Công dân Nguyễn Quý Đoan sẽ mãi mãi không bao giờ quên ngày 28/6/2006. Sau gần 3 năm bị tạm giam, TAND tỉnh Bắc Giang quyết định tạm đình chỉ xét xử, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Vụ án sau đó được đình chỉ với lý do “hết thời hạn điều tra”.

{keywords}
Luật sư Nguyễn Việt Hùng (trái) gặp lại thân chủ Nguyễn Quý Đoan, tháng 11/2013.

Chín người bị khởi tố

Trong các năm 2001 - 2003, liên tiếp xảy ra 7 vụ mất trộm tại các đình, chùa thuộc tỉnh Bắc Giang. Tài sản bị mất gồm 27 pho tượng, 12 bát bửu, 1 câu đối, 1 hậu bành, 2 bộ sắc phong, 1 mâm đài, 1 bát hương, 1 chân đèn nến, tổng trị giá khoảng hơn bốn trăm triệu đồng.

Vụ án “trộm cắp tài sản” được Công an một số huyện khởi tố, sau đó nhập về Công an tỉnh Bắc Giang điều tra. Tổng cộng có 9 người bị khởi tố bị can, một trong số đó được tại ngoại, còn lại bị tạm giam.

Ông Nguyễn Quý Đoan (SN 1980, trú tại Bắc Ninh) là người đầu tiên bị bắt, ngày 21/9/2003. Không hiểu điều tra viên Công an Bắc Giang khéo “động viên” kiểu gì mà ông Đoan sau khi tự nhận ăn cắp tượng Phật trong chùa, đã… “tồng tộc” khai ra những đồng phạm khác.

Từ lời khai của ông Đoan, ngày 19/11/2003, Công an Bắc Giang bắt tiếp ông Phan Hữu Hường (SN 1952, quê Hà Tây); ngày 20/11/2003, bắt tiếp ông Lê Văn Thương (SN 1973, ở Hà Nội); ngày 2/12/2003, bắt tiếp ông Phạm Mạnh Hùng (SN 1968, Hà Nội).

Vẫn từ lời khai ông Đoan, sang năm 2004, Công an Bắc Giang khởi tố tiếp 4 người, và đầu năm 2005, khởi tố thêm một người. Những người bị khởi tố sau này đều không nhận tội. Căn cứ để Công an Bắc Giang bắt họ chỉ là… lời khai của ông Đoan.

Phiên tòa nhiều kịch tính


Ngày 19/6/2006, chỉ 8 bị cáo ra trước vành móng ngựa. Một người đã chết khi bị giam giữ, là ông Phan Hữu Hường. Hầu hết bị cáo sức khỏe rất xấu. Nhiều người phải có 2 cảnh sát dìu hai bên mới đi được.

Tham gia giải oan cho các bị cáo vụ án này, Tiền Phong kịp thời đăng tải những bài điều tra về vụ án. Đáng chú ý là bài báo “Chứng cứ gỡ tội có ngay trong hồ sơ”, các PV chứng minh toàn bộ “vật chứng” thu được như 1 chiếc kìm cộng lực, 5 chiếc bao tải, 2 pho tượng… đều không liên quan đến vụ án. Những vấn đề Tiền Phong nêu ra, sau đó đã được nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Người bị khởi tố sau cùng là bà Nguyễn Thúy Lan (SN 1951, ở Hà Nội) tố cáo: Khi bà bị bắt đưa lên trại giam Kế ở Bắc Giang, người ta đưa ông Hường ra để “nhận diện” bà. 

Ông Hường khi này đã yếu lắm rồi. Ông nhìn bà Lan lắc đầu bảo không phải. Thế là ông bị đá vào ngực, vào mặt. Bà Lan hét lên: “Người ta già như thế, tại sao đánh người ta đau vậy”, rồi chạy lại ôm lấy ông Hường…

Không chỉ riêng bị cáo Lan, tất cả các bị cáo ra trước tòa đều kêu oan, và tố cáo bị mớm cung, bức cung, nhục hình. Bị cáo Đăng tố cáo bị đánh gẫy răng, nhưng khi khám thương buộc phải khai là ngã. 

