- Dù không được nhìn thấy khuôn mặt của Đại tướng nhưng khi bước vào không gian trang trọng của nhà tang lễ ai cũng bật khóc. "Nhìn thấy di ảnh là như chúng tôi đã thấy Người rồi...", một người dân gạt nước mắt cho biết.

Mang cơm nắm từ quê

Bác Hòa (52 tuổi, Thanh Hóa) mang cơm nắm từ quê có mặt tại Hà Nội từ sáng sớm. Bác cho biết: "Tôi ăn một nửa, một nửa dành trưa. Phải ăn để có sức mà xếp hàng".

Mặc dù quy định 15h chiều mới có thể vào viếng Đại tướng nhưng từ sáng sớm rất nhiều người dân đã có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Nhiều người vội vã đã không kịp ăn sáng.

Sáng nay, gần 50 nghìn chiếc bánh mì và 1.000 bình nước 20 lít cũng đã được huy động để phục vụ miễn phí người dân đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

{keywords}
"Nhìn được Người lần cuối là chúng tôi đã mãn nguyện"

Đơn vị du kích anh hùng huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng gồm 35 người cũng đã lên xe xuống thủ đô từ 4h sáng.

Một bác trong đoàn cho biết: "Xe khởi hành từ 4h sáng nên chúng tôi phải dậy chuẩn bị từ 2h sáng. Cả đêm hồi hộp, lo lắng không ngủ được chỉ mong nhận được Người lần cuối".

Với Đại tướng, đơn vị này có một kỉ niệm đẹp. Đó là năm mừng thọ Đại tướng 90 tuổi, đơn vị du kích anh hùng huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng đã may mắn được đến chúc thọ bác.

Bác Phạm Văn Nghi (SN 1952, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nói: "Chúng tôi chỉ được gặp Đại tướng trong vòng khoảng 15 phút. Thời gian ngắn quá chẳng nói được gì nhiều. Người giản dị lắm. Bác hỏi chúng tôi:

- Nhà các cháu có đói không?

- Không ạ - Quá bất ngờ với câu hỏi của bác chúng tôi đáp

- Thế là tốt, tốt, bác gật đầu hài lòng".

Cùng đi trong đoàn, bác Đỗ Xuân Hiện (Vĩnh Bảo) xúc động: "Đời tôi có 2 đêm mất ngủ đó là đêm gặp Đại tướng khi đến chúc thọ người tròn 90 và lần này, chúng tôi đến tiễn đưa người...".

"Không ngủ được cháu ạ. Sáng xe dừng lại mỗi người ăn một bát phở. Có người ăn được có người hồi hộp không nuốt nổi và chờ cho đến bây giờ (12h15 trưa- pv) nhưng chẳng ai thấy mệt hay đói gì chỉ mong được gặp bác".

"Cụ Giáp là ai mà sao ai cũng buồn hả mẹ?"

Sau khi được vào viếng bác, bác Hồng và bác Châu (Long Biên, Hà Nội) ngồi bệt bên vệ đường để nghỉ.

Bác nói: "Mệt nhưng mãn nguyện. Đời tôi được vào viếng bác là một vinh dự lớn rồi. Vào chỉ nhìn được ảnh Người nhưng chúng tôi cũng như thấy bác rồi. Xúc động lắm. Ai cũng khóc...".

"Tôi là dân Hà Nội mà không đi viếng Đại tướng thì xấu hổ lắm. Chúng tôi ở ngay đây, cận kề Người chứ những người dân ở Thanh Hóa, Nghệ An...người ta còn vượt hàng trăm cây số để có mặt nói gì đến dân Thủ đô như chúng tôi", bác Châu cho biết thêm.

Anh Đồng Văn Tường (SN 1974, Nam Sách, Hải Dương) cũng bắt xe lên Hà Nội từ sáng sớm. Đồng hành cùng anh có con gái là cháu Đồng Thùy Dương (6 tuổi).

"Hôm qua cho đến giờ tôi chẳng ăn được gì. Bác mất, buồn lắm. Sáng trước khi đi vợ tôi có dặn ăn sáng để lấy sức đi nhưng chưa gặp được bác tôi chẳng buồn ăn...".

Sau khi được viếng Đại tướng, người cha này mới dẫn con gái tìm quán cơm để ăn. Chiều nay họ lại tiếp tục hành trình từ Thủ đô về quê nhà.

{keywords}
Bà Nghiêm Thị Ngò

Cũng rơi nước mắt sau khi gặp Đại tướng, bà Nghiêm Thị Ngò (63 tuổi) nói: "Nhìn Người đó mà người đây rơi lệ".

Bà kể: "Chúng tôi được gặp Đại tướng vào 3/1973. Cả đời tôi sẽ không bao giờ quên ngày đó. Bác vào thăm Đơn vị tiểu đoàn 31 ở đèo Cốc Mạc (Lào), nơi chúng tôi đang đóng quân, cùng một xe bắp cải, 2 két nước ngọt và một hộp kẹo 5 kg. Ai cũng rơi nước mắt".

Suốt từ khi cả nhà xôn xao tin Đại tướng qua đời, con trai 6 tuổi của chị Nguyễn Ánh Tuyết (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) luôn miệng hỏi "Cụ Giáp là ai mà sao ai cũng buồn hả mẹ?" .

Giảng giải cho con một hồi cậu bé nhất định đòi bố mẹ cho đến nhà tang lễ để viếng Đại tướng. Để được nhìn khuôn mặt Đại tướng, vào đến nơi tất cả đều òa khóc, bé cũng òa khóc theo.

"Dỗ dành cháu, tôi bảo "Con ơi hãy ghi nhớ lấy giây phút này. Nó sẽ trở thành huyền thoại để sau này con sẽ kể cho cháu, chắt của con nghe", chị Tuyết cho biết thêm.

Ngọc Trang - Thúy Tình