- Là người đầu tiên được gọi lên thẩm vấn, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cho biết do bị một số chủ nợ đe dọa "đập nát mặt", bị cáo sợ nên mới làm vậy.

Sáng nay (7/1), phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn tiếp tục với phần xét hỏi. Xuất hiện tại tòa hôm nay, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như mặc áo sơ mi trắng. Mở đầu phần xét hỏi, chủ tọa mời Như lên trả lời thẩm vấn.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa Nguyễn Đức Sáu, bị cáo Huyền Như thừa nhận những hành vi và tội danh mà bản cáo trạng truy tố. Huyền Như cho biết ngoài công việc là nhân viên tín dụng tại Ngân hàng Vietibank - chi nhánh TP.HCM, bị cáo bắt đầu bước vào nghề "tay trái" là kinh doanh bất động sản từ năm 2007.

{keywords}
Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa sáng nay (7/12)

Năm 2008, khi trào lưu kinh doanh bất động sản và chứng khoán trở nên rầm rộ, Như tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán. Thời gian đầu làm ăn có lãi, Như nắm trong tay khoản vốn trên dưới 50 tỷ đồng. Để làm ăn lớn hơn, Như vay thêm tiền của một số bị cáo khác trong vụ án như Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Đào Thị Tuyết Dung với lãi suất từ 0,04% đến 1%/ngày. Trong lúc đang kinh doanh, cuối năm 2008, một số chủ nợ như Lành, Lý đòi tiền. Do xoay không kịp tiền nên bị cáo bắt đầu vay thêm tiền để trả, và từ đó Như dính vào vòng xoay vay – trả…

Trích đoạn chủ tọa thẩm vấn Như:

Chủ tọa: Thời điểm nào bị cáo thấy mình không còn điều tiết được đồng vốn?

- Dạ, khoảng giữa 2009 bị cáo thấy mình bắt đầu không điều tiết được bắt đầu xoáy vô mượn tiền.

Chủ tọa: Lúc đầu, bị cáo huy động vốn của những ai?

- Dạ, của chị Nguyễn Thị Lành, chị Phương, chị Dung, chị Lý

Chủ tọa: Những bị cáo này bị truy tố tội cho vay lãi nặng đúng không?

- Dạ.

Chủ tọa: Còn những ai nữa?

- Dạ đến cuối 2009 còn của chị Hà, anh Phương, anh Tuấn, chị Lan.

Chủ tọa: Như vậy, khoản tiền bị cáo huy động rất lớn?

- Không, đa phần ít ít thôi ạ.

Chủ tọa: Vậy sao sổ sách ghi có người bị cáo vay tới cả ngàn tỷ?

- Dạ, nhưng chỉ ít một cộng dồn lên. Bị cáo cứ vay rồi trả, trả rồi vay nên mới nhiều lên vậy.

Chủ tọa: Vậy sao lên tới cả ngàn tỷ?

- Đó không phải là số bị cáo thực vay, mỗi lần bình thường chỉ 5 hay 10 tỷ, có khi do bị cáo không có tiền trả nên tính lãi, lãi cao lại nhập vào gốc và tính lãi tiếp nên dần dần mới nhiều như vậy. Lúc đầu bị cáo phải ký giấy nhưng sau vay nhiều lần, bị cáo chỉ việc gọi điện thôi. Có khi cuối tháng hoặc ít ngày chủ cho vay ghi vào sổ sách chốt lại rồi bị cáo ký xác nhận nợ chừng đó.

Chủ tọa: Nhưng khi bị cáo chuyển trả qua tài khoản số tiền rất lớn?

- Bị cáo vay của người sau trả cho người trước.

Chủ tọa: Vậy mức lãi suất thế nào?

- Lúc đó bị cáo vay tờ 0,4% đến 1%/ngày, có những khoản bị cáo phải trả lãi 3 đến 5%/ngày.

Chủ tọa: Bị cáo nghĩ mình kinh doanh lợi nhuận thế nào mà sẵn sàng trả lãi suất vậy?

- Bị cáo không đề ra mức 3 đến 5%/ngày nhưng khi họ đòi tiền trả bị cáo không có trả họ buộc phải chịu lãi 3 đến 5%/ngày. Bị cáo không trả được, họ bảo họ phải đi vay ở nơi khác với mức lãi 3-5% và bị cáo phải chịu.

Chủ tọa: Thế họ vay của những ai?

- Bị cáo không biết họ có phải đi vay của ai không nhưng nếu 10 ngày không trả lãi một ngày, không trả được thì phải trả lãi phạt 1,2%/ngày. Bị cáo không nhớ rõ hết nhưng có những khoản 15 tỷ, có khoản 20 tỷ.

Chủ tọa: Nếu bị cáo không thanh toán kịp thì ai là người có sức mạnh cưỡng chế với bị cáo?

- Lúc này, bị cáo bị 2 chỗ gây áp lực nhất là chị Nguyễn Thị Lành và chỗ chị Lý. Nếu bị cáo không thanh toán kịp họ sẽ cho người lên ngân hàng “quậy”. Lúc đó, bị cáo đang làm việc tại một ngân hàng không muốn tai tiếng, cũng không muốn tiếp tục dính líu vô nên chỉ hy vọng bất động sản và chứng khoán có lãi để bị cáo trả nợ. Vậy nên, bị cáo càng ngày càng phạm pháp. Chị Lý còn nói nếu không trả nợ thì sẽ cho người đập vỡ mặt.

Chủ tọa: Bị cáo nghĩ sao mà vay tiền kiểu này để kinh doanh?

- Dạ, thực ra lúc đó bị cáo không còn kinh doanh nữa mà chỉ vay của người sau trả cho người trước.

Chủ tọa: Từ thời điểm nào?

- Năm 2009.

Chủ tọa: Tại sao không bán tài sản đi để giảm bớt áp lực lãi?

- Dạ bị cáo có bán nhưng không thể đủ. Còn lại nếu bán đi phải lỗ trên dưới 50%.

Chủ tọa: Nhưng nếu bị cáo bán đi dù lỗ cũng giảm được áp lực, tại sao bị cáo không bán hết?

- Bị cáo nghĩ có bán hết cũng không đủ.

Chủ tọa: Vậy tại sao bị cáo không nói mình phá sản?

- Dạ, bị cáo sợ làm lớn chuyện ảnh hưởng đến cơ quan, gia đình, bạn bè. Nếu có vốn bị cáo mong có lãi để trả nợ.

Chủ tọa truy vấn: Nếu bị cáo nói bị cáo mất cân đối nghiêm trọng thì khác. Bị cáo nói sợ ảnh hưởng đến cơ quan, uy tín, gia đình... mà lại có hành vi vi phạm lớn hơn. Không chỉ huy động cá nhân nữa mà còn làm giả con dấu, hàng loạt tài liệu để huy động vốn của công ty, ngân hàng?

- Dạ vì sáng nào đi làm cũng bị nhắn tin đòi nợ, bị cáo sợ áp lực nên càng ngày càng sai ạ. Bị cáo chỉ nghĩ đơn giản vay bên ngân hàng chịu lãi suất và phải trả thêm là tiền chênh lệch ngoài hợp đồng nhưng vẫn thấp hơn mức lãi bị cáo đang vay lãi cao.

Tiếp đó, chủ tọa tiếp tục thẩm vấn Như về quá trình làm giả con dấu, giả chữ ký để huy động vốn của các công ty, ngân hàng.

Mai Phượng