HTML clipboard

– Nhận mình là người “đã đặt một chân vào ngành y tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn nêu thực tế là bệnh nhân khám BHYT không tiện bằng bệnh nhân khám dịch vụ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng phải thương bệnh nhân BHYT hơn bởi họ không có tiền.

Sáng 18/12 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Quốc gia về Chất lượng bệnh viện lần thứ 2 với sự có mặt của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Y tế.

Thương bệnh nhân BHYT hơn

Trước thực tế mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng tình và cho rằng cần tránh phân biệt bệnh nhân BHYT với bệnh nhân dịch vụ.

“Bệnh nhân nào cũng là bệnh nhân, không có bệnh nhân thì không có bác sỹ. Bệnh nhân BHYT càng phải thương họ hơn vì họ không có tiền”, Bộ trưởng Y tế nói. 

{keywords}

Diễn đàn Quốc gia về Chất lượng bệnh viện lần thứ 2

Theo bà Tiến, một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng bệnh viện là sự hài lòng của người bệnh. Nếu bệnh viện nào không phấn đấu để đạt được sự hài lòng của người bệnh thì phía BHYT sẽ không ký hợp đồng khám chữa bệnh, lúc đó bệnh viện sẽ mất đi lượng bệnh nhân lớn, mất đi uy tín và niềm tin.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chất lượng bệnh viện hay chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc y tế luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm đặc biệt.

Tai biến y khoa và "văn hóa làm thinh, giấu lỗi"

Môi trường bệnh viện có rủi ro cao, là điều kiện lý tưởng để tạo ra sai sót (áp lực cao, quá tải, hiều chỉ định, ...)

Tuy nhiên, "văn hóa làm thinh, giấu lỗi", "văn hóa an toàn, văn hóa báo cáo" đang tồn tại khiến các tai biến chưa được báo cáo, xử lý một cách đầy đủ, thỏa đáng.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng cần có điều tra dịch tễ học về sai sót, sự cố trong y tế Việt Nam và các bệnh viện phải triển khai chương trình an toàn người bệnh, đào tạo cho nhân viên, thiết lập hệ thống báo cáo sai sót, sự cố tự nguyện theo quy định.

“Dù còn người này, người kia trong ngành y chưa tốt, nhưng đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ đối với những cống hiến to lớn của bao tấm gương đức độ trong ngành y.

Do vậy, không thể tách rời điều trị với dự phòng, cần nâng cao trình độ của y bác sỹ trong công tác điều trị cũng như nâng cao vấn đề về y đức”, Phó Thủ tướng nói.

Trước vấn đề xã hội hóa y tế đã nảy sinh nhiều bất cập sau thời gian dài thực hiện tự chủ tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ đang xây dựng và sắp ban hành thông tư về phòng khám và khoa khám bệnh theo yêu cầu để tránh tình trạng lẫn lộn công – tư.

Ở các nước phát triển, bệnh viện công – tư rất rạch ròi, thậm chí có cả bệnh viện tư phi lợi nhuận. Vì thế bà Tiến cho biết trong điều kiện của ngành y tế Việt Nam hiện nay dù khó khăn nhưng nếu quyết tâm thì sẽ thực hiện được điều này.

Bệnh viện coi bệnh nhân như khách hàng

Bộ Y tế cũng đã ban hành thí điểm bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, trong đó nhấn mạnh quan điểm chủ đạo khi xây dựng bộ tiêu chí này là “Lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị”.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết quan điểm này được hiểu là bệnh viện cần coi người bệnh như khách hàng của mình. “Người bệnh đến phải được phấn khởi tiếp đón niềm nở còn mọi người trong bệnh viện phải hết lòng phục vụ”, ông Khoa cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế thì sẽ có một cơ quan kiểm định độc lập các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.
  

{keywords}
Sự hài lòng của người bệnh là một trong những thước đo đánh giá chất lượng bệnh viện (Ảnh: C.Q)

Tại diễn đàn, một số bệnh viện, địa phương cũng đã báo cáo về công tác triển khai các biện pháp nhằm cải tiến quy trình khám chữa bệnh. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, sau khi thực hiện các biện pháp cải tiến quy trình khám bệnh tại bệnh viện, thời giam khám trung bình tại các bệnh viện đa khoa thành phố của người dân đã giảm.

Cụ thể: Nếu chỉ khám lâm sàng người bệnh chỉ mất 21 phút. Nếu khám lâm sàng và xét nghiệm mất 104 phút. Nếu khám lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh mất 134 phút. Nếu thêm thăm dò chức năng thì thời gian cần có là 165 phút.

Trong khi đó, báo cáo của các bệnh viện, địa phương khác cho thấy thời gian chờ đợi dù đã được cải thiện song người bệnh vẫn phải chờ đợi rất lâu.

Diễn đàn quốc gia về chất lượng bệnh viện (lần thứ 2) do Dự án Hỗ trợ Nâng cao năng lực ngành y tế tổ chức. Dự án này do Liên minh Châu Âu – EU tài trợ nhằm tăng cường năng lực thể chế trong quản lý ngành và quản lý việc cung cấp các dịch vụ y tế.

Y tế là một trong 2 lĩnh vực chủ chốt mà Liên min Châu Âu sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam. Trong giai đoạn 200-2013, Phái đoàn Liên minh Châu Âu đã phân bổ hơn 55% trong tổng nguồn vốn viện trợ chính thức cho lĩnh vực y tế, tương được 168 triệu USD.

Cẩm Quyên