- Đề án điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm thành 2 quận mới nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Xung quanh đề án này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía nhân dân.

Từ quê lên phố

Với dân số hơn 55 vạn người, cùng tốc độ đô thị hóa, tốc độ xây dựng đô thị chóng mặt, huyện Từ Liêm cho rằng việc quản lý quy hoạch, quản lý phát triển kinh tế xã hội sẽ không thể đảm bảo hiệu quả bền vững nếu vẫn giữ địa giới như hiện tại.

Do đó huyện Từ Liêm đề xuất tách địa giới thành 2 quận "Bắc Từ Liêm" và "Nam Từ Liêm" với 23 phường thuộc TP. Hà Nội.

Dự kiến thời gian triển khai việc điều chỉnh địa giới sẽ bắt đầu vào tháng 7/2014.

{keywords}

Trụ sở UBND Từ Liêm hiện tại sẽ là trụ sở làm việc của quận Nam Từ Liêm. Trụ sở làm việc của quận Bắc Từ Liêm sẽ được xây mới trên trục đường mới mở Văn Tiến Dũng, gần nhà văn hóa huyện Từ Liêm

Theo đề án, xã Tây Tựu sẽ trở thành phường Tây Tựu thuộc huyện Bắc Từ Liêm. Đây là một xã thuần nông (chiếm 55% cơ cấu kinh tế) với nghề truyền thống trồng hoa cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch xã Tây Tựu, tại các hội nghị ở các thôn, 100% người dân đều đồng ý tách Từ Liêm thành 2 quận và đổi tên xã thành phường Tây Tựu.

"Do đặc thù làm nông nghiệp, chưa bao giờ người dân đi tham gia lấy ý kiến đông như thế, kể cả bầu trưởng thôn. Đây đúng như một sự kiện lịch sử. Mọi người rất phấn khởi và tán thành với đề án của huyện", bà Lan cho hay.

Anh Đặng Văn Thành (thôn 2, Tây Tựu) cho biết: "Huyện có chủ trương tách địa giới, tôi thấy như thế là hợp lý vì Từ Liêm rất rộng, rất khó quản lý. Tên 2 quận mới đều hàm chứa tên huyện cũ sẽ khiến người dân thấy thân thuộc hơn".

"Chúng tôi làm nông nghiệp, lâu nay quen gọi thôn, xóm, giờ bỗng nhiên được lên phường, tổ kể cũng thấy hơi lạ tai. Việc thay đổi địa giới không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt người dân cả, cốt sao việc chia tách sẽ mang lại hiệu quả thiết thực", chị Nguyễn Thị Lan (thôn 3, xã Tây Tựu) chia sẻ.

Nằm trên trục đường 32, xã Phú Diễn dự kiến sẽ được tách thành 2 phường Phú Diễn 1 và Phú Diễn 2.

Anh Nguyễn Đức Toàn (thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn) có cửa hàng kinh doanh sát mặt đường cho rằng, khi quy hoạch lên phường, các ngõ, số nhà sẽ được đánh chi tiết hơn. Xét cả về hình thức và quản lý đều rất phù hợp với tốc độ phát triển.

"Hiện tại trong thôn Kiều Mai, hầu như không có số nhà, các ngõ ngách nối nhau chằng chịt nhưng không hề có biển tên. Người lạ đến tìm nhà có khi phải hỏi từ đầu thôn tới cuối thôn, rất bất tiện. Việc chia tách sẽ giải quyết được hoàn toàn tồn tại này", anh Toàn nêu thực tế.

Sao không đặt Từ Liêm, Mỹ Đình?

Bên cạnh phần đông các ý kiến đồng thuận với đề án của huyện Từ Liêm, một số ý kiến cho rằng việc chia tách không thực sự cần thiết và 2 cái tên "Bắc Từ Liêm", "Nam Từ Liêm" chưa thật sự phù hợp.

Cụ thể, ông Quốc (71 tuổi, thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình) đặt câu hỏi: "Việc phân nhỏ địa giới hành chính như thế liệu có mang lại hiệu quả quản lý. Chúng ta đã có tới 63 tỉnh thành, trong khi Trung Quốc rộng vậy mà chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Giờ lại tiếp tục phân đôi quận, huyện?"

