Cơn bão đã khiến nhiều người kiệt sức, từ bà con chạy bão, lãnh đạo các Bộ ngành, lãnh đạo các địa phương. Nó cũng “quần thảo” các chuyên gia khí tượng đến mệt lử, làm giới truyền thông lên cơn sốt còn bạn đọc thì “thót tim”.
Khó lường
14h30 ngày 5/11, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phát đi thông tin cảnh báo về cơn bão số 13, trong đó lần đầu tiên nói về siêu bão Haiyan (lúc đó vẫn ngoài khơi Philippine, cách Việt Nam hơn 3.000km).
Trong bản tin đầu tiên phát vào buổi sáng ngày 8/11, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: dự báo đến 4 giờ sáng ngày 10/11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế – Bình Định khoảng 180km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 14-15, giật cấp 17.
Lúc này, bão chưa có dấu hiệu đổi hướng, dự báo sẽ tiến về thẳng các tỉnh Trung Bộ. Nhìn những gì mà Philippines đã hứng chịu trước đó, nhiều người bắt đầu chắp tay nguyện cầu cho dải đất nghèo quanh năm hứng bão.
Siêu bão Haiyan đi dọc ven biển miền Trung rồi đổ vào miền Bắc (Ảnh: NCHMF) |
Trong cuộc họp trực tuyến lúc 2 giờ chiều cùng ngày do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết thông tin dự báo ở thời điểm đó cho thấy bão có khả năng đổ vào Quảng Ngãi - Thừa Thiên Huế khoảng 4-10 giờ sáng 10/11.
Như vậy, thời điểm này bão đã bắt đầu có xu hướng dịch lên phía Bắc, thu hẹp vùng ảnh hưởng ở phía Nam. Cơ quan khí tượng cũng lần đầu đưa ra dự báo sau khi đi vào Quảng Ngãi - Thừa Thiên Huế lúc 4-10 giờ sáng 10/11 thì bão sẽ đi dọc các tỉnh Quảng Trị - Nghệ An. Lúc đổ bộ bão vẫn mạnh cấp 14, 15, giật cấp 17 – cấp bão hủy diệt.
Những thông tin này khiến bà con miền Trung được đặt trong tình trạng báo động. Công tác triển khai ứng phó được tiến hành khẩn cấp.
Căng thẳng
Một không khí khẩn trương, căng thẳng (được ví như là “chạy giặc”) trải dài trên toàn bộ các tỉnh từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng trở vào Bình Định, Phú Yên. Người dân cả nước cũng đứng ngồi không yên dõi theo tin bão và cầu mong bão sẽ suy yếu khi vào Việt Nam. Tất cả các tin tức về bão đều được đọc nhiều nhất và chiếm lĩnh toàn bộ trang chủ của các tờ báo.
Trong quãng thời gian con người chạy đua hết sức với thiên nhiên đó, thì cơn bão tiếp tục thể hiện rõ hơn xu hướng lệch dần về phía Bắc.
Giữa lúc căng thẳng nhất, chiều 9/11, trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đưa ra thông tin vùng tâm bão sẽ không đổ thẳng (vuông góc) vào miền Trung mà chỉ liếm vào vùng ven biển các tỉnh Quảng Ngãi – Quãng Trị, sau đó men theo toàn bộ vùng biển miền Trung để chạy dọc lên khu vực Bắc Trung Bộ, cường độ suy giảm, không còn sức gió hủy diệt khi đổ bộ.
Thông tin này khiến “quả bóng áp lực” được “xì hơi”. Ngay trong đêm 9/11, sáng 10/11, nửa triệu người dân đã được trở về nhà, còn người dân từ Quảng Bình trở ra Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa lại cuống cuồng chạy bão.
Từ trưa 9/11 đến trưa 10/11, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã sơ tán hàng chục ngàn người.. Giữa lúc này, đầu giờ chiều 10/11, cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục cung cấp những thông tin thay đổi của cơn bão, trong đó thông tin quan trọng nhất là bão sẽ đổ vào miền Bắc, cụ thể là 3 tỉnh Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Bà con Bắc Trung Bộ lại được một phen “hú vía”, Thanh Hóa ngừng di dân, thôi xả nước hồ chứa, cho phép người dân trở về nhà. Lúc này, mọi sự tập trung lại hướng về miền Bắc. Trên thực tế, không chỉ Việt Nam mà các đài khí tượng quốc tế cũng đưa ra nhiều dự báo không thống nhất về diễn biến cơn bão đặc biệt này.
