- Chiều tối 19/11, trao đổi với VietNamNet, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi nói rằng, tai nạn và thương vong xảy ra trong vụ cháy quán bar ở khu Zone 9 là do thiếu hiểu biết.

Hà Nội: Cháy quán bar ở Zone 9, 6 người chết

Chiều 19/11, quán bar ở khu vực Zone 9 (số 9, phố Trần Thánh Tông, Hà Nội) xảy ra vụ cháy lớn. Thông tin ban đầu cho hay, có ít nhất 6 người tử vong.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho hay, sau khi nhận được tin báo cháy, do Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm ở ngay gần đó nên chỉ sau 7 phút, cảnh sát cứu hỏa đã có mặt ở hiện trường.

Ngay lập tức, 10 người bị thương đã được cảnh sát PCCC đưa đi cấp cứu, trong số đó 6 người đã thiệt mạng do bị ngạt khí.

{keywords}
Cảnh sát cứu hỏa chữa cháy tại quán bar đang thi công ở khu vực Zone 9 - Ảnh: Vũ Điệp

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, tai nạn và thương vong xảy ra là do thiếu hiểu biết.

Khi tai nạn xảy ra, thay vì chạy ra ngoài, các công nhân lại chạy ngược vào trong, không có đường thoát nên đã hít phải khói, bị ngạt và dẫn đến tử vong.

"Lỗi này là do thiếu hiểu biết. Đám cháy không lớn, lúc đó, nếu những người công nhân chạy thoát thân ra ngoài, có thể họ chỉ bị bỏng chứ không thiệt mạng như vậy", lời Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi.

Thiếu tướng Nghi cho hay, hiện trường đám cháy là khuôn viên của một xí nghiệp thuộc một công ty dược, đang được thuê lại, sửa chữa để làm quán bar.

{keywords}
Hiện trường vụ hỏa hoạn - Ảnh: Vũ Điệp

Khi công nhân đang sửa chữa công trình, lửa từ hàn xì đã gây ra vụ hỏa hoạn.

Đám cháy không gây thiệt hại lớn về tài sản do công trình đang thi công nhưng đã làm thiệt 6 mạng người.

Thiếu tướng Nghi cảnh báo, mọi người cần tuân thủ những nguyên tắc PCCC, đề phòng tai nạn xảy ra, nhất là phải tự trang bị những kiến thức cần thiết.

Làm gì khi xảy ra hỏa hoạn?

- Khi phát hiện có hỏa hoạn, nhất là trong đêm tối, điện bị cắt, trước tiên người dân phải bình tĩnh suy xét, trấn an tinh thần những người có mặt, sử dụng phương tiện sẵn có để dập lửa, đồng thời gọi 114 báo cháy.

- Nếu cháy xảy ra ở nhà cao tầng, hãy bình tĩnh kiểm tra, nhận định “gốc lửa” đang bùng cháy từ dưới lên hay từ trên xuống, rồi tìm cách thoát theo hướng ngược lại.

- Tuyệt đối không thoát nạn bằng thang máy, bởi khi cháy xảy ra, điện tòa nhà lập tức bị ngắt, bạn có thể bị mắc kẹt khi đang di chuyển trong thang. Hãy thoát nạn theo đường thang bộ, nơi có đèn “Exit - Lối ra”.

- Trước khi mở cửa thoát khỏi căn hộ, hãy kiểm tra nhiệt độ bằng cách huơ lòng bàn tay (sau đó là sờ tay) lên bề mặt cửa hoặc tay nắm. Nếu thấy an toàn, không có nguồn nhiệt mới mở cửa thoát. Khi mở nên tránh mặt, người sang một bên đề phòng lửa táp gây bỏng hô hấp. Nhiệt độ bên ngoài quá cao, tuyệt đối không nên mở cửa.

- Trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng chặt lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, hãy dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí và gọi to, dùng quần áo sáng màu vẫy ra hiệu cho người bên dưới biết để ứng cứu.

- Nếu có dây cứu nạn hay thang dây hãy dùng nó để thoát thân; trường hợp không có hãy tận dụng các sợi dây đủ chắc có sẵn trong nhà để tụt xuống phía dưới. Lưu ý, đôi khi tấm rèm ga xé dọc hay quần áo gió buộc lại cũng là “sợi dây” thoát nạn lý tưởng. Người dân cần chú ý, mặc nhiều áo và cuốn nhiều giẻ vào tay trước khi tụt dây.

- Nếu phải băng qua lửa để tới điểm an toàn hơn, hoặc phải ứng cứu người thân mắc kẹt, hãy làm ướt quần áo, dùng chăn, áo chất liệu cotton nhúng nước trùm lên đầu. Khi di chuyển trong phòng, hành lang có nhiều khói, hãy bò thấp hoặc đi khom người vì nồng độ oxy phía dưới nhiều hơn.

- Trong mọi tình huống, người dân không thoát nạn bằng cách nhảy xuống từ tầng cao. Trường hợp khẩn cấp, chỉ nhảy khi có đệm không khí và lưới cứu nạn của lực lượng PCCC căng phía dưới, và được lực lượng chức năng chỉ dẫn thoát nạn.

(Theo Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và đào tạo huấn luyện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ - Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội)

 

T.Nhung