HTML clipboard

- “Chỉ kêu gọi thầy thuốc hi sinh không thôi không còn phù hợp. Bên cạnh hi sinh, thầy thuốc cũng còn phải mưu sinh” – GS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết.

Sáng 8/1, tại Hà Nội, báo Nhân dân và Bộ Y tế tổ chức buổi Tọa đàm "Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: trách nhiệm, thách thức và sẻ chia".

{keywords}

Tọa đàm "Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: trách nhiệm, thách thức và sẻ chia"


Trong 4 thách thức trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh được nhận diện, GS Phạm Mạnh Hùng nói khá sâu về cơ chế tài chính cho y tế, vai trò điều hòa công bằng trong ngành y tế.

Theo GS Hùng, ngành y tế bàn chuyện quá tải, thái độ ứng xử là rất cần thiết, nhưng cũng rất nên bàn đến một vấn đề khác quan trọng không kém.

“Trong thời buổi ngày nay, chỉ kêu gọi người thầy thuốc hi sinh không thôi không còn phù hợp nữa. Bên cạnh phải hi sinh thì người thầy thuốc cũng còn phải mưu sinh. Chỉ kêu gọi cán bộ y tế hi sinh mà không quan tâm đến đời sống của họ thì việc giáo dục đạo đức không hiệu quả”, GS Hùng nhấn mạnh.

Theo GS Hùng, phải gắn liền với đào tạo y nghiệp sao cho bác sỹ vừa phải giỏi vừa phải có tâm nhưng phải đặt sự giáo dục này trong kinh tế thị trường, phải đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ này.

Tuy nhiên, ông cũng nhận định thu nhập hiện nay của một số bác sỹ không phải là thấp, dù lương của bác sĩ hiện rất thấp (đứng thứ 17 trong số 18 nghề).

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nêu lại một nội dung trong nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về y tế, trong đó nêu rõ: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

“Tuy nhiên thực tế là chúng ta mới tuyển chọn, đào tạo đặc biệt chứ chưa đãi ngộ đặc biệt. Nhiều lần Bộ Y tế đã trình việc này song chưa được chấp thuận”, Bộ trưởng nói.

Ngành y bức xúc vì bị “châm biếm”

Tại buổi tọa đàm này, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê tỏ ra bức xúc vì bị dư luận, truyền thông “châm biếm” bằng cách gọi thầy thuốc là “mày”, đồng thời đưa ra hình ảnh “nhét tiền vào mồm” vào thời điểm cuối năm càng khiến cán bộ y tế nản lòng.

Tuy nhiên, ông Khuê cũng nhìn nhận đạo đức nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế là vấn đề nổi cộm bên cạnh quá tải bệnh viện.

“Vẫn còn một số thầy thuốc có thái độ ứng xử, giao tiếp thiếu tính chuyên nghiệp, chưa coi người bệnh là khách hàng trung tâm, có thái độ ban ơn. Một số hiện tượng tiêu cực, vòi vĩnh, gợi ý, gây khó khăn đẻ người bệnh phải cầu cạnh, nhờ vả và phải cảm ơn... Thậm chí có một số hiện tượng công khai gợi ý bồi dưỡng phong bì ngay cả trước khi thực hiện kỹ thuật”, ông Khuê nói.

Cẩm Quyên