ngày 30/9) để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Thanh Hóa: Nhanh chóng thu hoạch lúa mùa đã chín
Được dự báo là địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng của bão số 10 khi bão đổ bộ, tỉnh Thanh Hóa đã nhận được công điện của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương và đang gấp rút triển khai các kế hoạch ứng phó.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết khu vực nhiều khả năng nhất chịu ảnh hưởng của bão số 10 được xác định là 2 huyện Nông Cống và Tĩnh Gia, tỉnh đã có chỉ đạo trực tiếp đến lãnh đạo 2 huyện này để kịp thời ứng phó.
Theo ông Quyền, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn cho Thanh Hóa. Kế hoạch trọng tâm ở thời điểm này của tỉnh là làm sao thu hoạch được nốt 30% lúa mùa đã chín (khoảng gần 40 ngàn ha). Từ ngày hôm qua (28/9) và sáng hôm nay (29/9), UBND tỉnh và các huyện đã đốc thúc, động viên bà con thu xếp để gặt lúa xong sớm, đề phòng bão vào có thể gây thiệt hại nặng.
Ngoài ra, kế hoạch kêu gọi tàu thuyền, cấm biển cũng đã được triển khai xong. Tình hình trên biển của Thanh Hóa không có diễn biến đáng ngại. Toàn bộ khu vực miền núi và các vùng trũng đều đã được cảnh báo và nằm trong diện sẵn sàng sơ tán dân nếu có sự cố.
Bão tiếp tục mạnh thêm 1 cấp
Thông tin cụ thể về thời điểm đổ bộ bão số 10 sẽ được cập nhật trong cuộc họp của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương lúc 11g trưa nay. Bão số 10 vẫn đang tiếp tục mạnh lên. Hiện nay, cường độ bão đang ở cấp 12, 13 (sức gió là 118 đến 149km/giờ), giật cấp 14, 15.
Đường đi bão số 10 (Ảnh: NCMHF) |
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và còn có khả năng mạnh thêm.
Đến 7 giờ sáng mai (30/9), vị trí tâm bão chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên Huế khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Lúc này, bão vẫn không suy yếu, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Bão rất mạnh nên dù chưa đổ bộ đất liền song bán kính bão lớn nên sẽ gây ảnh hưởng bắt đầu từ chiều nay. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ chiều nay (29/9) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ trưa mai (30/9), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12, giật cấp 13, cấp 14.
Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm nay có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4m.
Cẩm Quyên - Nguyễn Phương - Cao Thái