Bị cáo Hùng tố cáo bị còng tay treo ngược lên, trên cổ tay còn vết sẹo. Bị cáo Thương trước khi ký vào các bản cung nhận tội đã ghi BC, MC, GT; trước tòa, ông Thương giải thích các chữ này là “bức cung”, “mớm cung”, “ghép tội”.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã vạch ra hàng loạt vi phạm tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố. Họ cũng vạch ra hàng loạt mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo, họ chứng minh vật chứng thu giữ được không liên quan đến vụ án, đặc biệt là việc có dấu hiệu bức cung, nhục hình…

Bị cáo quan trọng nhất!


Trước khi ra tòa, được điều tra viên “động viên, thuyết phục”, ông Đoan ký giấy từ chối luật sư. Kết thúc ngày xử đầu tiên, bị 2 cảnh sát kẹp nách đưa đi, ông Đoan cố ngoái lại: “Mời cho em luật sư với chị ơi”

Từ lời khẩn cầu của ông Đoan, luật sư Mỹ Hà đã giúp ông Đoan có được luật sư bào chữa, là ông Nguyễn Việt Hùng (cả hai cùng thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội).

Ông Đoan nhờ luật sư Hùng kiếm cho mấy quyển lịch tay, có cả ngày âm và ngày dương, những năm 2001 - 2003. 

Sau khi đối chiếu ngày tháng, ông Đoan không chỉ tố cáo bị mớm cung, nhục hình, mà còn khẳng định cái ngày cáo trạng ghi ông đi từ Bắc Ninh về Hà Nội dẫn đồng bọn lên Bắc Giang ăn cắp, ông đang ở xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh, khâm liệm cho một người đàn ông trong làng.

Buổi tối hôm ông Đoan có lời khai trên, PV đi cùng các luật sư về xã Mão Điền. Loanh quanh hỏi thăm làng trên xóm dưới, khoảng 21 giờ đêm, các PV và luật sư mới gặp được một góa phụ. Chị cho biết, chồng chị mất ngày đó, tháng đó, gia đình đã nhờ ông Đoan khâm liệm cho chồng chị.

Hôm sau, nhân chứng quan trọng này được các luật sư đưa đến tòa. Lời trình bày của chị là một trong những tình tiết quan trọng để HĐXX tuyên hoãn tòa, trả hồ sơ cho yêu cầu điều tra bổ sung.

Chỉ vì “hết thời hạn”?!


Sau phiên tòa trên, Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã trả hồ sơ cho Công an tỉnh này điều tra bổ sung, với 10 yêu cầu đặt ra.

Ngày 13/2/2007, Công an Bắc Giang có bản kết luận điều tra bổ sung. Nhiều yêu cầu của tòa án bị lờ đi, nếu có đề cập thì cũng nói nước đôi. 

Chẳng hạn, 2 pho tượng được coi là vật chứng của vụ án, kết quả điều tra bổ sung vẫn cho rằng đây là “hai pho tượng A Nan và Ca Diếp” (thực ra là tượng Nam Tào và Bắc Đẩu), song thừa nhận đây “không phải cổ vật”, “đối chiếu kỹ với hồ sơ về chi tiết nhỏ thì không đảm bảo căn cứ vững chắc để khẳng định đó là hai pho tượng của chùa Khám Lạng”.

Có một số tình tiết, kết luận điều tra bổ sung thừa nhận việc điều tra trước đó đã sai. Chẳng hạn 2 chiếc ô tô của bị cáo Hùng, kết luận điều tra ban đầu cho rằng các đối tượng sử dụng để đi ăn trộm, kết luận điều tra bổ sung làm rõ bị cáo Hùng mua sau thời điểm các vụ trộm xảy ra. 

Một số cuộc điện thoại kết luận điều tra ban đầu cho rằng các bị cáo đã gọi cho nhau, kết quả điều tra bổ sung cho biết tra “list” điện thoại thì không có…

Thay vì nhận định không có căn cứ để cột tội, kết luận điều tra bổ sung đưa ra lý do khác để đình chỉ vụ án: “Mặc dù đến nay không có tài liệu nào để khẳng định các bị can trên là ngoại phạm, nhưng theo quy định pháp luật, trong trường hợp hết thời hạn điều tra không đủ chứng cứ để kết tội thì phải đình chỉ điều tra và phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho các bị can”.

