- Trao đổi với VietNamNet, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Philippines, ông Trương Triều Dương cho hay: “ĐSQ Việt Nam sẽ cố gắng làm việc với chính quyền Philippines để những người Việt còn thiếu các thủ tục xuất cảnh sớm được về nước!”.
“Mắc kẹt” sau bão
Sáng ngày 22/11, PV VietNamNet đã trực tiếp có mặt tại trụ sở ĐSQ Việt Nam tại Philippines (số 670 Pablo Ocampo St, Thủ đô Manila, Philippines) để nắm bắt những thông tin đầy đủ, chính xác nhất về tình hình người Việt tại đây sau bão HaiYan.
Các PV trao đổi thông tin với Đại sứ Trương Triều Dương tại trụ sở ĐSQ Việt Nam tại Philppines sáng 22/11. |
Theo ông Dương, hiện tại, có khoảng hơn 50 người dân Việt Nam sinh sống tại Philippines đang “mắc kẹt” tại đây. Họ rất muốn về Việt Nam nhưng còn thiếu những giấy tờ mang tính thủ tục pháp lý.
“Đây là những trường hợp người dân Việt Nam nhập cảnh Philippines bằng visa du lịch. Theo luật pháp của Philippines, người nhập cư phải hoàn tất các thủ tục, phí nhập cư… mới được phép rời khỏi nước này. Đây là khó khăn chính mà nhóm người Việt tại Philippines đang vướng mắc” – đại sứ Việt Nam tại Philippines cho hay.
Trong số này, nhiều người đã định cư tại Philippines được gần chục năm nay. Tính theo mức phí định cư hiện hành của Philippines, người nước ngoài nhập cư tại Philippines phải trả 6.000 – 8.000 Piso/02 tháng, khoảng 150 – 200 USD).
“Sau ngần ấy thời gian, nhiều người phải trả số tiền lên tới hơn 200.000 Piso (tương đương hơn 100 triệu VNĐ). Đây là một con số rất lớn đối với những người Việt sống định cư trái phép vì hầu hết đời sống bà con đều ở mức trung bình. Đó là chưa nói, toàn bộ tài sản của họ đã bị bão HaiYan tàn phá hết cả” – ông Dương quan ngại.
Đại sứ Việt Nam tại Philippines xác nhận: Bà con sinh sống ở các tỉnh Tacloban, Cibu, Or Moc…bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ, đời sống ở mức trung bình.
Hàng viện trợ của VietJetAir đến Manila sáng ngày 21/11.
|
“Với những trường hợp đã hoàn tất các thủ tục, nghĩa vụ tài chính theo quy định luật pháp nước bạn nhưng bị mất giấy tờ, hộ chiếu…, ĐSQ Việt Nam tại Philippines đều linh hoạt cấp giấy thông hành để bà con được xuất cảnh.
Những trường hợp chưa đóng tiền phí, ĐSQ Việt Nam đang đàm phán với chính quyền sở tại, Cục quản lý Nhập cư (Philippines) để có thể miễn giảm khoản phí này cho bà con. ĐSQ Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức trong khả năng có thể, nhưng, bằng mọi giá phải đưa được người Việt đang mong mỏi trở về” – ông Dương khẳng định.
Cũng theo ông Dương, đã có bà con tìm đến tận trụ sở ĐSQ Việt Nam, nhiều người liên lạc điện thoại với nhân viên ĐSQ để xin được giúp đỡ.
"Chúng tôi đã mua vé máy bay, tài trợ tiền đi lại cho một số người tìm đến tận ĐSQ, nhưng vì người dân còn nợ thuế nên không được phép xuất cảnh” - ông Dương nói.
Người Việt đang an toàn ở Cebu
Hơn 50 người Việt – nạn nhân của cơn bão HaiYan, đang an toàn ở tỉnh Cibu, cách xa khu vực hoang tàn Tacloban hơn 100km. Đây là khu vực không nằm trong tâm bão Haiyan nên mức độ ảnh hưởng ít nặng nề hơn.
“Ngay sau bão một ngày, đoàn công tác của ĐSQ Việt Nam tại Philippines đã chủ động mua lương thực, thực phẩm… để viện trợ cho đồng bào. Bằng mọi cách, chúng tôi đã đưa đến tận tay bà con số lượng 300 kg hàng hóa, thực phẩm.
Mọi ngả đường đến Tacloban lúc đó đều bị phá hủy, chúng tôi đã liên lạc để bà con đến khu vực khác – tỉnh CiBu và Or Moc, sau đó vận chuyển bằng phà để mang hàng cứu trợ đến cho người dân.
Hiện tại, bà con đang ở trong khu vực sau một siêu thị lớn ở CiBu. Tại đây, không có cảnh lộn xộn, cướp bóc… như ở Tacloban nên khá an toàn.
Sau chuyến hàng cứu trợ của ĐSQ Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế cũng đang đưa hàng viện trợ đến Philippines nên vấn đề thiếu lương thực không còn là nỗi lo hàng đầu” - ông Dương cho hay.
Người Việt tại Philippines nhận hàng cứu trợ |
Về chuyến bay miễn phí phục vụ nạn nhân sau bão Haiyan của VietJetAir vào đêm 24/11 tới đây, Đại sứ Trương Triều Dương lấy làm tiếc, bởi “rất nhiều người dân muốn về nước, nhưng họ đang “mắc kẹt” vì chưa nộp thuế lưu trú. Chúng tôi cũng đang nỗ lực để nước bạn miễn khoản phí này, nhưng đây cũng là hậu quả của việc nhập cư bất hợp pháp bằng visa du lịch”.
“Nếu có thể, chắc chắn cũng chừng một tháng nữa mới giải quyết được vấn đề. Nếu VietJetAir khi đó có thể tổ chức một chuyến bay miễn phí khác, sẽ có rất nhiều người mong chờ” – ông Dương bày tỏ.
Kiên Trung