- Nhiều khả năng bão số 11 sẽ đi vào miền Trung trong đêm 14, sáng 15/10. Miền Trung sẽ có mưa lớn. Việc xả lũ và tình hình an toàn các hồ chứa tiếp tục nóng trong công tác ứng phó với cơn bão này.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 11, chiều nay Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp trực tuyến với các địa phương miền Trung để bàn công tác ứng phó. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.
Mạnh hơn bão số 10 vừa qua
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết bão số 11 vẫn đang mạnh giữa cấp 13-14, giật tới cấp 16, cách quần đảo Hoàng Sa 220km (lúc 4 giờ chiều nay).
Đêm nay và sáng mai bão sẽ tiếp cận phía nam quần đảo Hoàng Sa và mạnh thêm gần 1 cấp nữa, khi tiến gần bờ bão giật cấp 12 đến cấp 15.
Từ đêm nay (13/10), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét. (Ảnh: NCHMF) |
Hiện có 2 khả năng đổ bộ của bão. Khả năng thứ nhất (khoảng 60%) là bão sẽ đi ngang miền Trung rồi đổ bộ từ Quảng Nam tới Nam Thừa Thiên Huế, thời gian dự kiến đổ bộ là sáng từ sáng tới gần giữa trưa ngày 15/10, cường độ vẫn mạnh cấp 11, 12, giật cấp 14, 15.
Khả năng thứ 2 (khoảng 40%) là bão chếch lên phía Bắc, hướng vào Thừa Thiên Huế - Quảng Trị, thời gian đổ bộ muộn hơn (từ trưa đến giữa chiều 15/10), cường độ cũng giảm đi 1-2 cấp. Nếu chếch nhiều lên phía Bắc thì bão hướng vào Quảng Bình và đêm 15, sáng 16/10 mới đổ bộ.
“Tuy nhiên, xác suất cao là bão sẽ đổ bộ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Thừa Thiên Huế”, ông Tăng nói. Do bão sẽ đổ bộ trong ngày 15/10 nên ông Tăng khuyến cáo công tác chuẩn bị cần xong trước tối 14/10.
Do ảnh hưởng của bão, miền Trung sẽ có mưa lớn trên diện rộng, bắt đầu từ đêm nay, sau đó lan rộng ra các tỉnh ven biển Quảng Trị - Quảng Ngãi. Mưa lớn sẽ bắt đầu từ trưa – chiều mai (14/10) rồi to dần, kéo đến 16-17/10.
Lượng mưa dự kiến ở Quảng Ngãi, Pleiku từ 50-150mm, vùng chính là Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An mưa từ 200-300mm. Khi bão tan mưa sẽ giảm, từ Quảng Bình trở ra mưa sẽ kéo dài thêm 2-3 ngày sau khi bão đi.
“Nóng” chuyện xả lũ, an toàn hồ chứa
Tại Thanh Hóa, có 92 trong tổng số 610 hồ chứa không đảm bảo an toàn, trong đó có 17 hồ không tích nước, 75 hồ tích nước hạn chế, nếu mưa tương tự bão số 10 thì nguy cơ không an toàn rất cao.
Trong bão số 10, các huyện ở nam Thanh Hóa (như Tĩnh Gia) mưa tới 600mm, 49 hồ tại Tĩnh Gia đều vượt công suất thiết kế nên vỡ 2 hồ, 7 hồ khác hư hỏng nặng. Hiện 2 hồ vỡ chưa đắp lại được, nếu bão 11 vào phải có phương án xử lý khác, hồ yếu không cho tích nước nữa.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đặc biệt lưu ý đến vấn đề xả lũ trong cơn bão này. Ông Phát cho biết việc xả lũ là chắc chắn vì mưa rất lớn, vì thế các địa phương cần thông báo cho nhân dân và có biện pháp cụ thể để ứng phó, tránh lũ xả rồi mà vẫn lúng túng.
Còn Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh kiểm tra ngay toàn bộ tuyến xả lũ, điểm nào có người dân sinh sống, hoạt động sản xuất thì phải đóng biển thông báo và thông báo trước mùa lũ.
Để đối phó với bão số 11 đang đến gần, ông Cao Đức Phát chỉ đạo các tỉnh cần chủ động cấm biển từ ngày 14/10 và cho học sinh nghỉ học vào ngày 15/10, những nơi cần sơ tán dân phải xong trước 7 giờ tối ngày 14/10, kêu gọi tàu thuyền và chuẩn bị các phương án ứng phó.
Với nhận định bão mạnh cấp 12 khi đổ bộ, giật cấp 15, diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo bão mạnh đến cấp 12 thì phải cấm đường để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, sẽ có 2 đoàn công tác vào miền Trung trong ngày 14/10 để chỉ đạo triển khai công tác phòng chống.
Rút kinh nghiệm từ bão số 10 (đặc biệt là việc xả lũ của hồ Vực Mấu ở Nghệ An gây ngập nặng cho thị xã Hoàng Mai), việc xả lũ an toàn được đặc biệt nhấn mạnh trong công tác ứng phó với bão số 11 (Ảnh: VietNamNet) |
Cũng trong ngày 14/10 sẽ có đoàn chuyên gia vào miền Trung hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa.
Nhiều nơi “kêu” dự báo lượng mưa không đúng
Trong cuộc họp chiều nay, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cần tăng các trạm dự báo thủy văn khu vực vì ông cho rằng trong bão số 10 cơ quan khí tượng chưa dự báo chính xác lượng mưa khu vực nam Thanh hóa và Bắc nghệ An.
“Dự báo là mưa trên 100mm nhưng thực tế là mưa như trút nước, đến 600mm”, ông Quyền nói.
Ông Đinh Viết Hồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An) cũng cho rằng cơ quan khí tượng cần nghiên cứu tăng các điểm dự báo thủy văn và phối hợp với bên thủy lợi để có dự báo chính xác về lượng mưa. Theo ông, chênh lệch về dự báo lượng mưa của bên khí tượng và lượng đo thực tế của các hồ đập là rất lớn.
Ông Bùi Minh Tăng lý giải việc dự báo lượng mưa phụ thuộc nhiều yếu tố, máy móc đo đạc của bên khí tượng và các đơn vị quản lý hồ đập không giống nhau.
“Các máy đo đạc phải thống nhất, đạt chuẩn, được cấp phép”, ông Tăng nói.
Còn Bộ trưởng Cao Đức Phát thì cho rằng cơ quan khí tượng đưa ra dự báo về lượng mưa trung bình, thực tế có thể có mưa cục bộ. Vì vậy lượng mưa trong thực tế có thể khác với dự báo và các địa phương phải đề phòng với phương án xấu nhất.
Cẩm Quyên