– Trường hợp mắc cúm A/H7N9 gần đây nhất tại Trung Quốc được ghi nhận tại tỉnh Quảng Đông, gần biên giới với Việt Nam. Do việc giao lưu đi lại của người dân Việt Nam với các tỉnh phía Nam Trung Quốc rất thường xuyên nên nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập Việt Nam cũng rất cao.


Theo Bộ Y tế, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc ghi nhận 161 trường hợp mắc với 51 trường hợp tử vong. Số mắc liên tiếp xảy ra và có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam của Trung Quốc và khu vực gần biên giới Việt Nam.

Ngoài việc giao lưu giữa người dân hai nước gần biên giới, dịch cúm H7N9 còn có nguy cơ xâm nhập Việt Nam do việc vận chuyển buôn bán gia cầm chưa được kiểm soát tốt.
 
{keywords}

virus cúm A/H7N9 đang lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tình hình gia cầm nhập lậu vẫn nóng ở các tỉnh biên giới. Qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án 2088, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.849 vụ, phạt hành chính 3,13 tỷ đồng; tịch thu 55,5 tấn gà lông, 201,5 tấn gà thịt, 2,8 triệu quả trứng, 73,9 tấn phụ phẩm gia cầm (nội tạng, chân, cổ, cánh), 2,1 triệu con gà giống, 8,5 tấn và 34.797 con vịt con, 1,8 tấn chim, trị giá hàng tịch thu tiêu hủy là 3,63 tỷ đồng.

Trong cuộc họp khẩn chiều 13/1 của liên Bộ Y tế - NN&PTNT, lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm ốm, chết.

Bên cạnh đó, virus cúm A/H7N9 đang lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm.

Trong khi đó, đã có bằng chứng rõ ràng về việc giảm số ca mắc ở người sau khi đóng cửa các chợ bán gia cầm sống tại Trung Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy có 69% bệnh nhân có phơi nhiễm với gia cầm. Xét nghiệm 605.000 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm tại Trung Quốc phát hiện có 53 mẫu dương tính với cúm A/H7N9.

Một khó khăn nữa trong công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 hiện nay là cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vắc xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên tiếp xúc với mầm bệnh người dân dễ bị nhiễm bệnh và khó khăn trong điều trị.

Trong cuộc họp khẩn chiều 13/1 của liên Bộ Y tế - NN&PTNT, lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm ốm, chết.

Trước đó, Bộ NN&PTNT cho biết, thực tế kết quả giám sát lưu hành virus cúm gia cầm cho thấy có 80% xã, 66% huyện, 63% chợ là có virus cúm gia cầm, đặc biệt trên đàn vịt có 5,7% vịt còn sống thì xét nghiệm vẫn có virus, chứng tỏ virus cúm gia cầm đang lưu hành mạnh, cần đẩy mạnh phòng chống (tiêm phòng và các biện pháp đồng bộ khác, cần tuyên truyền vận động các hộ nhỏ lẻ).

Còn dịch cúm gia cầm H5N1 cũng diễn biến phức tạp, năm 2013 đã ghi nhận những trường hợp mắc bệnh ở tiếp giáp biên giới nước ta. Ngày 2/1 vừa qua, virus cúm H5N1 đã xuất hiện trở lại trên đàn gia cầm ở tỉnh Bắc Ninh. Kiểm tra 147 chợ gia cầm ở 44 tỉnh, thành từ năm 2013 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 90 chợ có gia cầm dương tính với cúm H5N1, chiếm trên 60%.

Vẫn vô tư bán gia cầm không kiểm dịch


Tại các chợ dân sinh nhỏ lẻ, theo ghi nhận của PV, trong những ngày cuối năm, nhu cầu mua thịt gia cầm tăng mạnh. Tuy nhiên, dường như người bán lẫn người mua đều chưa ý thức được tình hình dịch bệnh để có cách phòng, tránh.

Tại chợ dân sinh trên phố Vũ Thạnh (quận Ba Đình, Hà Nội), khi được hỏi về chất lượng gia cầm, một chủ quầy bán thịt gia cầm khẳng định “gà đảm bảo, được nhập từ Yên Thế - Bắc Giang”. Tuy nhiên, trên mỗi con gia cầm đều không có dấu hiệu kiểm dịch. 

{keywords}
Thịt gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh (Ảnh: N.A)

Người bán cũng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi khách hàng hỏi mà chỉ trả lời chung chung là “gà Tam Hoàng Bắc Giang ngon như gà ri của mình”, còn người dân vẫn vô tư mua gà không kiểm dịch, không rõ nguồn gốc về sử dụng mà không ý thức được mối đe dọa về dịch bệnh đang rình rập.

Điều đáng lo là tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều chợ đầu mối dân sinh khác, tập trung đông dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ trình Thủ tướng ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương triển khai gấp biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhập và bùng phát. Còn Bộ Y tế đẩy mạnh giám sát chặt chẽ hành khách, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh tại các cửa khẩu, đặc biệt khu vực biên giới phía Bắc. Bộ cũng giám sát các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus; lấy mẫu để xác định tác nhân gây bệnh.

Năm 2013, thế giới ghi nhận 34 trường hợp mắc cúm gia cầm H5N1 với 21 trường hợp tử vong, trong đó có các nước láng giềng là Campuchia và Trung Quốc. Riêng Campuchia có 23 trường hợp mắc với 12 trường hợp tử vong, dịch bệnh xảy ra ở khu vực tiếp giáp biên giới Tây Nam nước ta.

Thực tế là năm 2013, đã có 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp và Long An, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Đồng Tháp.Cả 2 trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh.

Ngọc Anh