- Đi xin mỗi ngày, chắt góp từng đồng của người bố thí nên không dám tiêu pha lãng phí. Chỉ biết tiết kiệm, dành dụm từng đồng, từng cắc mua vàng lúc 5 phân hay 1 chỉ mỗi tháng.
Ông già hà tiện
Từ khi mất hết số vàng tích góp hàng chục năm, ông Nguyễn Văn Cưng (86 tuổi), quê ở xã Tân Thành B, (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) vẫn đau đáu muốn trở lại hành nghề. Ông bảo: “Không đi ăn xin thì một tuần nữa sẽ chết”.
Ông Nguyễn Văn Cưng. |
Mà cái chết của ông già hà tiện nghĩ đến ở đây là không có thu nhập, không được ăn ngủ đầu đường xó chợ, thói quen nhận tiền ‘bố thí’ mỗi ngày và mua vàng mỗi tháng…
Ông Cưng có thói quen vài 3 tuần lại về nhà cháu là chị Nguyễn Thị Dùng (46 tuổi) để tá túc, được mấy hôm lại tiếp tục tay bị, tay gậy đi hành nghề xin ăn.
Chị Dùng kể, hồi còn trai trẻ mới lấy vợ ông Cưng chỉ biết chèo đò, làm thuê, bắt tôm cá sống qua ngày.
Gia đình ông Cưng có 6 anh chị em, trong đó mẹ chị Dùng là con thứ 4, ông Cưng là con út trong gia đình và đến nay anh chị em đều đã qua đời chỉ còn mình ông.
Đến những năm 1966-1967 thì vợ ông mất sớm mà không có con cái.
Đi làm thuê rồi đổ bệnh, ông Cưng bắt đầu hành khất đưa tay xin ăn, kiếm từng đồng bạc lẻ từ đó.
Ông Cưng tâm sự, đi xin mỗi ngày, chắt góp từng đồng của
người bố thí nên mình không dám tiêu pha lãng phí. Chỉ biết tiết kiệm, dành dụm
từng đồng, từng cắc mua vàng lúc 5 phân hay 1 chỉ.
Hàng chục năm ăn mày, có vàng là ông xâu lại, bỏ kín vào túi quần được may kỹ
thành 2 lớp và kim găm rất cẩn thận.
Theo chị Dùng, khoảng 8 năm trở lại đây ông Cưng thường về nhà chị ở 5 hoặc 6 ngày rồi đi. Còn trước cứ đi suốt năm không mấy khi ông ghé về nhà.
Gia đình chị Dùng ai cũng biết ông Cưng có số lượng vàng lớn, cứ mỗi lần về nhà là ông lại đổ ra kiểm đếm.
Có số vàng lớn nhưng ông Cưng không dám gửi ai cất giữ và cũng chưa bao giờ cho ai mượn.
“Cậu cứ giữ trong người, con cháu trong nhà biết là có vàng chứ không biết được số lượng bao nhiều. Gia đình nhiều lần bảo cậu nghỉ ở nhà cho khỏe, đừng có đi ăn xin thế nữa nhưng cậu nhất định không chịu. Thói quen ăn mày đã trở thành cái “nghề” hay nghiệp ăn sâu vào máu thịt ông lão” - chị Dùng chia sẻ.
Cô cháu gái cũng cho biết, ốm đau ông Cưng không dám mua thuốc uống, quần áo không mua để mặc và ăn uống cũng không dám mua đồ ngon. Ông tằn tiện lắm, có lẽ đến chết cậu cũng không bỏ được.
Muốn tiếp tục đi ăn mày
Dù bị cướp lấy hết 25 lượng vàng theo khai báo của ông, nhưng khi về nhà chị Dùng, ông Cưng vẫn giấu cháu chắt.
Chị Dùng cho biết: “Hỏi như thế nào cũng không nói. Ngày hôm sau hỏi quần ông để vàng đâu rồi? Ông mới nói: “Tao gửi cho công an rồi. Công an chở tao đi chơi, hẹn 3 tuần nữa lên lấy”.
Chị Nguyễn Thị Dùng là cháu ruột ông Cưng kể chuyện cậu mình rất tằn tiện, sống kham khổ trong cuộc sống.
Trên khuôn mặt khắc khổ, ông Cưng vẫn còn nhớ rõ trong buổi sáng 21/12, ông lấy tiền dành dụm hơn 1 tháng đến tiệm mua 1,5 chỉ vàng 24K.
Tối đến, ông lại vào khu chợ thực phẩm huyện Tam Nông để ngủ. Gần nửa đêm, 2 thanh niên đến đè chặt lột hết quần áo ông lão và lấy đi chiếc quần có toàn bộ vàng bên trong.
“Tụi nó bỏ đi, tui ngồi khóc ròng mà không biết kêu ai. Tụi nó lột sạch quần áo tui, tui chỉ có cái khăn quấn ngang người. Sáng sớm có người cho một chiếc quần để mặc” – ông Cưng nhớ lại.
Đã gần 90 tuổi, ông Cưng có khối tài sản lớn nhưng không có dự định sẽ làm gì. Ông chỉ biết, còn chút sức khỏe là tiếp tục lên đường đi ăn mày từng tờ bạc lẻ của người đời.
“Ở nhà suốt là muốn bệnh, không đi không được, muốn chết. Đi lại khỏe hơn, giờ mất hết vàng rồi không đi là không có cái để ăn. Đi ra ngoài là khỏe hơn ở nhà, đi đây đó miết rồi thành quen…” - ông Cưng tâm sự.
Theo người thân ông Cưng, mấy hôm nay, ngày nào ông cũng đòi đi ra khỏi nhà để đi ăn xin tiếp. Ai cũng ngăn cản và không muốn cho ông đi đâu nữa.
Câu cửa miệng ông lão thường nói với cháu chắt mấy ngày qua: “Ở nhà là tao chết liền…”.
Quốc Huy