Những mảnh đời phiêu bạt…


Ông Dương Văn Trung hôm ra tòa gầy như xác ve, là một trong những bị cáo ốm yếu nhất. Được trả tự do, ông Trung vào thẳng BV. Hết tây y chuyển sang đông y, ông Trung hồi phục, tăng 10 cân, bằng đúng trước khi bị bắt. 

Mọi chuyện tưởng ổn, ngờ đâu béo bệu. Bên trong, tim gan phèo phổi hỏng hết, không thuốc nào lại được. Ông Trung mất đến nay được 3 năm.

Ông Lê Văn Thương được tha về cũng vào thẳng BV. Sức khỏe khá lên, ông về nơi hành nghề trước khi bị bắt, thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội, thì ở đấy đã có người khác đến thay ông rồi. Xã không cho đăng ký hộ khẩu. Ông Thương thành kẻ không nhà, đi ở nhờ ông thầy ở quận Hoàng Mai.

Ông Dương Phúc Thịnh bộ đội xuất ngũ, nghệ nhân cây cảnh, có vườn cây hoành tráng cạnh sông Tô (Hà Nội), ra tù vườn cây tan hoang. 

Ngày ở tù, ông Thịnh ốm nặng được điều trị tại Bệnh viện Bắc Giang. Vợ ông lên thăm thấy chồng bị cùm chân cùng một gã “AIDS”. Ông Thịnh được tha về, vợ không dám gần, cứ thế tình cảm nhạt phai, dẫn đến tan đàn sẻ nghé…

Ông Phạm Mạnh Hùng ra tù thất nghiệp. Mua tờ báo “Mua & Bán” đọc mục “Việc cần người”, thấy có Cty tuyển nhân viên, làm nghề thu nợ. Ông Hùng vội nộp hồ sơ, phỏng vấn, trúng luôn. Đi làm 20 ngày thì công an bắt cả Cty vì đòi nợ trái pháp luật, ông Hùng là nhân viên hạng bét cũng không thoát.

Ông Nguyễn Quý Đoan không cha, không mẹ, nguyên là trẻ rơi, sống ở chùa. Khi bị bắt, ông Đoan đang ở chùa làng Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh). Ra tù, ông Đoan về lại chỗ cũ, người ta không nhập khẩu. Đành nơi này ít hôm, nơi kia ít hôm, nương tựa vào những ông thầy từng dạy dỗ ông Đoan, ông Đoan gọi là “bố”…

Chuyện xin lỗi, bồi thường?


Sau khi vụ án đình chỉ, những người bị oan trên đây nhận được giấy của Viện KSND tỉnh Bắc Giang, do bà Bùi Thị Ngân, Trưởng phòng 2, thừa lệnh Viện trưởng ký, mời họ đến bàn chuyện bồi thường. 

Họ đến, hý hoáy làm đơn theo hướng dẫn của bà Ngân. Mấy tháng sau lại được mời đến “làm lại đơn”… Rốt cuộc họ phải khởi kiện ra tòa, tốn rất nhiều công sức, mới lấy được số tiền bồi thường ít ỏi.

Ông Đoan đến hôm nay chưa nhận được thông tin về chuyện bồi thường. Ông Đoan kể: “Tôi viết đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình, gửi đến Viện KSND tỉnh Bắc Giang và Viện KSNDTC rất nhiều lần.

Trong đơn, tôi nêu rõ đánh đập ép tôi nhận tội là các điều tra viên Thân Văn Túc, Hà Văn Quang, Chu Bá Huy, Nguyễn Văn Oanh. Họ đốt ny-lon nhỏ vào chỗ kín của tôi, hiện vẫn còn chi chít vết sẹo.

 Riêng ông kiểm sát viên Nam đập một con gián, nhét vào mồm tôi. Không chịu nổi, tôi phải khai bậy cho người này, người kia”.

“Kết quả giải quyết đơn tố cáo của ông sao rồi?”
. Nghe PV hỏi vậy, ông Đoan buồn bã đáp: “Tôi không nhận được văn bản trả lời nào cả”.

(Theo Tiền phong)