- Hàng triệu người khắp nơi đổ về Quảng Bình để cùng tiễn đưa một người về với lòng đất mẹ. Có thể họ là những người con của quê hương Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An hay Hà Nội, nhưng tất cả trái tim cùng hướng về vị Đại tướng tài ba của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sáng 13/10, hàng vạn người dân đã đổ dồn về sân bay Đồng Hới và Vũng Chùa - Đảo Yến để tiễn đưa vị Đại tướng của lòng dân về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ai cũng cố đến thật sớm, kiếm cho mình một chỗ đứng để có thể đứng gần Người thêm một chút. Không ít người đã khóc nấc khi đoàn linh xa chở linh cữu Người đi qua rồi mất hút trong dòng người chật chội.
Cụ Xuy muốn được chào điều lệnh để vĩnh biệt Đại tướng |
Đến Vũng Chùa – Đảo Yến từ sớm tinh mơ, trong đoàn người đông đúc có một cụ già mặc quân phục, ngực áo đính đầy huân huy chương cứ đứng ngồi không yên. Hỏi ra mới biết cụ là Nguyễn Khắc Xuy (83 tuổi) quê ở Kỳ Khang, Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Trong ánh mắt chờ đợi của cụ còn có cả có cả một lòng hy vọng có thể được vào thắp cho Đại tướng một nén hương để cảm ơn Người vì những lần gặp gỡ và những cơ hội được làm việc cho Người.
Được gặp Đại tướng ba lần, nhưng lần ông nhớ nhất là vào tháng 4/1964 tại Hà Nội.
Lúc đó ông là một trong số 102 người được Đại tướng tin tưởng chọn sang Thái Lan để làm tình báo quân sự. Công việc chính của ông là nắm rõ giờ, ngày, điểm đến của những chuyến bay sau đó báo cáo về Việt Nam.
“Lúc ra đi, Đại tướng có nói với tôi: "Tình báo là nghề mà sống để bụng, chết mang theo nhưng lại có ý nghĩa vô vùng quan trọng trong nền quân sự nước nhà. Đồng chí cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phải lo lắng cho gia đình nhiều đâu, ở nhà đã có anh em đồng chí giúp đỡ".
Lời của Đại tướng làm ông nhớ mãi, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và về nước vào cuối năm 1966.
"Nghe tin Đại tướng mất tôi buồn lắm, hôm nay đến đây chỉ mong được vào thắp cho Người một nén hương và chào điều lệnh như lần tôi chào Đại tướng để ra đi làm nhiệm vụ, giờ đây tôi muốn chào để vĩnh biệt Người", ông Xuy chia sẻ.
|
Bàn thờ hình huy hiệu Đảng được một gia đình ở xã Quảng Thuận lập vội. |
Trời càng lúc càng nắng gắt, dưới bóng cây, một cụ già trùm khăn lên đầu trong khi chờ linh cữu Đại tướng. Ông và 45 người trong đoàn của mình đã đi từ 12h đêm trước vào đây để kịp tiễn đưa Đại tướng.
Ông là Bùi Hữu Ái (82 tuổi) quê ở xóm 4, xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) trước đây tham gia Thanh niên xung phong. Mặc dù chưa được gặp Người nhưng hình ảnh vị tướng kiệt xuất, có lối sống giản dị đó làm ông ngưỡng mộ.
Từ khi biết tin Đại tướng từ trần, ông đã cùng đoàn cựu chiến binh của xã thuê xe ra Hà Nội, đứng vào dòng người chật cứng trước số nhà 30 Hoàng Diệu để viếng Người.
Chị Thu khóc nức nở khi nghĩ về Đại tướng. |
Sau đó cả 45 người trong đoàn lại tất tả bắt xe về để còn kịp vào Quảng Bình tiễn Người về với lòng đất mẹ.
“Nắng hay mưa gì chúng tôi cũng chờ, chúng tôi sẽ đợi đến khi viếng được Đại tướng mới ra về”, ông Ái nói.
Có mặt trong đoàn người đón Đại tướng về quê, chị Nguyễn Thị Thu (45 tuổi) ở đội 4, thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khóc nức nở khi chiếc linh xa chở linh cữu Đại tướng đi chầm chậm qua trước mặt.
Vừa khóc chị vừa nói: “Nhà tôi ở gần nhà Đại tướng lắm, cứ thấy tivi báo tin về Người là tôi lại khóc. Sáng nay bắt xe ra đây để đón linh cữu Người về, an táng ở ngoài này làm sao chúng tôi thắp hương thường xuyên cho Đại tướng được”.
Càng nói chị càng khóc to hơn...
Hải Sâm