Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định 149, lấy ngày 10/10 làm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam. 8.000 luật sư Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển có một không hai trong lịch sử nghề này, cùng những thách thức lớn chưa từng có.
TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) chia sẻ tâm tư của người làm nghề “thầy cãi” trước mốc son lịch sử nghề luật 10/10/2013.
Nghề vinh quang
- Sắc lệnh 46 cách đây 68 năm đã khai sinh ra nghề luật sư, tổ chức luật sư trong chế độ dân chủ nhân dân. Nay quyết định 149 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/10 làm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam ghi nhận, tôn vinh bề dày truyền thống của nghề. Vậy trong 68 năm qua, đội ngũ luật sư đã có bước phát triển và cống hiến như thế nào, thưa ông?
Phải khẳng định sau 68 năm kể từ 10/10/1945, đội ngũ luật sư Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ những luật sư tiền bối có đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Phan Anh, Luật sư Vũ Đình Hòe và nhiều thế hệ luật sư khác, kể từ 1986 khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, luật sư và nghề luật sư có cơ hội phát triển một cách vững chắc.
TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Liên đoàn Luật sư Việt Nam |
Năm 1987 khi Pháp lệnh tổ chức luật sư đầu tiên được ban hành, lúc đó, cả nước chỉ khoảng 400 luật sư. Con số này tăng lên gần 2000 sau khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh luật sư 2001. Đặc biệt, kể từ khi Nhà nước ban hành Luật Luật sư 2006 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào 2012, đến nay đội ngũ luật sư tăng lên gần 8.000 luật sư.
Hoạt động của luật sư dần mang tính chuyên nghiệp, hình thành đội ngũ luật sư tranh tụng các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính; tham gia tư vấn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là việc hình thành đội ngũ luật sư tham gia tư vấn và tranh tụng quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ luật sư hội nhập quốc tế.
Tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa của đội ngũ luật sư đã được khẳng định và từng bước được củng cố, tạo lập sự uy tín trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý với cộng đồng xã hội.
- Theo ông đánh giá, cơ hội phát triển của nghề luật sư trong xu thế mới ra sao?
Trong vòng khoảng 5-10 năm trở lại đây, xã hội bắt đầu nhận thức một cách đầy đủ hơn về luật sư và nghề luật sư cũng như sử dụng dịch vụ hỗ trợ pháp lý nhiều hơn.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, nghề luật sư Việt Nam đang trỗi dậy, đang có cơ hội phát triển có một không hai trong lịch sử. Nghề biện hộ ra đời từ chế độ cũ, từ thuở rất xa xưa nhưng nó chỉ thăng hoa trong nền kinh tế nhiều thành phần, khi các quyền của người dân và các tổ chức kinh tế được luật pháp ghi nhận và đảm bảo thực hiện.
LĐLSVN và các đoàn luật sư đang tập trung xây dựng kế hoạch để tổ chức thành công Chiến lược phát triển nghề luật sư đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyêt, nhằm xây dựng một đội ngũ luật sư đồng đều về số lượng (năm 2020 có thể lên tới 18.000-20.000 luật sư), đảm bảo về chất lượng khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội.
Một cơ hội “đội” ngàn thách thức
- Để chớp lấy cơ hội có một không hai này, giới luật sư Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức nào, thưa ông?
Nghề luật sư hiện nay gặp nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo tôi có 3 khó khăn chính:
Khó khăn thứ nhất xuất phát từ chính trình độ nghiệp vụ, kĩ năng nghề nghiệp của luật sư, của tổ chức hành nghề luật sư khi gặp những vấn đề phức tạp trong đời sống xã hội. Những quan hệ kinh tế hiện nay rất phức tạp, đan xen nhiều mâu thuẫn và nếu anh không đủ trình độ thì anh rất khó có thể cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng.
Khó khăn thứ hai, do mô hình tố tụng. Mô hình tố tụng cũ đang chuyển đổi trong khi mô hình mới chưa hình thành. Pháp luật tố tụng hiện hành còn nhiều quy định chung chung, quyền và nghĩa vụ của luật sư chưa được hướng dẫn cụ thể và thống nhất. Điều này chưa thực sự tạo cơ hội cho luật sư tranh tụng, ngay từ khâu điều tra truy tố tới xét xử cũng như tham gia các quan hệ pháp lý trong tố tụng.
Khó khăn thứ 3 xuất phát từ nhận thức của người dân, khách hàng, của các chủ thể xã hội. Không phải bất kì khách hàng nào khi nhờ tới luật sư cũng phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin một cách đầy đủ.
Tôi cho rằng hiểu biết của xã hội hiện nay đối với nghề luật sư đã có những bước chuyển tốt đẹp, vấn đề ở chỗ, làm sao để luật sư vượt lên chính mình mới là thách thức lớn nhất. Chính giới luật sư phải tự nhận thức trình độ của mình ở mức độ nào đó chưa thực sự tạo ra sự tin cậy cho cộng đồng, để từ đó tìm cách nâng cao trình độ, cải thiện hình ảnh thì mới không để mất thị phần ngay chính trên sân nhà.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn, LĐLSVN đang đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng luật sư, xây dựng giá trị chuẩn mực của nghề luật sư nhằm tạo lập niềm tin vững chắc của cộng đồng xã hội, của Nhà nước với đội ngũ luật sư. Cùng với đó là luật sư tăng cường vào công tác trợ giúp pháp lý cho nhân dân.
- Xin cảm ơn ông!
Huyền My (ghi)