HTML clipboard - Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Vạn Xuân, Giám đốc Công ty VTC Corp cho biết: Tàu amanasu (của hãng Koyo - Nhật Bản, do nhà thầu Brazil thuê) chở hơn 1.000 lao động Việt Nam tại Libya về nước xuất phát sáng 3/3 từ cảng Benghazi-Libya, đã rời cảng Singapore sau khi nạp nhiên liệu. Dự kiến chiều 3/4, tàu về tới cảng Hải Phòng.

Ông Xuân cho biết, ông đã liên lạc được với lao động của công ty trên tàu. Người lao động cho biết, sau khi tiếp nhiên liệu tại Singapore, đến sáng 30/3 tàu rời cảng và đang trên đường về cảng Hải Phòng.
 
Dự tính chiều ngày 3/4 tàu chở hơn 1.000 lao động sẽ về đến cảng Hải Phòng. (Ảnh: Dolab.gov.vn).

Giải thích về việc tàu về chậm, ông Xuân cho biết đó là do thay đổi hành trình, trên đường phải ghé qua nhiều cảng khác nhau để nạp nhiên liệu và lấy thực phẩm cung cấp cho người lao động. Hơn nữa, toàn bộ số lao động đều không có hộ chiếu (về bằng giấy thông hành) nên khi ghé các cảng đều phải ở xa bờ để tránh tình trạng lao động bỏ trốn hoặc đi lạc, vì vậy thời gian tiếp nhiên liệu cũng như vận chuyển thức ăn lâu hơn bình thường.

Về sức khỏe của người lao động, ông Xuân cho hay, đây là tàu du lịch 5 sao và chi phí thuê tàu đã bao gồm tiền ăn của người lao động với mức 30-50 USD/ngày.

Trước đó, tàu dự kiến về đến Hải Phòng ngày 21/3, sau dời lại ngày 24/3 và dự kiến cập cảng Hải Phòng vào trưa 27/3. Song đến ngày 30/3 tàu mới rời Singapore.

Hai doanh nghiệp đã bố trí 30 ô tô chờ sẵn để chở lao động về địa phương. "Chúng tôi đã thuê 8 xe 50 chỗ để sẵn sàng đưa lao động của công ty về địa phương. Trong số lao động của chúng tôi chủ yếu là ở hai tỉnh miền trung Nghệ An và Hà Tĩnh và một số lao động ở các tỉnh miền bắc", ông Xuân cho biết.

Được biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước và hai doanh nghiệp trên cũng đã chuẩn bị sẵn bánh mì và nước uống phục vụ lao động trên đường về nhà.

Theo chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, chậm nhất sau 2 tuần các DN sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng cho người lao động. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, phương án thanh lý hợp đồng vẫn chưa “chốt” được. Trong khi đó đã có rất nhiều lao động sau khi phải rời Libya về nước sớm trước hạn đã tập trung đến trụ sở của các doanh nghiệp đề nghị được thanh lý hợp đồng.
  • Vũ Điệp