HTML clipboard

- “Cô không ăn được thì thôi, tôi chỉ biết nấu có như thế, suốt ngày chỉ biết chê bai người khác, ở nhà bố mẹ không biết dạy con à…” - đó chỉ là một trong lời mắng mà mẹ chồng dành cho Hoa khi nàng về làm dâu trong gia đình. Suy sụp và chán nản, cô tìm đến báo VietNamNet những lời khuyên giúp mình có cuộc sống tốt hơn với nhà chồng.

Cảm thấy cuộc sống bế tắc, chán nản, bỏ về nhà thì hàng xóm láng giềng sẽ cười chê, mất mặt bố mẹ. Góp ý với mẹ chồng thì thế nào cũng sẽ bị to tiếng, hàng xóm nghe được lại càng thêm xấu hổ. Người chồng vì lẽ hiếu thảo, không dám đứng ra nói câu công bằng cho vợ, chỉ biết khuyên ráng nhịn cho “yên nhà ấm cửa”. Hoa bối rối  kể lại đầy uất ức trong lá thư gửi tòa soạn.

Xin nấu ăn nhưng mẹ chồng không cho

Hoa và Long là đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, được đồng nghiệp yêu mến, quý trọng. Họ quen nhau trong một quãng thời gian dài 5 năm và cuối cùng quyết định kết hôn.

Long làm quản đốc ở một công xưởng công ty tại quận Tân Bình (TP.HCM). Hoa là giáo viên dạy tiếng Nhật của một trường trung học phổ thông quận 3. Cuộc sống 2 vợ chồng Hoa cũng tươm tất, lâu lâu cũng có dư để phụ giúp cho các bậc sinh thành của 2 gia đình.

“Cô không ăn được thì thôi, tôi chỉ biết nấu có như thế, suốt ngày chỉ biết chê bai người khác, ở nhà bố mẹ không biết dạy con à…”
Tưởng đâu cuộc sống của họ sẽ hạnh phúc, êm đẹp nếu như không có sự khó tính và hay hờn dỗi của mẹ chồng. Hoa là mẫu người phụ nữ hiện đại, trẻ trung và năng động, đối với các công việc của trường hay ở nhà cô đều làm một cách khoa học, hợp lý và chuẩn xác.

Từ việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc chồng con, cô đều hoàn thành một cách chu đáo và gọn gàng. Thế nhưng điều đó làm mẹ chồng cô không vừa ý, vì từ trước đến nay bà là người điều khiển mọi công việc trong nhà.

Mẹ chồng nấu ăn không ngon, bà thường làm những món mình thích một cách đều đặn và lập đi lập lại nhiều lần trong một tuần. Sớm từ nhỏ được gia đình chiều chuộng nên bà chỉ làm những công việc trong nhà theo ý thích của bản thân. Ngay từ ngày mẹ chồng cô lập gia đình, vì không biết nấu ăn mà bố chồng phải hướng dẫn cách nấu một số món thường nhật mà ông biết.

Ban đầu, Hoa cố gắng chịu đựng nên chưa có xung đột nào xảy ra. Tuy nhiên, từ lúc có em bé, thường xuyên bị nôn mửa do ốm nghén, chỉ cần nghe mùi các món ăn của mẹ chồng là cô đã khó chịu và buồn nôn.

Để thay đổi tình hình trên, Hoa chủ động xin phép mẹ chồng được nấu ăn phục vụ cả nhà. Hoa biết cách nấu ăn ngon, những món ăn của cô được chồng và bố chồng vui vẻ khen ngợi. Nhưng kể từ đó cô  nhận được cái nhìn khó chịu từ mẹ chồng.

Đầu tiên là bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng, bà cũng ăn những món do Hoa nấu, cũng khen ngợi, nhưng sau đó lại ra đun nước chế mì gói ngồi ăn. Bố chồng thì không dám trái ý vợ và như thế trật tự được lập lại chỉ sau ít ngày Hoa trổ tài.

Không được nấu ăn, Hoa cố tìm cách góp ý cho mẹ chồng: “Mẹ ơi, con thấy trên tivi người ta nói phải thay đổi các món ăn hàng ngày, một tuần phải ăn cá một lần! Mẹ hay nấu một món lặp đi lặp lại, con sợ như thế sẽ không đầy đủ chất cho cả nhà mẹ ạ!”.

