Tôi được nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lần nào cũng để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về phong cách giản dị, trí tuệ minh mẫn và tấm lòng đôn hậu vô bờ bến của Đại tướng. Đại tướng đã dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào Tây Bắc.
Tháng 4/2004, tôi theo Đoàn Báo Sài Gòn Giải Phóng hành quân lên Điện Biên. Đoàn hành quân của chúng tôi đi bằng ô tô dọc đất nước với đại diện của các ban ngành đoàn thể mang tiền của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lên đóng góp xây dựng những căn nhà tình nghĩa cho Điện Biên.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên vui mừng chào đón Đại tướng thăm lại chiến trường xưa (năm 2004) |
Đoàn dừng chân ở Hà Nội và xin được gặp Đại tướng. Lúc này sắp dến lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng rất bận nhiều việc, lại có rất nhiều đoàn trong nước và quốc tế muốn đến gặp Đại tướng, nên chúng tôi rất lo không biết có được Đại tướng bố trí thời gian tiếp đoàn không.
Không ngờ, nghe tin đoàn miền Nam ra Đại tướng ưu tiên cho gặp và lại nói chuyện rất lâu. Đại tướng còn ký vào 5 tấm ảnh mà Báo Sài Gòn Giải Phóng mang theo để tổ chức bán đấu giá lấy tiền ủng hộ Điện Biên Phủ, đồng thời Đại tướng ký vào cờ hành quân của đoàn, trên lá cờ này đã có rất nhiều chữ ký của các vị lãnh đạo của cấc tỉnh thành mà đoàn đi qua, nhưng chữ ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đem lại cho đoàn hành quân thêm sức mạnh lên đường tới Điện Biên.
Đại tướng thắp hương tại nghĩa trang đồi A1 |
Trưa ngày 17-4-2004, tôi đang đi trên đường phố Điện Biên, bỗng nghe thấy tiếng máy bay trực thăng, tôi đoán chắc có đồng chí lãnh đạo cao cấp lên Điện Biên.
Tôi vội chạy ra sân bay Điện Biên, thì gặp Đại tá Trần Văn Thi, Phó tham mưu trưởng Quân chủng cùng các phi công đang về nhà khách tỉnh. Khi biết, trực thăng của Quân chủng Phòng không –Không quân lên để đưa Đại tướng từ sân bay Mường Thanh vào Mường Phăng, nơi ở Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, tôi bám theo Đại tá Trần Văn Thi nằn nì: “Anh cho em theo các anh bay nhé”. Thấy anh Thi hơi ngần ngừ, tôi đề nghị: “Anh cứ coi như em trong tổ bay của Quân chủng, em sẽ chụp thật nhiều ảnh đẹp cho các anh”. Anh Thi vui vẻ nhận lời và nói: “Cậu phải chụp thật nhiều ảnh đẹp phi công với Đại tướng”.
Ngày hôm sau, máy bay từ sân bay Mường Thanh lên Mường Phăng để khảo sát đường bay. Tôi rủ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng đi trên chuyến bay. Từ chỗ đậu trực thăng vào hầm Đại tướng ngày xưa khá xa, gần một cây số, đường ngoằn nghèo, chỉ có thể đi bộ được. Vấn đề đặt ra làm sao đưa được Đại tướng vào hầm Sở chỉ huy năm xưa.
Với sức khỏe như vậy Đại tướng không thể đi bộ được Nhiều phương án được đặt ra, có người đề nghị cõng Đại tướng, người thì đề nghị dùng võng để khiêng Đại tướng. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không đồng ý các phương này.
Ngay đêm hôm đó, Đại tá Lưu Trọng Lư, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên đã quyết định sử dụng hàng trăm bộ đội và nhân dân địa phương thức trắng đêm mở một con đường có thể cho ô tô chạy từ bãi đỗ trực thăng vào trong rừng. Mùa này là mùa mưa, nên đất xốp. Các anh đã dùng ghi trải từ bãi đỗ trực thăng vào tận Sở chỉ huy.
Ngày 19/4/2004, trực thăng của Quân chủng Phòng không – Không quân đưa Đại tướng từ sân bay Mường Thanh vào Mường Phăng, nơi ở Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. |
Sáng ngày 19-4-2004, chiếc máy bay chuyên cơ Mi-172 do Đại tá Trần Văn Thi, Tham mưu phó Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ huy và tổ bay gồm Thượng tá Nguyễn Xuân Hồng lái chính, Trung tá Bùi Văn Vanh dẫn đường, Trung tá Đặng Đức Nga cơ giới trên không và Trung tá Bùi Xuân Phương chỉ huy tổ thông tin.
