- "Có thể là do sức ép của những gia đình có người thân là liệt sĩ nhưng cũng có thể là do sự buông lỏng các ngành, các địa phương", ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề văn hóa và xã hội QH nói về nguyên nhân khiến nhiều nhà ngoại cảm bị bắt vì lừa đảo.

Trả lời báo chí bên hành lang QH sáng 29/10, ông Đỗ Mạnh Hùng cho hay, nhà nước chưa thừa nhận việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng con đường ngoại cảm. Tuy nhiên, do thiếu sự phối hợp thực hiện qui định này, sức ép của những gia đình có người thân là liệt sĩ và có thể do sự buông lỏng của các ngành, các địa phương dẫn đến thực trạng nhà ngoại cảm lợi dụng để hoạt động trái pháp luật.

- Thời gian qua, nhiều cơ quan, tổ chức vô tình tiếp tay cho các nhà ngoại cảm hoạt động bằng việc đầu tư tiền bạc, công sức và kêu gọi các tổ chức xã hội đóng góp. Trong khi nhà nước đã chính thức không công nhận việc tìm mộ hài cốt liệt sĩ bằng con đường ngoại cảm. Phải chăng các cơ quan, tổ chức phớt lờ lệnh?

Nhu cầu tìm kiếm người thân, hài cốt liệt sĩ là nhu cầu hết sức chính đáng và đây là nhu cầu hết sức bức xúc của nhiều gia đình.

Đảng, Nhà nước cũng hết sức quan tâm và có nhiều giải pháp trong việc tìm kiếm thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Như trong Nghị quyết 494 của Ủy ban Thường vụ QH cũng qui định về việc xây dưng và triển khai 2 đề án: Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ đã có mộ trong nghĩa trang.

{keywords}
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã tiến hành đối chứng, kiểm tra việc quy tập hài cốt liệt sĩ mà "cậu Thủy" và một ngân hàng thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hôm 25.7... (Theo Thanh niên)


Tuy nhiên, việc thực hiện 2 đề án này cũng rất khó khăn. Cho nên nhiều gia đình xuất phát từ tình cảm và lòng mong muốn của mình đã chủ động tìm mọi biện pháp tìm kiếm người thân, trong đó có con đường ngoại cảm. Có những người lợi dụng tình cảm đó của người dân để hoạt động trái pháp luật.

Vấn đề là các cơ quan chức năng phải xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm.

Còn sự phối hợp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cơ quan, tổ chức cũng có sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn với nhau.

Ví dụ, ngay trong chuyện cấp phép cho cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động, thì phòng Tài chính - kế hoạch cấp phép. Trong khi Sở Y tế, ngành y tế chưa thẩm định, chưa cấp phép nhưng cơ sở đó vẫn hoạt động.

Đối với việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ngành được giao chức năng quản lý nhà nước là ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. Ngành này đã có những văn bản xác định rằng, chúng ta chưa thừa nhận việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng con đường ngoại cảm.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, một số ngành chức năng khác thiếu sự phối hợp trong việc thực hiện qui định này.

Có thể là do sức ép của những gia đình có người thân là liệt sĩ nhưng cũng có thể là do sự buông lỏng của các ngành, các địa phương đó. Cần phải xác minh làm rõ trách nhiệm của địa phương và các ngành, từ đó mới có biện pháp xử lý phù hợp.

- Có phải chăng, việc các gia đình có người thân là liệt sĩ trông chờ vào nhà ngoại cảm chứng tỏ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chưa làm tốt trách nhiệm của mình, thưa ông?

Hiện nay còn hơn 500.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc là chưa xác định được danh tính, có thể nói đó là mối quan tâm chung của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành và cả xã hội.

Nhưng nếu nói, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chưa làm tròn hết trách nhiệm của mình thì cũng không hẳn, bởi vì thực tế việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và việc xác định danh tính trong nhiều trường hợp rất khó khăn.

Cũng phải nhìn nhận một thực tế có nhiều người tự mình đi tìm hài cốt người thân. Người ta nói, có bệnh thì vái tứ phương, khi người ta có nhu cầu thì có khi phải bằng mọi con đường, bằng mọi cách kể cả bằng con đường ngoại cảm .

Theo tôi, phải có sự tuyên truyền tốt hơn và đặc biệt phải có những giải pháp khả thi hơn để khắc phục tình trạng hiện nay.

Có 5 giải pháp cần tính đến để giúp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhanh hơn:

- Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Bởi vì làm công việc này, ngoài trách nhiệm phải có cái tâm, cái tình và phải có sự chia sẻ với những gia đình mong muốn tìm kiếm người thân.

- Mở rộng các diện tra cứu, tìm kiếm thông tin bằng nhiều con đường, kênh khác nhau, trong đó Bộ Quốc phòng phải sớm hoàn thành chương trình xác định phiên hiệu các đơn vị trong chiến tranh.

- Phải dựa vào dân. Bởi vì chiến tranh của chúng ta là chiến tranh nhân dân, ở vùng nào cũng có dân. Và người dân cũng có ít nhiều thông tin về trường hợp hy sinh mất mát của các lực lượng vũ trang trong chiến tranh.

- Tăng cường các ứng dụng, tiến bộ khoa học và các công nghệ mới, trong đó có việc lập ngân hàng thông tin để cung cấp thông tin một cách rộng rãi hơn nữa cho xã hội và cho người dân.

- Có sự hợp tác quốc tế với các nước có liên quan. Như trường hợp các cựu binh của Australia, họ đã cung cấp thông tin khá chính xác về trận giao chiến, về những hy sinh mất mát của 2 phía ở một địa bàn cụ thể.

Nếu tích cực triển khai nhiều biện pháp như thế thì việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ sẽ có hiệu quả tốt hơn

- Trở lại câu chuyện giải ngân 75 triệu đồng cho một trường hợp tìm thấy hài cốt liệt sĩ, và số tiền 7,8 tỷ đã được giải ngân mà VTV đã nêu. Nếu câu chuyện này có thật, ông đánh giá thế nào?

Phải xác minh làm rõ cơ chế giải ngân là theo chương trình nào từ đó mới xác định được trách nhiệm và hướng xử lý cụ thể.

- Trong các qui định về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, có trường hợp nào nhà nước dùng tiền ngân sách thông qua một hình thức nào đó để chi cho nhà ngoại cảm không?

Văn bản không có qui định nào nói là dùng tiền ngân sách hoặc của các tổ chức tín dụng để chi cho nhà ngoại cảm. Nhưng họ cũng có thể lợi dụng chương trình vay vốn hoặc chương trình hỗ trợ nào đó để chi cho nhà ngoại cảm.

Tá Lâm (ghi)