- Tấm lưng nhỏ oằn xuống kéo những chuyến hàng nặng ngày cuối năm. Đêm như qua đi thật dài  với những cửu vạn nhỏ góc chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội)…

Nhọc nhằn mưu sinh

Đêm cuối năm, khi cả thành phố bắt đầu chìm vào giấc ngủ thì chợ đầu mối Long Biên chợt bừng thức dậy như một thế giới khác biệt. 

Tiếng cò hú, tiếng xe đổ hàng, tiếng va đập, bốc vác như xé tan màn đêm tĩnh lặng... Trong cái biển hàng mênh mông ấy, những phận người lay lắt mưu sinh. Không chỉ là những người trung tuổi mà còn là những đứa trẻ đang tuổi cắp sách tới trường.

Những đứa trẻ này đến từ các vùng quê nghèo như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… Chúng nhận bốc vác hay làm bất cứ việc gì mà khách thuê, miễn là kiếm được tiền.

{keywords}
 Nguyễn Văn Nam đang hì hục kéo chuyến hàng đêm

Ra Hà Nội kiếm sống từ năm 15 tuổi, đến nay Nguyễn Văn Nam (Hưng Yên) đã có thâm niên gần 4 năm làm cửu vạn ở chợ đầu mối này.

Hàng đêm, công việc chủ yếu của Nam là vác hàng từ trên xe xuống chỗ tập kết cho chủ, xong lại chất lên xe cho một chủ mới để họ chở đi.

{keywords}
Hai em nhỏ đang tranh thủ ăn đêm để có sức đấu vật với núi hàng hoá tới sáng

Thân hình mảnh khảnh kéo trên vai những thùng hàng nặng cả mấy chục kí, lưng Nam oằn xuống, cơ thể bước đi lảo đảo không biết ngã lúc nào. 

Nam cho biết: “Ở quê, em cũng làm ruộng, cũng mang vác nặng, lúc trước mới lên làm cửu vạn chân tay cứ rụng rời, cơ thể đau nhức mấy hôm liền. Nhiều lúc định đổi nghề, làm bán vé số hoặc đánh giày, nhưng những việc đó đều có bảo kê cả, mình lấn sân chúng nó đánh còn khổ hơn”.

Tôi hỏi: "Cứ đi biền biệt thế này em không không nhớ nhà, nhớ bố mẹ, rồi cả tương lai nữa?".

Em chỉ cúi mặt. Nhà em ở quê nghèo lắm, mẹ đau ốm liên miên. Bố và em phải lên đây kiếm sống bằng nghề bốc vác. Ngày thường đã cực, những hôm cận tết hàng hoá nhiều, mệt nhưng cũng cố gắng làm để kiếm thêm tiền còn về tết.

Tiếp xúc với một cậu bé khác đang ngồi tranh thủ ăn đêm, tôi được biết cậu tên Hải, quê ở Thái Bình, năm nay 17 tuổi nhưng đã có 2 năm làm thuê tại chợ này.

“Ngày nào em cũng kéo hàng thường xuyên cho 1 cô trong chợ này, tiền công tính theo đêm. Mỗi đêm cũng kiếm được từ 2 - 3 trăm nghìn. Giờ cận tết rồi, mệt cũng phải gặng thôi”, Hải tâm sự

Chợ đầu mối Long Biên có hàng chục đứa trẻ khác cũng oằn mình làm việc người lớn như Nam, như Hải.

Chúng chen lấn cùng các thanh niên, người lớn tuổi khác, ì ạch đẩy những chuyến hàng nặng. Và nếu không thức trắng đêm chứng kiến, thì không thể nào hình dung nổi công việc của những đứa trẻ nơi đây.

Cũng có ước mơ…

Khi được hỏi về những ước mơ cho tương lai của mình, nhiều cửu vạn nhỏ đều mong muốn được đến trường, mong cho cuộc sống bớt khó khăn hơn. Nhưng thật khó!

Ở phía góc cuối gầm cầu là Chu Văn Tuấn.Mới 17 tuổi đầu nhưng trông khuôn mặt em già dặn hơn cả người lớn.

{keywords}
Chu Văn Tuấn đang oằn tấm lưng nhỏ xuống để kéo hàng, phía sau bố cậu đang hì hục đẩy

Đôi bàn tay với những ngón to, thô, trên người mặc chiếc áo lao động đã bạc màu theo những lần khuân vác ở chợ đêm. Niềm khao khát và ước mơ lớn nhất của em là được đến trường như nhiều bạn bè khác.

Mong ước đơn giản và nhỏ bé ấy của em thật khó có thể thực hiện được trong hoàn cảnh khó khăn nơi làng quê nghèo đói, khi mà bố mẹ cũng đang vật lộn từng ngày để tìm cái ăn, cái mặc.

Cửu vạn, cái nghề khó nhọc cứ ngày một vắt kiệt sức lao động của các em, làm cho đôi tay, đôi chân các em như chai sạn thêm. Chính vì thế, đôi khi ước mong của các em cũng thật giản dị, mong cho đôi chân, đôi tay cứng chắc để mưu sinh với nghề. 

Vì một khi đôi tay, đôi chân yếu đi, nghĩa là không còn khỏe nữa thì không thể bốc vác được nữa, thế thì lấy gì mà ăn, mà sống...

{keywords}
Về khuya, thời tiết chỉ mười mấy độ nhưng một em khác hì hục kéo hàng trong chiếc áo cộc tay.

Đêm càng về khuya, hơi lạnh ngập tràn làm cho bầu không khí càng se sắt hơn. Những cửu vạn nhỏ lại run lên mỗi khi có một cơn gió thoảng qua. 

Tất cả cứ đều đặn như đã được rập khuôn sẵn, ai cũng bảo nhau phải cố làm việc cật lực để về tết. Và điều day dứt, đọng lại sau câu nói của chúng là những tiếng thở dài ,bởi gánh nặng mưu sinh.

Hạnh Thuý