Đúng 8 giờ 30 phút Đại tướng ra sân bay. Thay mặt cho tổ bay, Thượng tá Nguyễn Xuân Hồng báo cáo và mời Đại tướng lên máy bay. Trên máy bay Đại tướng say sưa ngắm nhìn núi rừng trùng điệp như đang sống lại một thời oanh liệt.
Khi máy bay hạ cánh xuống thửa ruộng cạnh cánh rừng Phiêng Tà Lét, hàng vạn đồng bào đã đứng chờ để đón chào Đại Tướng. Điều tôi cảm động nhất là khi biết các cụ già trong xã Mường Phăng nghe tin Đại Tướng lên đã thức từ ba bốn giờ sáng về rừng để chờ đón Đại tướng với những món quà giản dị như chút mật ong rừng, tấm khăn Piêu... |
Đại tướng lên xe chạy vào Sở chỉ huy, hàng trăm phóng viên bám theo xe ô tô để ghi nhận hình ảnh Đại tướng trở về Mường Phăng sau 50 năm. Đại tướng đi thăm lại khu rừng đại ngàn, nơi xưa kia Bộ chỉ huy chiến dịch làm việc.
Đại tướng đã vào lại hầm tác chiến trải bản đồ và bên ông là thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến trong chiến dịch. Giờ đây rừng Phiêng Tà Lét được mang tên mới: “rừng Đại tướng”. Ở Mường Phăng còn lưu truyền câu ca: “Ai muốn lấy vợ Mường Phăng thì phải biết hầm Đại tướng”.
Khi máy bay hạ cánh xuống thửa ruộng cạnh cánh rừng Phiêng Tà Lét, hàng vạn đồng bào đã đứng chờ để đón chào Đại tướng. Khi biết Đại tướng lên thăm, các cụ già trong xã Mường Phăng đã dậy sớm để chờ đón Đại tướng... Đại tướng và phu nhân đã xúc động chắp tay đáp lễ sự đón chào của nhân dân.
Vì mải bám theo Đại tướng chụp ảnh, tôi bị xô đẩy ngã từ trên dốc xuống, vỡ tan ống kính máy ảnh, hai khuỷu tay máu chảy dòng dòng vì gai cào. Lúc đó tôi không cảm thấy đau đớn mà lo mình không có phương tiện tác nghiệp.
May mà tôi còn một máy kỹ thuật số nhỏ bên mình. Thấy phóng viên bám đông trong rừng, tôi quyết định ra cửa rừng, đến sân rộng trước cửa rừng, nơi đồng bào các dân tộc và các em thiếu nhi đang chờ Đại tướng ra nói chuyện. Sau khi thăm hầm chỉ huy, Đại tướng lên xe chạy ra ngoài cửa rừng, các phóng viên bám theo không kịp.
Nên giây phút Đại tướng được các cháu thiếu nhi và các thiếu nữ Thái chào đón chỉ có tôi và một vài phóng viên địa phương chụp được. Tấm ảnh các cô gái Thái đã nắm tay Đại Tướng của tôi đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi về Đề tài LLVT năm 2004.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng cây đa lưu niệm và nói chuyện với đồng bào Mường Phăng. Đại tướng nhắc đến câu chuyện ba cây bưởi năm xưa trước cửa hầm. Câu chuyện như sau, sau khi chuyển phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy chiến dịch đã rời từ hang Thẩm Púa (Tuần Giáo) về đóng tại khu rừng Phiêng Nặm trên núi Phăng (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên) vào ngày 31-1-1954.
Lúc đó vào dịp Tết Giáp Ngọ, Đại tướng cho ba quân ăn Tết trong rừng sâu. Để úy lạo ba quân và đoàn dân công tỉnh nhà, tỉnh Phú Thọ có cử đoàn đại biểu các cơ quan đoàn thể lên mặt trận động viên tặng quà. Đoàn đại biểu có ghé thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và biếu Đại tướng 3 quả bưởi Đoan Hùng.
Đại tướng bổ bưởi cho anh em trong cơ quan cùng ăn, ai cũng khen bưởi thơm, ngọt. Đại tướng gọi ông Đỗ Hải, Đại đội trưởng cảnh vệ, bảo vệ Sở chỉ huy đến, giao cho nắm hạt bưởi: “Đồng chí đem những hạt bưởi này, gieo xuống chỗ đất tốt, để các thế hệ sau sẽ được ăn quả”.
