- Bão số 10 sau khi đổ bộ vẫn chưa suy yếu thành áp thấp. Hiện bão đã di chuyển sang khu vực Trung Lào, lũ miền Trung đang dâng cao.

Hãy chung tay cùng bà con vùng bão lũ miền Trung

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 28m/s (cấp 10); đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh 43m/s (cấp 14). Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh 33m/s (cấp 12).

Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; riêng Tp.Đồng Hới, có gió giật mạnh 35m/s (cấp 12); Ba Đồn có gió giật mạnh 44m/s (cấp 14).

Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100 – 200mm.

{keywords}

Bão số 10 gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung (Ảnh: VietNamNet)

Lúc 1 giờ sáng nay (1/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 104,4 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Diễn biến mưa sau bão còn phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo thủy văn và thời tiết tiếp theo.

Hiện Trung tâm khí tượng thủy văn đã phát đi tin cảnh báo về lũ trên các sông miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Bình. Theo đó, sáng sớm 1/10, lũ trên các sông ở Quảng Bình có khả năng đạt đỉnh và ở trên mức BĐ2. Đến chiều tối 1/10, mực nước thượng nguồn sông La có khả năng lên mức BĐ1- BĐ2, hạ lưu sông La và sông Cả lên mức BĐ1.

Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.

Lũ ở ĐBSCL lên cao

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN Trung ương đã có công điện gửi các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long đề nghị triển khai biện pháp đối phó với lũ đang lên nhanh ở khu vực ĐBSCL.

Vào lúc 7 giờ 00 ngày 30/9/2013, mực trên sông Tiền tại Tân Châu là 4,12m (trên BĐ2 là 0,12m); trên sông Hậu, tại Châu Đốc là 3,36m (thấp hơn BĐ2 là 0,14m).

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh với cường suất 8-10cm/ngày.

Đến ngày 4/10/2013, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 4,41m (trên BĐ2: 0,41m); trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,66m (trên BĐ2: 0,16m); tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên lên mức BĐ2, một số nơi trên mức BĐ2; sau đó còn tiếp tục lên và ở mức cao.

Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của lũ trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương – Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh vùng lũ chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp đối phó kịp thời như củng cố bờ bao, thu hoạch nông sản, rà soát khu vực xung yếu, triển khai cứu hộ cứu nạn, …


C.Quyên