- Đợt mưa lũ kéo dài gần 1 tuần qua khiến nhiều vùng hạ lưu sông Côn ở Bình Định ngập chìm trong biển nước. Dư luận tại địa phương nghi vấn, nguyên nhân là do hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) xả lũ.

Nước dâng bất ngờ, dân không kịp trở tay

21 giờ, tối 15/11, nước lũ bất ngờ tràn về vùng hạ lưu thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, Tây Sơn… như thác đổ. Người dân nháo nhào chạy lũ trong đêm. Tài sản bị ngâm vùi trong biển nước.

{keywords}
 
Ngôi nhà bà Võ Thị Hoa tan hoang sau đợt mưa lũ ở An Nhơn, Bình Định - Ảnh: Trọng Nguyễn.

Chị Cẩm Lệ, người dân sống tại phường Bình Định (thị xã An Nhơn) nhớ lại: “19h tối 15/11, ngoài đường phố người dân vẫn đi lại bình thường. Tôi chốt cửa vào nhà ru con nhỏ ngủ. 21h, thằng con tôi ra đằng trước nhà nghe tiếng gì đó như gió thổi. Tôi vội mở cửa, tá hỏa thấy nước dâng cao ngấp nghé trước cửa nhà. Tôi vội chạy vào nhà tay bế con, tay dắt thằng con trai vừa chạy sang nhà hàng xóm tá túc”.

Còn bà Võ Thị Hoa (52 tuổi, khu Tiên Hòa, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) nghẹn ngào: “Từ thời cha sinh mẹ đẻ đến nay, ngót ngét đã hơn 50 năm nhưng tôi chưa từng chứng kiến trận lũ nào lớn đến vậy. Lũ về trong đêm quá bất ngờ, khiến người dân chúng tôi không kịp trở tay. Toàn bộ ngôi nhà bị nước cuốn phăng. Tôi nghĩ nếu hồ không xả lũ thì sao nước to đến vậy, trong khi thời gian mưa to cũng rất ngắn”.

Ông Ngô Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi không hiểu vì sao nước lũ lại lên nhanh đến như vậy. Trước khi xảy ra lũ, mưa cũng có xuất hiện nhưng với lưu lượng không cao. Có hay không việc xả hồ Định Bình thì chưa biết. Nhưng việc nước lũ lên cao là điều bất ngờ”.

Còn tại huyện Tây Sơn, từ 20h, tối 15/11, chuông điện thoại Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện reo réo rắt với cấp độ tăng lần, thâu đêm. Đó là những tiếng gọi kêu cứu từ nhiều địa phương gọi về xin cứu dân thoát lũ vì nước dâng cao quá bất ngờ.

Ông Dương Đông Phong, khối Phú Xuân (thị trấn Phú Phong) cùng vợ và đứa con trai phải dỡ nóc nhà leo lên nơi cao nhất để tránh nước lũ. Nhưng càng về khuya nước càng dâng cao và nhanh. Rất may là lực lượng chức năng đến ứng cứu kịp thời.

Cùng chung cảnh ngộ với người dân thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn. Bà con sinh sống tại các xã khu Đông huyện Tuy Phước thất thần vì lũ lên nhanh bất ngờ.

Nước dâng nhanh, bà con không kịp trở tay, tài sản bị nước lũ nhấn chìm.

“Tôi sống vùng hạ lưu sông Côn đã gần 40 năm và quanh năm thường sống chung với lũ. Nhưng thú thật, nước lũ lên nhanh như đợt lũ vừa qua thì tôi từng thấy. Không xả hồ hay thủy điện thì không tài nào nước dâng nhanh đến vậy! Tôi cũng khả nghi, chứ không dám kết luận thủy điện hay hồ chứa nước Định Bình có xả lũ hay không”, ông Phạm Cảnh Nhàn, Trưởng thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), cho hay.

Không có chuyện xả hồ gây lũ (!?)

Liên quan đến tình trạng ngập lụt và nghi vấn xả lũ nói trên, chiều 18/11, PV VietNamNet đã làm việc với đại diện đơn vị quản lý hồ chứa nước Định Bình là ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định.

{keywords}
Hình ảnh hồ Định Bình xả lũ điều tiết - Ảnh: Trọng Nguyễn.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Phú nhiều lần khẳng định, việc vận hành hồ thủy lợi Định Bình trong những ngày trước và sau lũ đều đúng quy trình và kỹ thuật.

“Vậy vì sao không xả lũ mà nước lên nhanh và gây ngập mênh mông, cuốn trôi cả cầu cống, nhà cửa, ruộng vườn?”.

“Hồ Định Bình có diện tích lưu vực 1040 Km2. Diện tích phía sau hồ Định Bình là 2020 Km2. Do lưu lượng mưa phía sau hồ quá lớn khoảng 750mm, trong khi đó, lượng mưa trong diện tích lưu vực hồ chỉ 450mm. Mặt khác, bụng hồ Định Bình không có (hẹp) nên nước lũ phía sau hồ về quá nhanh và đi cũng thần tốc. Chính vì vậy, lũ tập trung hạ lưu rất nhanh và lớn. Còn quy trình điều tiết, vận hành hồ diễn ra đúng quy trình. Hoàn toàn không có việc xả lũ mà nước qua tràn tự điều tiết”, ông Phú trả lời.

Ông Phú cho biết thêm: Khoảng 3h sáng 15/11, lưu lượng đến hồ 183m3/s, đến 13h, chiều cùng ngày tăng lên 3.861m3/s, tốc độ nước tăng bình quân trong hồ 0,5m/giờ, thời điểm nhất là 0,95m/giờ.

Tương ứng lưu lượng qua tràn tăng từ 94m3/s lên 2.200m3/s. Sau đó 4 tiếng đồng hồ lưu lượng qua 6 tràn đạt đỉnh 2.872m3/s.

Thời điểm này cao trình nước trong hồ là 88,06m; tương ứng dung tích hồ 180 triệu m3nước. Từ 15h-20h cùng ngày, do lượng mưa giảm dần và còn 1.518m3. Đến 22h, tối cùng ngày, Công ty xin phép Sở Nông nghiêp, Chi cục thủy lợi, UBND tỉnh đóng 1 cửa an toàn xả mặt. Đến 14h, chiều 16/11, Công ty đóng tiếp cửa thứ 5. Lúc này, lưu lượng đến 756m3/s và lưu lượng qua tràn 341m3/s.

“Tất cả 6 cửa an toàn xả mặt trong thời gian xuất hiện lũ vừa rồi, chúng tôi không hề tác động đến việc đóng, mở 6 cửa này. Lưu lượng nước qua tràn tự do. Tuy nhiên, trong quá trình lũ, Công ty điều tiết giữ lại trong hồ tại thời điểm đỉnh lũ đến là 1.000m3/s. Và trong suốt quá trình điều tiết lũ, lưu lượng đi luôn nhỏ hơn hoặc bằng lưu lượng đến”, ông Nguyễn Văn Phú khẳng định.

Trọng Nguyễn