Vào khoảng đầu tháng 10, ông Mai Văn Bé (73 tuổi, ngụ ấp Tô Phước, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) liên hệ UBND xã về việc nhờ nhà ngoại cảm tìm hài cốt người thân trên địa bàn.

"Chúng tôi đã trao đổi, yêu cầu ông cho biết địa điểm và thời gian, chúng tôi sẽ cử lực lượng hỗ trợ. Tuy nhiên, ông không thông tin mà bỏ về” - Chủ tịch UBND xã Cô Tô Đặng Quốc Tuấn bắt đầu câu chuyện.

Ngày 14-10, quần chúng báo tin đến UBND xã, tại ấp Tô An, có một đoàn khách lạ khoảng 20 người, đi ô tô 29 chỗ đến cúng kiến, có biểu hiện nghi vấn. Ngay lập tức, công an xã đến mời các cá nhân có liên quan về làm việc.

{keywords}

Những đồ vật tìm thấy tại hiện trường

Tại đây, bà Phan Lê Yến (sinh năm 1950, ngụ phường 8, quận 3, TP HCM) cho biết: “Chúng tôi đến xã Cô Tô với mục đích du lịch và tìm hài cốt của một người họ hàng tên P.L.T, sinh năm 1920, đã từng tham gia kháng chiến tại chiến trường miền Nam những năm 1940.

Chúng tôi thắp hương, bày đồ cúng theo tâm linh, hy vọng sẽ sớm tìm thấy hài cốt. Tuy nhiên, chúng tôi chưa đào bới trên phần đất, mà lại tiếp tục trở ra quán cà phê ngồi. Ít phút sau, đoàn bị Công an xã Cô Tô mời về làm việc. Tôi thừa nhận chúng tôi không có giấy phép tìm kiếm hài cốt, cũng chưa trình báo với chính quyền địa phương là vi phạm. Tôi xin cam kết, chỉ thực hiện tìm kiếm hài cốt khi đã được phép”.

Theo công an xã, trong quá trình điều tra, bà Yến hoàn toàn không khai báo gì thêm, nên địa phương mời các đối tượng ra khỏi địa phương. Tuy nhiên, lực lượng đã cho mời ông Chau Thi (sinh năm 1950, chủ phần đất được cho là có hài cốt) đến để điều tra làm rõ.

Sau một thời gian đấu tranh, ông Chau Thi thừa nhận, bà Yến đã thương lượng với ông trong việc khai quật tìm vàng chứ không phải tìm hài cốt như bà đã khai. Nhưng để qua mắt lực lượng chức năng, đoàn của bà Yến không trực tiếp đào bới, mà giao cho một mình ông tiến hành. Trong thời gian đoàn của bà Yến ngồi tại quán cà phê, ông đào được một lớp đất thì lực lượng Công an xã đến hiện trường.

“Khoảng tháng 5-2013, ông Bùi Văn Việt (sinh năm 1953, ngụ Hà Nội) nhận định, phần diện tích đất 1.000m2 của gia đình tôi có khoảng… 1.000 tấn vàng, một hũ kim cương, bởi 4.800 năm trước đây nơi này là đền vua (?!). Họ yêu cầu tôi đào xuống chiều sâu mặt đất 3,8 m, nơi kho báu được cất giấu”.

Vụ việc đã gây xôn xao trong dư luận, bản thân ông Chau Thi cũng nhận thấy hành vi của mình là sai, ông đã làm đơn xin hiến toàn bộ diện tích đất nói trên cho nhà nước, trong trường hợp khai quật được số tài sản trên.

{keywords}

Địa điểm ông Chau Thi đào bới tìm vàng

Trưởng Công an xã Cô Tô, ông Nguyễn Văn Ngoan, cho biết tại hiện trường đang đào bới dở dang, lực lượng cũng phát hiện nhiều vật dụng lạ, không rõ là gì.

Chủ tịch UBND xã Cô Tô Đặng Quốc Tuấn thông tin thêm: “Sau khi xử lý các đối tượng khai quật trái phép, có người tên Mai Văn Bé liên hệ trực tiếp với tôi và cho biết trên phần đất có 500 tấn vàng, nhưng không tiện trình báo. Nếu chính quyền địa phương “hợp tác”, đồng ý cho tìm vàng thì đoàn sẽ trích ra 50% tài sản để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Theo nhận định của chúng tôi, tin đồn tại khu vực trên có kho báu quý hiếm đã được truyền miệng từ nhiều năm nay, nhưng không ai biết rõ thực hư câu chuyện. Nếu thật sự có số tài sản trên, chúng tôi cũng không thể chấp nhận yêu cầu “hợp tác” với ông Bé và đoàn tìm vàng, vì đấy là tài sản quốc gia, cần có sự can thiệp, xử lý của các ngành chức năng. Trước mắt, Công an xã đã báo cáo về Công an huyện xin ý kiến xử lý vụ việc.

Chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng Công an theo dõi 24/24 khu vực trên, đề phòng tin đồn lan rộng và các đối tượng trên quay trở lại đào bới vào ban đêm. Tuy nhiên, rất mong các cơ quan chức năng có bước khảo sát, tìm hiểu tại khu vực, góp phần làm sáng tỏ tin đồn: Có hay không những bí ẩn dưới lòng đất?”.

(Theo An Giang Online)