Đại đội trưởng Đỗ Hải đã chọn những hạt to, mẩy, gieo xuống trước lán ở của Đại tướng. Chẳng bao lâu có ba cây bưởi con mọc lên, ông Đỗ Hải ra sức chăm bón và trồng theo thế “kiềng ba chân”.
Đến tháng 5 năm 1954, quân ta đại thắng Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch rút về chiến khu Việt Bắc. Ông Đỗ Hải nhớ lúc đó ba cây bưởi đã lên đến đầu gối, lá xanh tốt.
Trên đường trở về, Đại tướng đã lấy quyển “Hồi ức Điện Biên Phủ” ghi: “Tặng Bộ Tham mưu Quân chủng phòng quân - không quân nhân chuyến điều động trực thăng đi thăm Mường Phăng và nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trên máy bay Mi-172 . Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. |
Mãi đến năm 1973, có dịp quay lại tìm hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Đỗ Hải mới gặp được ba cây bưởi trước hầm Đại tướng năm nào. Lúc này ba cây bưởi đã xanh tốt, và trên cành có rất nhiều quả nhỏ.
Tháng 12 năm 2003, ông Đỗ Hải được mời quay lại Điện Biên Phủ để đóng góp cho việc tôn tạo di tích lịch sử Điện Biên. Lòng ông bồi hồi khi quay lại chiến trường xưa, bao tình cảm trỗi dậy của những ngày gian khổ, đói khát. Ông đã lặng đi khi thấy 2 cây bưởi đã bị ai chặt mất, còn trơ lại gốc.
Chỉ còn một cây bưởi cành lá xum xuê, đường kính 20 cm, cao khoảng 8 mét. Bên cạnh cây bưởi này có một cây bưởi con đang vươn lên. Ông đã đề nghị Ban Quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ phải giữ gìn, bảo vệ cây bưởi này như một “di tích" lịch sử trong khu Sở chỉ huy chiến dịch, thể hiện tấm lòng của Đại tướng với thế hệ sau.
Nhắc lại câu chuyện ba cây bưởi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị nhân dân chăm sóc cây bưởi thật tốt tươi, cho nhiều quả ngọt. Đại tướng rất xúc động trước tình cảm của đồng bào các dân tộc. Tôi đã thấy nhiều cháu bé được cha mẹ cõng lên vai để được nhìn rõ Đại tướng. Tôi đã nghe đâu đó tiếng hô của nhiều người : “ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng của nhân dân”.
Tác giả Đoàn Hoài Trung và Đại tướng trên chuyến bay trở lại chiến trường xưa. Bức ảnh có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Thượng tá Nguyễn Xuân Hồng đã kể cho tôi nghe trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng cũng từng đi trực thăng Mi-8 về Mường Phăng. Nhưng hồi ấy, ắc quy của máy bay yếu, máy bay không nổ máy được, các anh phải cầu cứu máy bay khác lên hỗ trợ.
Mọi người mời Đại tướng về nhà nghỉ, nhưng Đại tướng kiên quyết chờ máy bay, ông nói: “Đã đến Điện Biên, tôi phải về Mường Phăng thăm đồng bào!”. Ngày ấy, Đại tướng lên đến nơi đã gần ba giờ chiều, mà nhân dân vẫn đứng chờ đợi. Còn hôm nay chuyến bay thật suôn sẻ, đưa Đại tướng đi về đúng kế hoạch.
Trên đường trở về, Đại tướng đã lấy quyển “ Hồi ức Điện Biên Phủ” ghi: “Tặng Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ nhân chuyến điều động trực thăng đi thăm Mường Phăng và nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ . Trên máy bay Mi-172 . Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Tôi cũng được Đại tướng cho phép đến bên chụp ảnh. Và tôi cũng chụp được nhiều tấm ảnh đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với phu nhân và đồng đội.
Khi hay tin Đại tướng mất, tôi rất bàng hoàng, đau đớn. Không chỉ có tôi mà nhiều người lính đã khóc thương tiếc Đại tướng. Chúng tôi đã có những tình cảm rất sâu sắc, chúng tôi biết ơn Đại tướng, không những chúng tôi mà là toàn quân đều thương tiếc.
(Theo báo TN&MT)