Dốc sức
Diễn biến siêu bão Haiyan đã khiến tất cả người dân từ Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ tới Bắc Bộ bị cuốn vào vòng xoáy chạy bão. Theo ông Bùi Minh Tăng, khi còn ở ngoài khơi Thái Bình Dương và trước khi đổ bộ vào miền Trung Philippines, bão Haiyan là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử, sánh ngang với những cơn bão đã gây ra nỗi kinh hoàng như siêu bão Andrew (1992), Katrina (2005) đổ vào Hoa Kỳ và siêu bão Nargis đổ vào Myanmar năm 2008.
Người dân từ miền Trung tới miền Bắc căng mình chạy bão Haiyan (Ảnh: VietNamNet) |
Vì thế có thể nói chưa có cơn bão nào ở Việt Nam mà lượng di dân lại lớn như thế (gần 1 triệu người), số tỉnh phải cùng tham gia ứng phó nhiều như thế với toàn bộ các lực lượng.
Không khí căng thẳng không chỉ có ở các địa phương phải chạy bão mà còn diễn ra ở cơ quan khí tượng. Chưa bao giờ đối mặt với một cơn bão nào mạnh như bão Haiyan, các nhà khí tượng đều bị bão “quần” cho mệt lử.
Từ khi siêu bão Haiyan vào Biển Đông, Trung tâm KTTVQG tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến với các Đài KTTV khu vực trên cả nước để đưa ra những nhận định về diễn biến mới nhất của cơn bão.
Trong buổi họp lần đầu với báo chí chiều 9/11 để cung cấp thông tin về sự thay đổi hướng đi, vùng ảnh hưởng của siêu bão Haiyan, nhiều phóng viên không khó để nhận ra vẻ “phờ phạc” của Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng.
Lúc bắt đầu buổi họp, ông Tăng cho biết “chỉ có 20 phút để thông tin và giải đáp cho báo chí”, vì sau đó ông còn tiếp tục phải theo dõi bão và họp với Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.
Đến chiều 10/11, trong lần thứ 2 gặp báo chí để thông tin diễn biến mới của bão, ông thông báo chỉ có 30 phút bởi còn phải soát tin bão mới nhất. Chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt ông mặc hôm 9/11 vẫn chưa được thay.
Trước khi kết thúc buổi họp, ông còn kịp đùa để xua đi một chút căng thẳng đã kéo dài trong suốt mấy ngày qua: “Chúc các anh chị nhà báo có một ngày nghỉ cuối tuần … vui vẻ!”
Quốc tế hỗ trợ Việt Nam dự báo , ứng phó siêu bão Haiyan Trước tình hình diễn biến phức tạp của Siêu bão Haiyan, ngay từ 8/11, tức là trước khi bão đổ bộ vào miền Trung Philippin, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã chỉ đạo các cơ quan khí tượng liên lạc với các tổ chức quốc tế và khu vực, các Trung tâm dự báo Khí tượng có uy tín trên thế giới để hỗ trợ Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm dự báo và tư vấn các biện pháp phòng chống cần thiết đối với siêu bão Hai Yan. Thư yêu cầu đã được gửi tới Ban Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Ban Thư ký Ủy ban Bão và 14 nước thành viên Ủy ban Bão trong đó tập trung vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông. Sau khi nhận được thư yêu cầu của Trung tâm KTTV quốc gia, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhanh chóng thành lập Nhóm công tác về bão Haiyan nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó có hiệu quả với cơn bão này do Tiến sĩ Xu Tang, Vụ trưởng Vụ Dịch vụ thời tiết và giảm nhẹ thiên tai phụ trách. Sáng sớm 9/11, ông Xu Tang (thông qua điện thoại và thư điện tử) đã đưa ra một số tư vấn và khuyến nghị hữu ích nhằm giảm nhẹ những thiệt hại có thể do cơn bão Haiyan gây ra với VN. |
Cẩm Quyên