- Bão số 12 đổi hướng liên tục và suy yếu đáng kể khi đi vào đất liền. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ chiều 04/11 có mưa vừa, có nơi mưa to.

Ít di chuyển nhưng đổi hướng

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong 6 giờ vừa qua, bão số 12 hầu như ít dịch chuyển.

Lúc 4 giờ sáng nay (3/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470km về phía Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

{keywords}
Bão số 12 liên tục đổi hướng và suy yếu khi vào đất liền (Ảnh: NCHMF)

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Nam và Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km.

Đến 4 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km về phía Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Nam và Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km, đi vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 4 giờ ngày 05/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là từ dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.

Từ chiều nay (3/11), vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Từ sáng mai (04/11), vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Từ chiều 04/11, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Trước việc bão số 12 gây thời tiết nguy hiểm trên biển, ban chỉ huy phòng chống lụt bão TW ngày 2/11 đã có công điện yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cần theo dõi chặt chẽ, chủ động cấm biển tàu thuyền khi cần thiết.

Hơn 900 tàu thuyền đã vào bờ trú ẩn

Hơn 900 tàu đánh bắt của ngư dân Quảng Nam - Đà Nẵng và các tỉnh đang đánh bắt trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã vào bờ trú ẩn an toàn vào sáng 3/11.

Tại các âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) và các điểm qui định neo đậu tàu thuyền tránh bão ở Quảng Nam đã được các ngư dân cho tàu vào tránh bão và neo đậu đúng theo qui định.

{keywords}

Tàu cá của ngư dân vào nơi tránh trú bão số 12 tại Thọ Quang, Đà Nẵng

 

Theo Biên phòng Đà Nẵng, tại âu thuyền Thọ Quang đã có hơn 400 tàu đánh cá của ngư dân vào tránh bão.

Còn tại các điểm tránh trú bão dọc theo sông Trường Giang, Quảng Nam đã có hơn 500 tàu thuyền các loại vào trú ẩn.

Đến 8 giờ sáng 3/11, toàn bộ số tàu thuyền đang hoạt động trên biển khoảng 100 phương tiện cùng 2.356 lao động đã được chỉ dẫn vào nơi trú tránh an toàn

Thống kê ban đầu cho biết hiện có 73 chiếc tàu đánh bắt xa bờ với 2.135 lao động.

Trong đó có 24 chiếc với 320 ngư dân đang hoạt động ở khu vực có tọa độ 12 – 140 N và 110 – 1130 E (phía nam quần đảo Hoàng Sa).

Đây là khu vực nguy hiểm nên BĐBP đã yêu cầu quay về bờ trú ẩn an toàn vào sáng hôm nay. Hiện còn 49 phương tiện cùng 1.815 lao động đang đánh bắt ở vùng biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.

BĐBP vẫn đang giữ liên lạc và yêu cầu không được tắt máy icom để nghe cập nhật các bản tin báo bão sau và sẵng sàng tìm nơi trú ẩn khi có thông báo.

Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung và Tây Nguyên, tính đến đến 06 giờ ngày 03/11, đã thông báo, hướng dẫn tổng số 44.238 tàu/178.031 lao động các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa biết vị trí, hướng di chuyển bão số 12 để chủ động trú tránh.

Hiện công tác phòng chống bão số 12 đã được các cấp chính quyền địa phương Quản Nam và Đà Nẵng triển khai các phương án ứng phó với phương châm 4 tại chỗ đã hoàn tất.

Thừa thiên – Huế: Kêu gọi 1.800 tàu cá vào bờ an toàn

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi được gần 1.800 tàu thuyền vào bờ trú ẩn.

Hiện, còn 8 phương tiện với 66 lao động đánh bắt trên biển đang trên đường vào bờ tránh trú bão.

{keywords}

Đưa tàu thuyền vào bờ trú bão

 

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, A Lưới lên phương án chủ động động xả nước đưa dần về mực nước đón lũ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Thượng tá Lê Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “Hiện nay lực lượng Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo cho các đơn vị biên phòng trên hai tuyến biên giới, xuống các địa bàn xung yếu phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động nhân dân chủ động phòng chống, không chủ quan bị động và bất ngờ”.

Trước đó, sau hai cơn bão số 10 và số 11, bờ biển Hải Dương, tỉnh Thừa Thiên – Huế bị xâm thực nặng nề, có nguy cơ mở thêm cửa biển mới, để chủ động khắc phục tình trạng này, tỉnh này đã trích ngân sách 49 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển khu vực xã Hải Dương (Hương Trà).

Dự án do Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh làm chủ đầu tư nhằm chống sạt lở bờ biển, đảm bảo an toàn dân cư khu vực thôn Thái Dương Hạ, xã Hải Dương; ổn định đường bờ trên cơ sở đường bờ hiện tại, góp phần hình thành hệ thống công trình chống sạt lở bờ biển và ổn định lâu dài vùng đầm phá Tam Giang.

N.Anh - Vũ Trung - Uyên Phương