- Do gây ách tắc giao thông trong nhiều năm nay, UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội đã ra quyết định giải tỏa chợ Nhà Xanh (Phan Văn Trường) về một chợ tạm khác. Tuy nhiên, việc di dời chợ gặp phản sự phản đối quyết liệt từ phía các tiểu thương ở đây.
Chuyển chợ tạm này sang chợ tạm khác?
Sáng ngày 13/1 hàng chục hộ kinh doanh thuộc chợ Nhà Xanh, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã tập trung trước cửa chợ để phản đối việc giải tỏa khu chợ này.
Lý do các hộ kinh doanh đưa ra là họ không đồng ý với phương án di dời của UBND quận Cầu Giấy, đặc biệt là mặt bằng và giá thuê mặt bằng ở khu chợ mới đã được quy hoạch trên đường Phạm Tuấn Tài, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy.
Nhiều tiểu thương chợ Nhà Xanh phản đối việc di dời chợ sang chợ mới |
Theo tiểu thương Nguyễn Thị Xuân Nga, chợ Nhà Xanh tồn tại hàng chục năm nay (từ 1980) trong khi việc di dời chợ lớn như thế này lại chỉ trong thời gian ngắn khiến họ không kịp trở tay.
Bà Nga nói: “Tháng 7/2013 chúng tôi vừa ký hợp đồng kinh doanh với BQL chợ đến năm 2016 vậy mà nay lại đột ngột giải tỏa”. Cũng theo bà Nga, chợ này vừa cháy xong (16/12), nhiều tiểu thương chưa kịp khắc phục hậu quả, thu hồi vốn nay lại chuyển chợ thì khác nào “làm khó” cho họ".
Theo các tiểu thương, nhiều hộ thiệt hại nặng sau cháy, thậm chí có hộ có 3 kiot hàng bị cháy rụi tổn thất từ 800 triệu - 1 tỷ đồng. Hiện tại họ đang hy vọng có thời gian để khắc phục hậu quả và trả nợ.
Bà Lê Thị Muôn (56 tuổi) nói trong nước mắt: “3 mẹ con tôi mất gần 550 triệu sau vụ cháy. Chồng tôi bị bệnh thần kinh từ nhiều năm nay, hiện tại tôi đã nợ nần chồng chất vì vay vốn để đầu tư hàng lại bị cháy sạch. Tôi chỉ nhìn vào chợ để nuôi chồng và trả nợ, giải tỏa chợ lấy gì mà sống?”.
Bà Lê Thị Muôn (56 tuổi) nói trong nước mắt: “3 mẹ con tôi mất gần 550 triệu sau vụ cháy ngày 16/12” |
Hiện, chợ Nhà Xanh có 400 hộ có giấy phép kinh doanh và 200 hộ thuộc diện buôn bán vãng lai (không giấy phép). Theo quy định, những hộ có giấy phép kinh doanh mới được đăng ký bốc thăm để nhận kiot ở chợ mới và bà Muôn không thuộc diện đó.
Chị Hoài, một tiểu thương tại chợ cũng bức xúc: “Chúng tôi đóng bao nhiêu khoản phí nhưng sau khi cháy chợ không được đền bù, hỗ trợ bất cứ thứ gì. Thậm chí, đến nay chúng tôi còn chưa nhận được thông báo nguyên nhân cháy chợ là do đâu?”
Theo chị Hoài, khu chợ mới ở đường Phạm Tuấn Tài diện tích nhỏ hơn (2,5m/kiot) trong khi ở chợ cũ là 3-5m/kiot nhưng thu giá thuê mặt bằng lại bằng nhau.
Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh sợ bị chủ đầu tư “o ép” khi chuyển sang địa điểm mới giá tiền thuê mặt bằng sẽ do tiểu thương thỏa thuận với chủ đầu tư và thỏa thuận như thế nào lại do từng hộ kinh doanh làm việc với chủ đầu tư để đi đến thống nhất.
Việc các gian hàng tại chợ mới quá ít trong khi các hộ kinh doanh thì nhiều, dễ dẫn đến việc các hộ kinh doanh phải giành nhau địa điểm kinh doanh và cuối cùng người được lợi chính là chủ đầu tư.