"Thêm quận, đồng nghĩa phải xây thêm một trụ sở quận mới, thêm người, thêm biên chế, thêm cơ sở vật chất... Tốn kém đủ đường. Nếu quá rộng, tại sao không cho sáp nhập một số thôn thuộc các xã của huyện Từ Liêm vào các quận lân cận như Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Như vậy gọn nhẹ hơn nhiều", ông Quốc đề xuất.

Phương án đặt tên 2 quận mới "Bắc Từ Liêm", "Nam Từ Liêm" cũng nhận được được nhiều phản hồi từ phía người dân, đặc biệt là người dân tại xã Mỹ Đình và Thị trấn Cầu Diễn.

{keywords}
Bà Hiền cho rằng nên đặt tên 2 quận là Từ Liêm và Mỹ Đình, vừa giữ được giá trị lịch sử vừa mang tính đặc trưng cho từng quận.

Bà Bùi Thị Hiền (68 tuổi, tổ 2, thị trấn Cầu Diễn) cho rằng, việc phân định "Nam", "Bắc" khiến người nghe có cảm giác chia cắt giống như miền Nam, miền Bắc. Tên gọi 3 từ khi đọc cũng trúc trắc hơn. Hiện nay tất cả các quận, huyện tại Hà Nội đều chỉ có 2 từ, ngoại trừ quận Hai Bà Trưng.

Về lý do huyện Từ Liêm đặt tên 2 quận mới với hàm ý để tri ân thế hệ trước và để cái tên “Từ Liêm” không phai nhạt trong tâm trí thế hệ sau này, bà Hiền thẳng thắn: "Nếu muốn giữ Từ Liêm, có thể gộp 13 xã như trong đề án thuộc Bắc Từ Liêm thành Từ Liêm. Còn phần xã Mỹ Đình và những xã còn lại nên gọi là quận Mỹ Đình".

{keywords}

Xã Mỹ Đình và Mễ Trì - nơi tập trung nhiều nhà cao tầng và khu đô thị cao cấp (Ảnh: Khám phá)

Đồng quan điểm, bà Quế (58 tuổi, Phú Mỹ, Mỹ Đình) đặt câu hỏi: "Khu vực Mỹ Đình có sân vận động quốc gia Mỹ Đình, có Trung tâm Hội nghị Quốc gia, có Keangnam, các khu đô thị cao cấp Mỹ Đình I, Mỹ Đình II... Nhắc đến những địa danh này, ai biết tới Hà Nội đều biết cả, vậy tại sao không gọi khu vực này là Mỹ Đình để gắn với những địa danh, công trình nổi tiếng đó?".

"Trong trường hợp các xã khác không chấp nhận lấy tên 1 xã cụ thể để đặt thành tên cả quận, chúng ta có thể cân nhắc thêm tên Thăng Long", bà Quế gợi ý.

Về tên phường, khá đông người dân tại các thôn Phú Mỹ, Nhân Mỹ không đồng ý với phương án đổi tên phường thành Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2. Theo người dân, nên giữ nguyên tên thôn ban đầu và chuyển lên thành phường.

Tại thị trấn Cầu Diễn, nhiều người dân thuộc các tổ dân phố từ 8 đến 12 và tổ dân phố 22 (sẽ thuộc quận Bắc Từ Liêm) cũng cho biết họ không đồng ý tách tên phường thành Phú Diễn 1, Phú Diễn 2.

Chị Nguyễn Hiền Lương (tổ 12 thị trấn Cầu Diễn) cho biết: "Bao nhiêu năm nay cả khu vực này vẫn gọi là thị trấn Cầu Diễn. Giờ chỉ cách nhau một mặt đường mà tách thành 2 quận, 2 phường hoàn toàn khác nhau".

"Cái tên không tác động gì đến cuộc sống người dân, nhưng gọi làm sao để dễ nghe, dễ nhớ. Bắc Từ Liêm với Nam Từ Liêm sẽ khiến rất nhiều người nhầm lẫn, khó phân biệt, nhất là khi nhiều xã bị tách rồi ghép với phường khác", chị Lương nói thêm.

Theo đề án, tại Bắc Từ Liêm sẽ có thêm các phường đánh số như: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đông Ngạc 1, Đông Ngạc 2, Xuân Đỉnh 1, Xuân Đỉnh 2.

Tại Nam Từ Liêm, ngoài Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 sẽ có Xuân Phương 1, Xuân Phương 2.

Theo bạn, nên đặt tên 2 quận mới ở Thủ đô là gì để có ý nghĩa? Mọi thông tin xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn

 

Thúy Hạnh