HTML clipboard

– Đường dây nóng ra đời để giải quyết ngay lập tức những sự việc đang diễn ra liên quan đến thái độ của y bác sĩ; quy trình khám chữa bệnh và phản ánh những gương tốt để động viên thầy thuốc. Song vì nhiều lý do, hiệu quả của đường dây nóng chưa được như mong muốn.


Hiểu mơ hồ, “ngại” sử dụng

Theo quy định, đường dây nóng chỉ tiếp nhận và giải quyết thông tin liên quan đến thái độ của y bác sĩ; quy trình khám chữa bệnh và phản ánh những gương tốt để động viên thầy thuốc.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, không ít người bệnh hiện đang hiểu mơ hồ về chức năng và phạm vi tiếp nhận thông tin của số điện thoại đường dây nóng ở các bệnh viện. 

{keywords}
Số điện thoại đường dây nóng tại BV Bạch Mai

Khi được hỏi về đường dây nóng, bệnh nhân Nguyễn Thị Hòa (62 tuổi, khám tại bệnh viện Bạch Mai) cho biết bà gọi đường dây nóng nếu có thắc mắc về các khoản thu trước khi khám, chụp chiếu.

Còn bệnh nhân Trần Văn Nụ thì cho biết cứ có vấn đề gì chưa hiểu mà không hỏi được nhân viên, cán bộ y tế là ông đều bảo người nhà gọi thẳng vào đường dây nóng với mong muốn được giải đáp vì nghĩ rằng đường dây nóng có thể giải quyết tất cả các vấn đề.

Bên cạnh việc chưa hiểu đúng về chức năng của đường dây nóng, theo khảo sát của PV tại một số bệnh viện lớn, người bệnh chưa biết nhiều đến sự có mặt của đường dây nóng trong bệnh viện và cũng chưa hình thành thói quen tìm đến đường dây nóng mỗi khi gặp rắc rối trong quá trình khám chữa bệnh.

Nhiều bệnh nhân cho biết họ “ngại” không dám phản ánh những bất cập bởi khi gọi đến đường dây nóng là phải để lại tên tuổi, khoa phòng đầy đủ, nếu bệnh viện để lộ ra thì người bệnh càng thiệt vì sợ bị cán bộ y tế “soi”.

Đó là chưa kể đến chuyện dù bệnh viện có “bảo mật” thông tin cá nhân người bệnh thì người bệnh vẫn lo ngại chỉ cần qua nội dung câu chuyện được phản ánh là cán bộ y tế cũng có thể biết được người phản ánh là ai.

Gọi đường dây nóng cũng phải … “vượt tuyến”!

Giám đốc bệnh viện E - ông Đoàn Hữu Nghị - cho biết bệnh viện này không chỉ có đường dây nóng ở cấp bệnh viện mà còn lập đường dây nóng ở các cấp thấp hơn (khoa, phòng, …), nêu tên trưởng các đơn vị đó với mục đích ưu tiên giải quyết sự việc ngay tại chỗ, người trực tại các khoa, phòng sẽ đứng ra trực tiếp giải thích cho người bệnh, trong trường hợp vượt quá khả năng giải quyết thì tình huống đó sẽ được chuyển lên cấp cao hơn.

“Tuy được dán công khai ở nhiều nơi trong bệnh viện song có không ít người bệnh không gọi đường dây nóng mà “thích” gọi điện thẳng lên đường dây nóng của Bộ Y tế. Đường đi này lòng vòng, không giải quyết nhanh được sự việc mà còn gây phiền toái cho nhiều bên”, ông Nghị cho hay.

Bị ngứa cũng gọi đường dây nóng

2 giờ sáng, đường dây nóng của bệnh viện Bạch Mai còn nhận được điện thoại của người dân hỏi về giá khám chữa bệnh, xin tư vấn cách xử lý bệnh tật. Có bệnh nhân bị ngứa cũng nửa đêm gọi đường dây nóng hỏi cách giải quyết.

Bên cạnh đó là nhiều cuộc gọi “trời ơi” khác như xin số điện thoại bác sỹ, gọi để trêu đùa, gọi để thử xem đường dây nóng có người trực không.