Một vấn đề nữa mà các tiểu thương đề cập là chợ mới chỉ được kinh doanh trong vòng 5 năm và cũng là một chợ tạm. Họ muốn chuyển đến một địa điểm mới quy mô, ổn định chứ không thể chuyển từ chợ tạm này sang chợ tạm khác.
Chị Hoài cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đồng ý di dời chợ và không phản đối quy định của chính quyền, tuy nhiên chúng tôi muốn có thời gian để các hộ có thể thu lại vốn sau vụ cháy. Đồng thời, chúng tôi muốn chợ thuộc về BQL cũ là BQL chợ Nghĩa Tân chứ không phải là HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Dịch Vọng”.
“Giải tỏa thời điểm này là đã quá muộn”
Trao đổi với PV VietNamNet trong chiều 13/1, đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, quận đã nhận được đơn thư từ các tiểu thương chợ Nhà Xanh.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế, UBND Cầu Giấy, phân tích: “Việc các tiểu thương đòi chợ mới phải thuộc về quản lý của BQL chợ cũ (BQL chợ Nghĩa Tân) là không thể đáp ứng được. Bởi chợ mới được xây dựng trên phần đất của HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Dịch Vọng nên phải do HTX này quản lý".
Chợ Nhà Xanh mới ở Phạm Tuấn Tài đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. |
Phòng kinh tế UBND Cầu Giấy cũng thông tin, đến nay cơ quan điều tra chưa cung cấp nguyên nhân gây hỏa hoạn ngày 16/12 nên về phía quận chưa thể có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các tiểu thương bị thiệt hại.
Bà Lê Thị Kim Nga, Phó phòng Kinh tế, UBND Cầu Giấy, nói: “Chúng tôi hiểu và thông cảm cho lợi ích của người dân. Tuy nhiên, chợ Nhà Xanh là một chợ tạm nằm ngay giữa lòng đường, vỉa hè đường Phan Văn Trường. Nhiều năm nay, việc kinh doanh ở đây thường xuyên gây ra ùn tắc vào giờ cao điểm”.
Một góc chợ mới bị các tiểu thương “tẩy chay” |
Cũng theo bà Nga: “Cả thành phố trông chờ vào kế hoạch này để trả lại vẻ đẹp, mỹ quan cho con đường lớn của quận Cầu Giấy, giờ mới thực hiện việc này là đã quá muộn”.
Bà Nga cũng phân tích, cơ quan chức năng đã có nhiều ưu đãi cho các tiểu thương. Cụ thể, thời điểm sau Tết Nguyên đán chờ các hộ dân kinh doanh xong đợt hàng Tết mới tiến hành chuyển chợ.
Bên cạnh đó khi về chợ mới, đối với các hộ kinh doanh bị thiệt hại do cháy chợ sẽ được miễn phí sử dụng chỗ ngồi kinh doanh 1 năm.
Các hộ có hợp đồng thuê chỗ không phải nộp phí sử dụng diện tích chỗ ngồi trong tháng đầu tiên; 6 tháng tiếp theo nộp theo mức thu tại Hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh tại chợ tạm Nhà Xanh.
Các tháng còn lại sẽ thực hiện nộp phí theo Quyết định 34/2009/QĐ-UBND ngày 9-1-2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc thu phí chợ trên địa bàn Thành phố; chủ đầu tư sẽ ban hành mức thu sau khi báo cáo Sở Tài chính thẩm định.
“Yêu cầu lùi thời gian di dời chợ 2 năm nữa (2016 - theo đơn kiến nghị của các tiểu thương) là không thể đáp ứng được”, đại diện UBND quận Cầu Giấy nói.
Theo thông báo của UBND quận Cầu Giấy, việc di dời chợ tạm Nhà Xanh, đường Phan Văn Trường về chợ tạm Dịch Vọng Hậu, phố Nghĩa Tân, sẽ được tổ chức thực hiện từ ngày 25/12/2013 đến ngày 28/02/2014. Sau thời hạn này, các cá nhân, tổ chức không chấp hành việc di chuyển sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. |
N. Trang