Lương khởi điểm ngành y phải cao hơn ngành khác
Do không có ý kiến gì nên thay vì nói về những bất cập, khó khăn, vướng mắc hoặc những sáng kiến để đường dây nóng phát huy hiệu quả thì Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói nhiều về những vấn đề lớn khác của ngành như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, củng cố y đức, chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, chất lượng đội ngũ quản lý bệnh viện, ...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ đang cố gắng thay đổi lương khởi điểm cho cán bộ y tế theo hướng “phải cao hơn ngành khác” và đã trình 2 lần với cấp cao hơn. Bên cạnh đó là phụ cấp cán bộ.
Bác sỹ làm việc căng thẳng nhưng chế độ đãi ngộ chưa xứng đáng (Ảnh: C.Q) |
Bộ trưởng khẳng định trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những vấn đề khác có thể tạm hoãn lại (chương trình mục tiêu quốc gia, ...) nhưng riêng 2 nội dung này thì Bộ Y tế sẽ tiếp tục đeo đuổi.
Tiếp đến là vấn đề tiêu chuẩn cán bộ, lãnh đạo. Theo bà Tiến, GĐ bệnh viện không đòi hỏi phải là GS hay TS, họ chỉ cần là bác sỹ nhưng quản lý giỏi (về công tác cán bộ, nhân sự, tài chính, cơ sở và tập trung đoàn kết được anh em). Cả GĐ Sở cũng như vậy.
“Bộ Y tế tôn trọng cả hệ thực hành lẫn hệ hàn lâm, nhưng học Thạc sĩ về không mổ được thì học để làm gì? 2 hệ đó phải khác nhau. Thạc sĩ đưa luận văn về nhưng mở nội khí quản chưa chắc đã thành thạo, chưa chắc đã giỏi bằng bác sỹ nội trú, mà bệnh viện người ta cần bác sỹ giỏi nghề. Không phải cứ đi học lý thuyết, lấy chứng chỉ, làm luận văn rất dài nhưng về bệnh viện thì không làm được kỹ thuật. Bộ sẽ hướng tới thành lập 2 trung tâm đào tạo, quản lý cán bộ theo hướng phân tách rõ ràng như trên”, bà Tiến nhấn mạnh.
Khoa khám bệnh: Chọn người trẻ trung, nhã nhặn
Ngắt lời GĐ BV K – ông Bùi Diệu – khi ông đang báo cáo tham luận của bệnh viện về hoạt động đường dây nóng, Bộ trưởng Y tế cho rằng bộ mặt khoa khám bệnh thể hiện trình độ quản lý của giám đốc bệnh viện.
Do đó, bà khẳng định cần cải tiến mạnh mẽ các hoạt động của khu vực này bằng cách chuyển những nhân sự hay cáu gắt xuống những khoa, phòng không tiếp xúc nhiều với bệnh nhân như chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng tiết chế, hành chính, đọc mẫu bệnh phẩm, ...
Bộ trưởng Y tế muốn các bệnh viện cải tiến mạnh mẽ ở khoa Khám bệnh để giảm phiền hà, giúp người bệnh đỡ khổ (Ảnh: C.Q) |
“Còn lại phải chọn những người vui vẻ, trẻ trung, nhã nhặn, chuyên môn tốt để phục vụ trên khoa khám bệnh. Có những người thái độ thì tốt nhưng tính tình hay gắt gỏng, không kiểm chế được thì phải chuyển vào những nơi yên tĩnh” – Bộ trưởng nói.
Đáp lại kiến nghị của bà Tiến, ông Bùi Diệu cho biết “không thể cứ luân chuyển hết như thế” vì cứ luân chuyển như vậy thì hết người làm. “Nếu có vấn đề gì thì GĐ BV phải chịu trách nhiệm vì chưa quán triệt và làm cho cán bộ nhân viên hiểu, thực hiện tốt công việc” – ông Diệu phân trần.
2.626 cuộc gọi vào đường dây nóng Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Y tế thì trong 2 tháng 11 và 12/2013 có 2.626 cuộc gọi vào số điện thoại đường dây nóng 0973.306.306 của Bộ Y tế (trong đó tháng 11 là 1.272 cuộc và tháng 12 là 1.354 cuộc), trung bình trong 2 tháng, mỗi ngày có 49 cuộc gọi, cá biệt có ngày có tới 198 cuộc (19/11). Các cuộc gọi chủ yếu tập trung vào giờ hành chính, 34% trong số trên là cuộc gọi đúng phạm vi còn lại hỏi ngoài phạm vi tiếp nhận hoặc nhầm số hoặc không có nhu cầu. Có nhiều cuộc gọi vào đường dây nóng xin được tư vấn chăm sóc sức khỏe, xin được đặt lịch khám vv ... Có tới 29,36% cuộc gọi ko có mục đích, chỉ nháy máy, quấy rối. Trong số 34% cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận, có 39,8% phản ánh chuyên môn/thái độ, trách nhiệm; 16,2% phản ánh gian lận/hối lộ/viện phí; 23,7% phản ánh làm sai quy định của cơ sở y tế; 20,2% phản ánh cơ sở vật chất/nội quy của cơ sở y tế. |
Cẩm Quyên