Có trường hợp gọi quá nhiều nhưng không phản ánh gì nên người trực không nghe khi nhìn thấy số điện thoại đó. Ngay sau đó, người gọi điện lại gọi đến đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh rằng đường dây nóng bệnh viện Bạch Mai không có người nghe”, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai nói. 

{keywords}
Đường dây nóng tại BV K

Còn tại BV Việt Đức, đường dây nóng đã có từ lâu nhưng kể từ khi được củng cố và hoạt động mạnh trở lại khoảng gần 2 tháng nay thì số cuộc gọi không đúng phạm vi giải quyết cũng nhiều vô kể.

Đó là những cuộc gọi xin “tư vấn” bệnh, hỏi về chế độ BHYT, than thở “mất ngủ thì phải làm sao” hoặc “đau dạ dày phải khám ở đâu?”. Đó là chưa kể đến chuyện có cuộc gọi gọi đến chỉ để trêu đùa, gọi đến để hỏi “đây là cơ quan nào nhỉ?!”.

Đối với đường dây nóng của Bộ Y tế cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo thống kê, từ 7/11 đến ngày 30/11, đường dây nóng nhận hơn 1.200 thông tin, trung bình có 50 - 60 cuộc gọi mỗi ngày. Trong đó, khoảng 35% là phản ánh thực sự các vấn đề liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, còn lại là hỏi về tư vấn sức khỏe, kiểm tra, thậm chí có cả nháy máy, phá rối.

Ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của BV Bạch Mai cho biết, những cuộc gọi trên không phải ít. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là người dân chưa hiểu bản chất của đường dây nóng nên có bức xúc gì đều gọi thẳng vào đó.

Do vậy, dù được bệnh viện quan tâm triển khai thực hiện nhưng số cuộc gọi đúng nội dung gọi vào đường dây nóng hiện không cao (đó là chưa kể đến việc bao nhiêu cuộc gọi đúng phạm vi có nội dung phản ánh chính xác).

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 12/2013, bệnh viện nhận được tổng cộng 196 cuộc gọi vào đường dây nóng, trong đó có 3 cuộc gọi phản ánh thái độ, 17 cuộc gọi phản ánh nội dung liên quan đến công tác khám chữa bệnh, còn lại 176 cuộc gọi có nội dung không thuộc chức năng giải quyết của đường dây nóng.

Lãnh đạo các bệnh viện cho rằng, chủ trương triển khai thực hiện đường dây nóng thì đúng đắn nhưng khi đề ra mới chỉ nhìn được mặt tích cực chứ chưa lường trước được mặt trái để tính được hiệu quả thực sự mà đường dây nóng mang lại.

Vì thế, để nâng cao hiệu quả và giúp hoạt động đường dây nóng đi vào thực chất, lâu dài, ngành Y tế (Bộ, Sở, bệnh viện) cần tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về chức năng của đường dây nóng để từ đó họ biết cách lựa chọn, sàng lọc đúng thông tin để phản ánh, mang lại hiệu quả cao. Còn các bệnh viện cũng cần tổ chức triển khai, quản lý đường dây nóng khoa học để có thể đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của người bệnh.

Trong lúc lãnh đạo Bộ Y tế đang thúc giục tăng cường hoạt động đường dây nóng thì nhiều người trực điện thoại đường dây nóng tỏ ra khá căng thẳng, áp lực. Bởi công việc này là kiêm nhiệm (bên cạnh công việc chuyên môn vẫn cần giải quyết) nhưng nếu không hoàn thành tốt thì sẽ bị kỷ luật nặng.

Cân nhắc thông tin khi phản ánh

Chia sẻ tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về triển khai đường dây nóng vào ngày 10/12/2013 giữa Bộ Y tế với Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, đường dây nóng là một trong những giải pháp tăng cường sự giám sát của người dân với các hoạt động y tế để phục vụ người bệnh tốt hơn.

“Tuy nhiên, có đến 2/3 cuộc gọi không đúng nội dung cần phản ánh qua đường dây nóng, vì thế, người dân khi phản ánh thông tin cũng cần cân nhắc về nội dung, không xuyên tạc, tố cáo không có cơ sở, căn cứ để đường dây nóng hoạt động thực sự hiệu quả, mang lại những giá trị hữu ích cho cả người bệnh lẫn bệnh viện”, ông Tiến nói.

Cẩm  Quyên