- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rõ, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào ở vùng nguy hiểm, thậm chí có thể cần cưỡng chế dân di dời khi cần thiết.

Sáng 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị đối phó với bão tại tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết tỉnh đang tập trung sơ tán, di dời dân với tổng số gần 80.000 hộ dân, trên 400.000 nhân khẩu, một con số lớn nhất từ trước đến nay.

{keywords}

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm người dân tránh trú bão tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Hiện tất cả nhà dân ở vùng ven biển, nhà cấp 4 buộc phải di dời, có xã phải di dời toàn bộ. Ngoài những địa điểm an toàn được đưa dân đến như trụ sở ủy ban, các cơ quan, xí nghiệp, thì hiện nay, các địa phương cũng đã huy động tất cả các khách sạn trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào ở vùng nguy hiểm, thậm chí có thể cần cưỡng chế dân di dời khi cần thiết.

{keywords}

{keywords}

Người dân tại các điểm tránh trú bão.

Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Quảng Ngãi huy động toàn bộ các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và vùng ven biển để tình nguyện tiếp nhận số dân sơ tán. Tỉnh Quảng Ngãi cần chỉ đạo các lực lượng để hoàn tất công tác sơ tán dân trước 17 giờ ngày 9/11.

Đi kiểm tra công tác di dời dân tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Phó Thủ tướng đã động viên bà con yên tâm ở nơi trú ẩn an toàn, không được về nhà khi bão chưa tan.

Về lương thực, thực phẩm trong thời gian trú bão, địa phương sẽ đảm bảo cho bà con nhân dân.

Tại Quảng Nam - Đà Nẵng cũng đã lên phương án sơ tán gần 20.000 hộ dân với hơn 70.000 người thuộc các quận, huyện ven biển và các vùng nguy hiểm, nhiều nhất là nhân dân trên địa bàn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.

{keywords}

{keywords}

Một điểm trú tránh bão của người dân tại quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Vũ Trung)

Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có công điện chỉ đạo, yêu cầu người dân không có trách nhiệm không ra đường khi bão vào; thực hiện sơ tán nhân dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, lưu ý các nhà trọ, nhà cho thuê, khu vực nguy hiểm thường xuyên có triều cường, khu vực ven biển do sóng rất lớn trong bão nhất là khu vực tuyến đường Hoàng Sa, khu vực quận Liên Chiểu.

Di dân tại chỗ, di dân từ nhà không kiên cố sang nhà kiên cố, di dân vào các công sở, cơ quan, cách xa bờ biển ít nhất 500m; động viên các hộ gia đình có nhà kiên cố tạo điều kiện cho người dân cùng tránh, trú bão và hoàn thành trước 19h ngày 9/11.

Cùng ngày, ĐH Đà Nẵng đã yêu cầu các trường lập phương án sơ tán học sinh, sinh viên đang trú ở các phòng trọ không kiến cố ở bên ngoài nhà trường vào trú ở những nơi kiên cố như ký túc xá, giảng đường...

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi kiểm tra dọc theo ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng.

{keywords}

Phó Thủ tướng kiểm tra hệ thống cung cấp nước sạch tạm cho bà con tránh bão tại Hội An. (Ảnh: Vũ Trung)

"Việc cần sớm hoàn thành đến 19 giờ là phải di chuyển toàn bộ số dân sinh sống dọc theo ven biển vào sâu trong đất liền" - ông Phúc nói.

Hiện các vùng ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng đã hoàn thành việc di chuyển hơn 150 nghìn dân cùng khách du lịch.

Đến thăm hỏi hàng nghìn người dân đang trú bão tại trường Nguyễn Du, Hội An, Quảng Nam, Phó thủ tướng cảm thấy khá yên tâm với việc bố trí nơi ăn, nghỉ cho người dân.

Tương tự, tại Hà Tĩnh, đã lên kế hoạch sơ tán khẩn cấp gần 15.000 hộ dân (chủ yếu ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, TP. Hà Tĩnh...) với hơn  50.000 người để đảm bảo an toàn cho người dân vùng ven biển, cửa sông, cửa lạch trên địa bàn tỉnh. Thời gian sơ tán dự kiến xong trước 17h ngày 9/11.

Nghệ An cũng có phương án tổ chức di dời 26.000 hộ dân ven biển. Cho học sinh nghỉ học từ ngày 9 đến 12/11.

Tại Bình Định 2 xã đảo Nhơn Lý, Nhơn Châu (TP.Quy Nhơn), sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên nếu như bão đổ bộ, trong hôm nay (9/11), cũng phối hợp với các lực lượng tiến hành di dời dân.

Theo đó, xã Nhơn Lý sẽ di dời hơn 200 hộ/936 nhân khẩu đang sinh sống tại những khu vực sạt lở, gần mép biển; xã Nhơn Châu cũng phải hoàn thành công tác di dời 480 hộ/2.100 nhân khẩu tại 3 thôn Tây, thôn Trung, thôn Đông vào nơi tránh trú bão an toàn trong chiều nay.

Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định, tính đến chiều tối 9/11, tỉnh đã sơ tán 811 hộ/3.200 người ở ven biển. Hiện nhiều địa phương ven biển vẫn tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ dân sơ tán.

Ngoài ra, để chuẩn bị đối phó với diễn biến cơn bão, xã Nhơn Châu đã dự trữ 11 tấn gạo cùng mì gói, nước; số lương thực này có thể phục vụ cho người dân sử dụng trong 1 tháng.

 Đà Nẵng: Để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra khi bão đổ bộ vào đất liền, Quân khu 5 đã huy động hàng chục xe lội nước ứng trực tại các điểm xung yếu. Đồng thời huy động toàn bộ quân số tại các sư đoàn chủ lực đóng trên địa bàn phối hợp với bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương triển khai nhanh các đại đội đến các điểm xung yếu để giúp dân và bám dân để hướng dẫn bà con phòng tránh bão.

Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tại Đà Nẵng đã chỉ đạo Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172 chuẩn bị 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào vị trí tránh bão tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các khu vực cửa biển Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Tại vùng ven bờ, lực lượng Vùng 3 hải quân đã chuẩn bị 8 xuồng cao tốc, 9 xuồng cao su, 9 xe tải, 2 xe cẩu, 4 xe cứu thương, 5 xe ca và 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi có tình huống xảy ra.

• Minh Bảo - Tr.Nguyễn - V.Trung - Đ.Bảo