- Từ 6 giờ sáng, dòng người đã đổ về số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lực lượng chức năng đã rất vất vả để thuyết phục người dân ra khỏi khu vực cấm.
Từ sáng sớm 12/10, tất cả các ngả đường dẫn vào nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đều được lực lượng an ninh chốt chặn nghiêm ngặt (ở tất cả các hướng).
Lực lượng an ninh chốt chặn trên ngã ba Hàng Chuối - Nguyễn Công Trứ. (Ảnh: C.Quyên)
|
Rất đông người dân đứng xem bên ngoài hàng rào an ninh (Ảnh: Phạm Hải) |
Kể cả người dân sinh sống trong khu vực bị cấm đường cũng không thể đi lại, nhiều người ra khỏi nhà từ sáng sớm đi tập thể dục, đi chợ đến khi trở về cũng không thể vào nhà, đành phải đợi bên ngoài.
Người đàn ông này trình cả giấy tờ tùy thân để chứng minh mình sống trong khu phố bị cấm nhưng vẫn không được lực lượng an ninh cho đi qua để vào nhà. (Ảnh: C.Quyên) |
Người dân chờ đợi... (Ảnh: P.Hải)
Một người dân cho biết: "Chúng tôi biết phải chấp hành quy định nhưng chúng tôi muốn ở đây để gần Người hơn tí nữa...".
|
(Ảnh: N.Trang) |
Ra từ đêm qua, gần 4h sáng mới có mặt tại khu vực số 5 Trần Thánh Tông, đoàn của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã rất buồn khi chưa được vào viếng.
"Mặc dù quy định là từ 15h người dân mới được vào viếng nhưng chúng tôi vẫn đến từ sáng sớm" - một thành viên chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, một thành viên trong đoàn cho biết: "Xe chạy từ 10h đêm đến 4h sáng ra đến đây. Chúng tôi phải đợi nửa ngày nữa. Nhưng với chúng tôi đợi đến khi mô cũng được miễn là được nhìn Đại tướng lần cuối..."
Trong đoàn có cụ Nguyễn Xuân Đoan (84 tuổi) là người cao tuổi nhất vẫn quyết tâm với chặng đường gần 300km để được viếng.
Cụ Nguyễn Xuân Đoan |
Đến Hà Nội từ 4h sáng ngồi xe 7 tiếng đồng hồ mặc dù bụng rất đói nhưng cụ vẫn không dám ăn sáng vì sợ nếu muộn một chút sẽ không được vào viếng Đại tướng.
Trong những người đến sớm nhất có cô Nguyễn Thị Vác (56 tuổi, quê Hải Dương). Cô còn mang theo di ảnh của bác ruột - Liệt sĩ Nguyễn Hữu Ngạc, hy sinh trong ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954.
Liệt sĩ Nguyễn Hữu Ngạc là một trong những chiến sĩ được phong danh hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin tưởng giao cho nhiều trọng trách quan trọng.
Cô Nguyễn Thị Vác mang theo di ảnh bác ruột – Liệt sĩ Nguyễn Hữu Ngạc (1920 – 7/5/1954) quê Thượng Vũ – Kim Thành- Hải Dương, đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Đến ngày chiến thắng lịch sử ấy, chiến sĩ Nguyễn Hữu Ngạc hy sinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay sau đó đã trực tiếp gửi di ảnh Liệt sĩ Nguyễn Hữu Ngạc về cho gia đình cô Vác.
Cô nghẹn ngào nói: “Mấy ngày nay tôi ở đây chờ được vào viếng Cụ. Đưa cả bác Ngạc đến viếng Cụ, để dưới suối vàng bác được thỏa ước nguyện”.
"Tôi chỉ có một chút lòng này..."
Đại tá Hàn Thị Trang (85 tuổi) mặc dù nhà ở gần đây nhưng từ 5h30p sáng người thân đã đưa cụ ra vườn hoa.
|
Đại tá Hàn Thị Trang (85 tuổi) |
Mặc dù sức khỏe yếu, phải ngồi xe lăn và biết rằng nếu ở nhà cụ vẫn xem được truyền hình trực tiếp nhưng cụ vẫn quyết ra.
Cụ bảo ra đây để cùng chia sẻ nỗi tiếc thương vô bờ khi Đại tướng mất cùng người dân cả nước.
Ông Nguyễn Vĩnh Triệu ( 88 tuổi, quê Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) vẫn mong muốn được gặp “Anh Văn” lần cuối. Cụ Triệu trước đây là bảo vệ an toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên nơi Đại tướng làm việc.
Ông Nguyễn Vĩnh Triệu đến từ 6h sáng để được chờ vào viếng Đại tướng. |
Đã nhiều lần được làm việc với Đại tướng ông Triệu vẫn nhớ như in một con người hết sức giản dị, đặc biệt nồng ấm quan tâm đến các chiến sĩ. Tuổi đã cao, sức đã yếu cụ nghẹn ngào xúc động chẳng nói nên lời, giọt nước mắt đã cạn khô theo thời gian.
Đến hôm nay cụ Triệu mới lên viếng Đại tướng. Cụ còn mang theo 3 bức ảnh trong những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ nói trong tiếng nghẹn ngào: “ Tôi chỉ mong được gặp anh Văn lần cuối, với tôi thế là mãn nguyện lắm rồi”.
Bác Lê Thị Kim Thoa (56 tuổi, Hà Đông). |
Bác Lê Thị Kim Thoa (56 tuổi, Hà Đông) cũng đứng chờ ở đây từ 4h sáng. Nước mắt đã rơi trên gương mặt của người đàn bà khắc khổ. Bà đến đây với bức ảnh chụp chung cùng Đại tướng được ôm trang trọng trên tay. Bà muốn tặng một người thân cùng Đại tướng để họ đưa vào bộ sưu tập những hình ảnh giản dị đời thường của Đại tướng.
Bác cho biết: "Tôi chỉ có một chút lòng này để tri ân Đại tướng..."
Em Hương (SN 1990) làm việc tại ga Hà Nội cũng xin nghỉ làm để dành một ngày đến viếng Đại tướng.
"Em cũng có mặt tại nhà Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu từ những ngày đầu để viếng Đại tướng. Hôm nay em cũng muốn có mặt ở đây để bày tỏ lòng kính yêu đối với một con người được cả dân tộc yêu mến", thiếu nữ thế hệ 9x này cho biết.
N.Trang- T.Tình - C.Quyên - P.Hải - M.Đức