- Hốc hác, thất thần vì mất ngủ, mệt mỏi rã rời vì dầm mình trong lũ, nay những người dân Bình Định đang gắng gượng thu dọn nhà cửa từ đống đổ nát, tan hoang sau lũ để ổn định lại cuộc sống.

Rầu rĩ dọn nhà trong đống đổ nát

Tại thị xã An Nhơn, sau nhiều ngày vật vã sống chung với mưa lũ, ngày 18/11, người dân trên địa bàn các phường Nhơn Hưng, Nhơn Hòa và phường Bình Định, bắt đầu gượng dậy thu dọn đồ đạc, sửa sang lại nhà cửa.

{keywords}

Bà Bùi Thị Sứ (bên trái) ở Liêm Trực, phường Bình Định (thị xã An Nhơn), ngậm ngùi vì hàng trăm kg thóc nảy mầm do ngập nước nhiều ngày. (Ảnh: Trọng Nguyễn)

Bà Võ Thị Hoa (52 tuổi, Tiên Hòa, An Nhơn) tần ngần bên đống nhà đổ nát sau lũ, nghẹn ngào nói: "Nhà cửa sập hết rồi. Tài sản cũng bị nước cuốn trôi. Tôi bây giờ rơi vào cảnh trắng tay…".

Đôi mắt thâm quần vì mất ngủ, khuôn mặt rầu rĩ, bà Hoa cố gắng gượng dậy cùng bà con chòm xóm dùng cuốc, xẻng, xà beng đào xới giữa ngôi nhà đổ nát với hi vọng tìm lại bức di ảnh của người chồng vừa mới mất.

{keywords}

{keywords}

Bà con thôn xóm giúp gia đình bà Võ Thị Hoa (khu vực Tiên Hòa, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) tìm kiếm vật dụng còn sót lại sau đợt lũ khiến ngôi nhà bà Hoa bị sập đổ - ảnh: Trọng Nguyễn.

Gần nhà bà Hoa, căn nhà của bà Nguyễn Thị Hoa cũng bị lũ giật sập hoàn toàn. Tương tự, ngôi nhà ông Thân Huy Hướng (56 tuổi) cũng bị nước lũ khoét rỗng chân móng dưới gian phòng khách sâu khoảng 1m, rộng hàng chục mét vuông.

Lo sợ gian phòng bị sập, sáng 18/11, ông Hướng đã thuê thợ nề và nhờ anh em về đổ đất, cát xây lại chân móng để đảm an toàn.

Vừa vai búa, vừa tháo dỡ mảng tường gian phòng bị lũ cuốn trôi nham nhở, ông Trần Đình Quang, rầu rĩ: "Nhà bị sập nên công việc sản xuất may mặc gia đình bị ngưng trệ. Sáng nay, tôi nhờ bà con trong xóm và thuê lao động về tháo dỡ tôn, các mảng tường, thu dọn đất đá tạm thời. Sau đó, đợi nước rút hẳn mới tiến hành mua đất, đá vật liệu xây dựng về sửa chữa lại".

Ông Ngô Văn Tân, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hưng, cho biết: "Trước mắt địa phương cũng động viên các gia đình thiệt hại vận động anh em, cùng bà con trong khối tự khắc phục là chính. Trong những ngày tới, thị xã sẽ có chính sách, phương án hỗ trợ cho bà con chịu thiệt hại nặng do mưa lũ".

Gấp rút khôi phục sau lũ

Trao đổi với VietNamNet, ông Huỳnh Văn Lưu, Phó Chánh văn phòng thị xã An Nhơn, cho biết: "Hiện nay, chính quyền thị xã đang khẩn trương đi kiểm tra tình hình thiệt hại sau lũ.

Trước mắt, chính quyền sẽ hỗ trợ lương khô, nước uống cho bà con tại các vùng lũ đang bị cô lập, chia cắt; các gia đình có nhà bị sập, chịu thiệt hại nặng”.

{keywords}

Hai người con bà Võ Thị Hoa (Tiên Hòa, An Nhơn) vớt vát lại những bộ quần áo còn sót lại trong lũ dưới căn nhà đổ nát - ảnh: Trọng Nguyễn.

Trong khi đó, tại huyện Tuy Phước nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, ngày 18/11, người dân tại các xã Phước Lộc, thị trấn Tuy Phước, thị trấn Diêu Trì cũng tiến hành việc dọn vệ sinh, quét dọn bùn đất, dọn rửa nhà cửa. Với phương châm “nước rút đến đâu khắc phục hậu quả lũ lụt đến đó”.

"Ngày 17/11, ngay sau khi nước lũ rút huyện phối hợp với Lữ đoàn Phòng không 573 (Quân khu 5) tiến hành hàn khẩu đê điều, đường xá bị nước lũ gây sạt lở trên địa bàn thị trấn Diêu Trì.

Hiện nay, nước lũ vẫn đang chia cắt, cô lập ở nhiều địa phương nên công tác khắc phục tạm thời chưa được thực hiện. Sau khi nước lũ rút, huyện sẽ phối hợp với tỉnh đội, lực lượng vũ trang QK5… triển khai ngay công tác khắc phục", ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, kiêm ủy viên Ban PCLB-TKCN huyện, cho biết.

{keywords}

Gia đình ông Trần Đình Quang, khối Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) thu dọn gạch ngói, đất đá trong ngôi nhà bị sập - ảnh: Trọng Nguyễn.

Tại huyện Vân Canh, lũ đã cuốn trôi nhiều đoạn đường, gây chia cắt nhiều xã, cô lập nhiều thôn, làng, hiện nay nước đang xuống chậm. Huyện Vân Canh đang triển khai công tác khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ.

Theo ông Phạm Xuân Thành, Chánh văn phòng huyện Vân Canh, từ 17/11, huyện đã chỉ đạo sát khuẩn, xử lý nước sinh hoạt tại 300 giếng nước ở 2 xã Canh Vinh và Cảnh Hiển bằng cloramin B để dân sớm có sinh hoạt.

Đồng thời, lực lượng xung kích của huyện được lệnh ứng phó 24/24 tại các nơi xung yếu, không cho người dân qua lại, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Còn tại huyện miền núi An Lão, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ cũng đang được huyện khẩn trương tiến hành.

Ông Nguyễn Trực, Chánh văn Phòng huyện An Lão, cho biết, đã vận động các doanh nghiệp để huy động và đưa phương tiện cơ giới (xe múc, xe ủi) khẩn trương thu dọn hơn 14.000m3 đất đá, cây cối do sạt lở núi vùi lấp trên tuyến đường huyết mạch An Hòa - An Toàn, An Trung - An Vinh.

Theo dự tính, ngày 21/11, hệ thống giao thông tại 2 tuyến đường được khai thông.

Trọng Nguyễn