- Hơn chục triệu dân miền Trung cả đêm qua thẩm thỏm lo âu chờ đón bão dữ. Tại nhiều điểm tập trung dân tránh bão, tất cả đều nói cả đêm qua họ không ngủ. Nằm nghe mưa ràn rạt và gió quật gầm rú bên ngoài mà lòng nóng như lửa đốt.
Đêm không ngủ
Chiều tối qua (9/11), tại các điểm tránh bão ven biển Điện Bàn, Hội An ra đến Đà Nẵng, bà con nhân dân trăn trở, phập phồng lo âu cả đêm trước cơn bão dữ sắp tràn qua.
Chỉ trong gần 1 tháng mà đã 3 lần chạy tránh bão.
"Ở nơi vùng biển ni bão vào là phải lo mà chạy tránh. Ở lại làm sao chịu nổi với gió bão" - bà Nguyễn Thị Là nhà ở Cửa Đại, Hội An, đang trú bão tại trường Nguyễn Du kể.
Một điểm trú bão của người dân ở huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng |
Bà Là cũng như hàng nghìn người dân tránh bão tại đây chia sẻ, cả đêm hôm qua không ai chợp mắt. Nằm trong căn phòng trường Nguyễn Du kiên cố, nhưng cứ nghe gió gầm rít rồi mưa ào ào ai cũng lo lắng.
"Làm răng mà ngủ cho được, gần sáng tui nằm xuống vừa chợp mắt thì giật mình vì gió rin rít qua cửa sổ, mưa ràn rạt mà lòng nóng như lửa đốt. Gió kiểu ni không biết bão tan về lại có còn nhà để ở hay không? Nghĩ đến đó là không ai ngủ được" - ông Lê Văn Nam thở dài.
Điểm trú bão tại Bệnh viện Ung bướu được xem là đông người dân của quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Hàng nghìn người dân đang căng mình chờ đón bão mặc dù đã tránh trú bão an toàn. Nhưng tất cả đều âu lo.
"Cả đêm tui đâu có ngủ được. Mà đâu chỉ có mình tui. Tất cả bà con đến đây cũng chẳng ai ngủ. Trận bão số 11 vừa qua đã quá kinh hoàng rồi. Nay lại thêm siêu bão như ri làm răng mà không lo được" - ông Nguyễn Văn Vinh, nhà ở tổ 11, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) trầm ngâm lo lắng.
Tại các nơi tránh trú bão, hình ảnh các mẹ, các chị, những người lớn đang ngồi trầm tư nhưng lòng họ thì lo lắng. Nhiều chị còn chắp tay cầu nguyện trời đất thương mà đừng có bão dữ.
Chị Nguyễn Thị Như, nhà ở Hòa Vang rưng rưng kể: "Cả đêm hôm qua tui cầu nguyện mong cho bão đừng vào. Nếu bão dữ như dự báo mà tràn vào thì bà con tui chết chắc. Trận bão trước chưa khắc phục xong, thêm trận ni nữa thì làm răng mà sống nổi…".
Căng mình chờ bão
Cả đêm hôm qua tại hầu hết các sở chỉ huy phòng chống bão tiền phương ở Quảng Nam -Đà Nẵng đều trắng đêm không ngủ, căng mình chờ bão dữ.
Bữa ăn tối tạm của người dân tránh bão ở Quảng Nam vào tối hôm qua để chờ bão tan. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu qua điện thoại lúc rạng sáng nay (10/11), ông bảo mặc dù các phương án phòng tránh đã được triển khai. Nhưng mỗi khi nghe gió gầm rú, rồi mưa là không ngủ được. Lòng nóng như lửa đốt mong trời mau sáng.
Rất may, đến thời điểm này (sáng 10/11), mặc dù trên địa bàn Quảng Nam có mưa lớn và gió bắt đầu thổi mạnh, nhưng tất cả người dân vẫn được an toàn, chưa có sự cố nào xảy ra - ông Thu cho biết.
Còn tại Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố xuống tận các quận, huyện, phường xã để động viên bà con phòng tránh bão. Chủ tịch UBND Văn Hữu Chiến cho biết, rạng sáng nay gió đã bắt đầu mạnh dần lên và mưa lớn tại nhiều nơi.
Trong đêm qua, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã đi kiểm tra công tác di dời dân trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Ông Thọ cho biết, tại các điểm tránh bão cho người dân đều đảm bảo an toàn. Lương thực, thuốc men… được bố trí đầy đủ để sẵn sàng hỗ trợ cho người dân, sinh viên tại các khu trú bão tập trung.
Đến sáng hôm nay trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng gió bắt đầu mạnh dần lên kèm theo mưa. Cả bầu trời đen kịp như dự báo sẽ mưa lớn và kéo dài.
Theo nhiều cụ ông cao tuổi ở Đà Nẵng, khi nhìn bầu trời mây đen vần vũ có khả năng bão sẽ suy yếu. Nhưng lụt lớn là điều khó tránh khỏi.
Với kinh nghiệm nhiều năm đối mặt với bão lũ dữ ở miền Trung khi được hỏi kinh nghiệm ứng phó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ nói ngắn gọn, phải bình tĩnh trước mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng thời di chuyển toàn bộ dân ở ven biển và nơi xung yếu, nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Vũ Trung