Cảm thấy tự ái vì con dâu lên mặt dạy đời, mẹ chồng xa xầm nét mặt, bà gằn giọng tức tối: “Cô không ăn được thì thôi, tôi chỉ biết nấu có như thế, suốt ngày chỉ biết chê bai người khác, ở nhà bố mẹ không biết dạy con à…”.

Nghe lời mắng xúc phạm đến bố mẹ mình, Hoa chỉ thấy nỗi uất ức nghẹn trào lên ngực, nước mắt tuôn rơi và cảm thấy đôi chân mình không đứng nổi chỉ chực chờ khịu xuống.

Tối hôm đó, khi thấy con trai vừa về đến cửa, mẹ chồng cô liền túm lấy mách tội con dâu: “Cô ấy ghê gớm lắm, dạy cả mẹ phải sống thế nào, nấu nướng thế nào. Bao nhiêu năm nay mẹ nấu ăn thế mà nuôi lớn con thành người đấy Long ạ. Giờ đây con để vợ con hỗn với mẹ!”. Dù biết mẹ khó tính nhưng khi nghe kể lại Long vẫn xót nên làm mặt lạnh với vợ suốt 1 tuần.

Mẹ chồng luộm thuộm và siêu tiết kiệm

Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở những món ăn. Là người ngăn nắp, Hoa thường sử dụng riêng những thau chậu trong nhà vào việc giặt quần áo, rửa bát, tắm rửa hay là để vệ sinh giày dép. Kể từ ngày có con, việc tắm giặt cho con càng được cô chú trọng.

Thế nhưng mẹ chồng lại thường hay sử dụng chung. Bà lấy thau rửa bát để chà dép, sau đó khi giặt đồ lại lấy quần áo của em bé vò vào trong thau, còn quần áo của chồng và của mình thì vất ra sàn giặt, nơi mà bà thường đổ nước rửa thức ăn và dầu mỡ.

Khi nhìn thấy sự việc, Hoa nói với chồng: “Anh ơi, mẹ giặt đồ cho em bé nhưng sao em thấy lo quá. Mẹ dùng thau chà dép mà vò quần áo của em bé anh ạ!".

Tối hôm đó, Hoa bị mẹ chồng mắng té tát vào mặt: “Cô hay lắm, nhà nhỏ chỉ có mấy cái thau, rửa sạch đi rồi giặt đồ thì đã có làm sao, làm như tôi đem bệnh về cho con cô vậy! Nó cũng là cháu của tôi mà, tôi không biết xót hay sao chứ?".

Trước cơn thịnh nộ của mẹ chồng, Hoa chỉ còn biết líu ríu xin lỗi, ý chừng chỉ muốn tốt cho sức khỏe của em bé mà thôi.

Quá ghê sợ và lo con mình mắc sẽ bệnh, Hoa không dám để mẹ chồng giặt đồ cho em bé và cả nhà nữa. Cô thường phải ráng sức giặt những thau đồ to sau một ngày làm việc vất vả ở trường, và vào những ngày mà chồng cô mắc bận công việc.

Cuộc sống đối với Hoa ngày càng trở nên căng thẳng và mệt mỏi hơn. Từ những việc nhỏ nhặt phải chiều theo ý mẹ chồng như tủ lạnh khi nào sử dụng mới cắm điện vào, tivi và đèn không cho bật để tiết kiệm điện, cho đến việc mẹ chồng không đồng ý lắp đặt nước máy vì nhà đang sử dụng nước giếng, khiến cô ăn uống thường hay đau bụng và làn da bị nhớp nháp vì nước nhiễm phèn.

Hoa bàn với chồng tìm cách ra thuê nhà ở riêng để tránh va chạm làm mẹ thêm ghét mình, nhưng vì chữ hiếu Long chỉ biết khuyên vợ nên nhẫn nhục cho “yên nhà ấm cửa”. Bế tắc trong cách ứng xử với mẹ chồng, Hoa đành tìm đến báo VietNamNet để xin những lời khuyên hữu ích từ bạn đọc.

Hoa Lam