- “Đi thực tế mới thấy quản lý Nhà nước rất lỏng lẻo, thậm chí có trường hợp chỉ cần một cuộc điện thoại là đăng kiểm viên cho xe qua ngay”,...
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết tại Hội nghị Tổng kết thực hiện thí điểm xã hội hoá (XHH) công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành (17/10).
Nhiều bất cập
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) cho biết: Hiện nay cả nước có 110 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới với 196 dây chuyền kiểm định. Đối với mô hình XHH công tác đăng kiểm hiện cả nước đang tồn tại hai mô hình và được chia làm hai gian đoạn.
Gia đoạn 1 (2005 – 2008): Cục Đăng kiểm đã tiến hành thí điểm thành lập 9 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới theo mô hình doanh nghiệp (DN) đầu tư xâydựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động xe cơ giới. Hiện nay mô hình này vẫn còn tồn tại 5 Trung tâm.
Nhiều ý kiến đánh giá hiện công tác xã hội hoá công tác đăng kiểm hiện nay hoạt động chưa hiệu quả. |
Đối với mô hình này, ông Trí cho biết, khi thực hiện đã xuất hiện một số tồn tại điển hình như: không kiểm tra vẫn cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm; đăng kiểm viên không nắm vững quy trình, thao tác kiểm tra; cấp sai chu kỳ kiểm định…
Từ năm 2009 đến nay, XHH công tác đăng kiểm thông qua việc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trung tâm đăng kiểm còn tổ chức thực hiện công tác kiểm định thuộc các sở GTVT và Cục Đăng kiểm VN.
Đánh giá về mô hình XHH trung tâm đăng kiểm, đại diện Sở GTVT Nghệ An cho rằng, vì mục tiêu lợi nhuận nên DN thường sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh như: hạ thấp tiêu chuẩn, không thực hiện đúng đủ quy trình kiểm định thậm chí bỏ bớt hạng mục, nội dung kiểm định và kiểm tra nhanh để thu hút khách hàng, vi phạm về thời gian, năng suất kiểm định…
Đồng quan điểm ông Dương Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, XHH đăng kiểm về bản chất Trung tâm đăng kiểm là DN, do vậy DN sẽ đưa lời nhuận lên hàng đầu. Đăng kiểm viên được điều hành bởi chủ DN nên vì lợi nhuận có thể đăng kiểm viên sẽ bị điều hành bởi chủ DN dẫn đến vi phạm quy định đăng kiểm.
Do vậy, ông Thanh cho rằng, XHH đăng kiểm cần phải xây dựng được một mô hình làm hai hoà vừa đảm bảo lợi ích của DN nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đăng kiểm. Trong đó công tác quản lý phải do Cục Đăng kiểm và các Sở GTVT quản lý.
Chưa hiệu quả!
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: XHH đăng kiểm phải vừa đảm bảo quyền lợi của DN vừa nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng đăng kiểm phương tiện xe cơ giới, đảm bảo ATGT.
Đối với 5 DN đăng kiểm cũ, ông Thọ chỉ đạo, tạm thời vẫn sẽ hoạt động theo mô hình cũ, khi nào có mô hình mới hợp lý hơn sẽ chuyển đổi ngay.
Với các Trung tâm đăng kiểm hoạt động theo mô hình XHH mới do Cục Đăng kiểm và các Sở GTVT quản lý, ông Thọ thẳng thắn nhìn nhận, mô hình này hoạt động chưa hiệu quả, qua đi kiểm tra vẫn còn nhiều tồn tại.
“Đi thực tế mới thấy quản lý Nhà nước rất lỏng lẻo, thậm chí có trường hợp chỉ cần một cuộc điện thoại là đăng kiểm viên cho xe qua ngay. Do vậy, phải thắt chặt quản lý Nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của người thi hành công vụ đăng kiểm”, ông Thọ nói.
Ông Thọ cũng nói rõ, ngoài việc nâng cao chất lượng quản lý, mô hình XHH công tác đăng kiểm cũng cần phải có cơ chế tạo điều kiện cho các DN phát triển. Bởi, thực tế hiện nay quản lý nhà nước chưa tạo được cơ chế để thu hút các DN tham gia đầu tư.
“Cục Đăng kiểm và các cơ quan của Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để đưa ra mô hình hợp lý, khuyến khích các thành phần tham gia XHH đăng kiểm”, Thứ trưởng Thọ nói.
Ngoài ra, ông Thọ cũng chỉ đạo, Cục Đăng kiểm và các Sở GTVT địa phương phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng: cái gì báo cáo cũng tốt nhưng khi TNGT xảy ra, tiến hành thanh kiểm tra có nguyên nhân do công tác đăng kiểm.
Vũ Điệp