- Mới đi vào hoạt động 10 ngày nhưng số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế đã nhận được tới 281 cuộc gọi. Người dân chủ yếu phản ánh chuyện bác sỹ không làm đúng chuyên môn, quát tháo người bệnh,...

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn Bộ Y tế cho biết, trong số 281 cuộc gọi có gần 90 cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận.

Trong đó, 41% phản ánh về việc làm sai quy định, nội vụ tại các cơ sở y tế như: thu viện phí cao, BHYT không được áp dụng đúng; 37% phản ánh về chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của y bác sĩ.

{keywords}

Người dân than phiền thái độ bác sỹ, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu. (Ảnh minh họa)

Điển hình là việc có người dân phản ánh về bác sĩ tại một bệnh viện ở Tây Ninh thờ ơ không cứu chữa kịp thời khiến bệnh nhân tử vong hay một nhân viên y tế gây khó khăn trong thủ tục chuyển viện.

Theo ông Trường, có một số cuộc gọi người dân phản ánh về tình trạng cán bộ y tế nhận hối lộ. Có 20/88 cuộc gọi người dân phản ánh gay gắt hoặc yêu cầu Bộ Y tế phản hồi thông tin, chủ yếu liên quan đến viện phí và các khoản thu không đúng quy định, thái độ của đội ngũ y bác sĩ, kết quả khám và siêu âm không chính xác.

Chiều 18/11, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa Hà Nội và TP.HCM với các địa phương về việc thiết lập đường dây nóng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người bệnh.

Tại đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Ngành y là ngành đặc biệt, xảy ra sai sót là trên sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Người thầy thuốc chúng ta dù vô ý, cố ý hay chưa hoàn thành nhiệm vụ thì cũng đau đớn gấp 10 lần.

Đa số cán bộ y tế làm tốt nhiệm vụ của mình, nhưng vẫn có một vài người có thái độ chưa thật tốt, bàng quan, thờ ơ trước nỗi đau của người bệnh; chưa sâu sát trong chuyên môn để sai sót”.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo chỉ thị về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh từ người dân về chất lượng khám chữa bệnh qua đường dây nóng.

Trong đó, các bệnh viện, Sở Y tế phải lập các đường dây nóng, kèm theo số điện thoại của lãnh đạo đơn vị. Đồng thời phân công người trực 24/24 để kịp thời xử lý những phán ánh của người dân.

Ngoài ra, các cơ sở cần có biện pháp để tăng cường hoạt động tiếp nhận của đường dây nóng như: đặt camera giám sát, hòm thư góp ý, bộ phận thông tin chăm sóc khách hàng; tăng cường kiểm tra giám sát...

Nhiều đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần xây dựng quy trình kiểm tra và phản hồi thông tin nội bộ trong các cấp trực thuộc Bộ sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, tránh những phản ứng tiêu cực khi họ phản ánh lên mà không được giải quyết, hỗ trợ thỏa đáng.

Đồng thời cần có cơ chế kiểm tra, xác minh đảm bảo tính chính xác nội dung phản ánh, từ đó xử lý đúng người, đúng tội.

C.Quyên