- Chọn vùng Vũng Chùa - Đảo Yến là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hầu hết các ý kiến cho rằng đó là một sự lựa chọn rất có tầm, đã được chính Đại tướng quyết định.

Lựa chọn tầm vĩ nhân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng ở Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).

Mảnh đất Vũng Chùa - Đảo Yến có dòng nước biển trong xanh, tĩnh lặng. Phía trước là Đảo Yến, xa hơn là biển cả mênh mông.

Nơi an táng Đại tướng là một thung lũng thoai thoải, có đỉnh là Mũi Rồng thuộc thôn Thọ Sơn. Thung lũng Rồng nằm trải dài theo hướng Đông Nam, cạnh dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ.

Hướng Đông là Đảo Yến, cách đất liền hơn 1 hải lý, xa hơn là Hòn La, Hòn Gió tạo nên thế vững chãi như kiềng 3 chân. Nơi đây kín gió, cảnh sắc yên bình với những dải cát trắng mịn màng.

Bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chia sẻ với báo chí: "Sau nhiều lần về thăm quê, ba tôi đã có ý định chọn vùng Vũng Chùa - Đảo Yến làm nơi an nghỉ khi ông qua đời. Và đến năm 2006 thì ông chính thức lựa chọn nơi này".

Bà Phúc cũng chia sẻ, trước đây Đại tướng từng có ý chọn Thái Nguyên nơi có căn cứ địa Việt Bắc để yên nghỉ, nhưng sau những lần về quê, ghé thăm vùng đất Vũng Chùa - Đảo Yến thì ông quyết định lựa chọn nơi này.

Bà Phúc cũng khẳng định, ý nguyện đó cũng được để lại trong bút tích của Đại tướng.

Cụ Lê Hữu Khành (76 tuổi), là một vị cao niên ở làng Thọ Sơn, xã Quảng Đông cho rằng, khung cảnh ở Vũng Chùa - Đảo Yến rất đẹp, có núi cao, có biển cả trong xanh, không gian hoang sơ, tĩnh lặng.

{keywords}
Ông Khành cho rằng chọn thung lũng Mũi Rồng nối liền Vũng Chùa làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng là lựa chọn có tầm.

Về phong thủy, ông không hiểu nhiều, nhưng thấy có thế lưng tựa núi cao, mặt hướng biển cả, lại có Đảo Yến như một bình phong che chắn.

"Không đơn giản mà Đại tướng chọn Vũng Chùa làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng, tôi tin đó là một sự lựa chọn rất có tầm, của một vĩ nhân" - ông Khành nói.

{keywords}
Các cơ quan chức năng bảo vệ nghiêm ngặt nơi sẽ an táng Đại tướng

Đất thiêng

Cụ Khành cũng cho biết, khu vực sẽ an táng Đại tướng trước đây từ thủa ấu thơ ông đã thấy có một ngôi miếu, dân làng vẫn thường lên hương khói, nhưng sau chiến tranh đã bị bom đạn tàn phá chỉ còn lại dấu tích.

Ở đó hiện cũng còn một ngôi mộ của cụ tổ dòng họ Lê nhà ông.

{keywords}
Đảo Yến được cho là bức bình phong che chắn cho Đại tướng yên giấc vĩnh hằng.

Theo một số cụ cao niên ở làng Thọ Sơn, mảnh đất đó còn gắn với truyền thuyết dân gian rằng người dân vùng này không ai dám chặt cây chò trắng trên núi Rồng.

Dân gian còn truyền miệng chuyện năm vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành, đã dừng lại nơi đây lập đàn xin thần linh phù hộ thắng giặc.Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Quảng Trạch, ông Phan Văn Bình cho biết, Vũng Chùa - Đảo Yến là một vị trí có địa hình đẹp, hoang sơ, tĩnh lặng có thế lưng tựa núi là dãy Hoành Sơn hũng vĩ, mặt hướng ra biển cả bao la, lại có Đảo Yến phía trước như một bức bình phong.

{keywords}
Dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ tạo ra thế tựa lưng vững chãi cho Đại tướng yên nghỉ.

Cách Vũng Chùa khoảng 2km theo đường chim bay có đền Liễu Hạnh công chúa là một địa chỉ tâm linh của người dân địa phương.

Từ năm 2006, tỉnh Quảng Bình đã cho khôi phục lại lễ hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh và được tổ chức hàng năm vào ngày 03/3 âm lịch.

Cũng theo ông Bình, trong lịch sử, Vũng Chùa - Đảo Yến là nơi các vị vua, chúa thường ghé để nghỉ chân mỗi lần vào Nam, ra Bắc.

Ông Bình cũng chia sẻ, chọn vị trí đó là nơi yên nghỉ của Đại tướng là hợp lý, vì ở đó phong cảnh đẹp, phong thủy cũng rất tốt.

Trần Văn - Hải Sâm