- PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An sau sự cố sập mỏ đá Lèn Cờ về trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan, ban ngành.

- Từ khi xảy ra vụ sập mỏ đá đến nay thì UBND tỉnh Nghệ An đã có những động thái xử lý vấn đề trên như thế nào?

Sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động tại mỏ đá Lèn Cờ thì tỉnh đã lập ra ban chỉ đạo cứu nạn, cứu hộ. Huy động tất cả các lực lượng từ Quân đôi, Công an, doanh nghiệp và các lực lượng có trên địa bàn. Hầu hết các máy móc thiết bị, con người được đưa đến để cứu hộ, cứu nạn làm việc một cách nỗ lực nhất. Với khối lượng đất đá lớn, trong không gian chật hẹp, lực lượng cứu hộ đã hoàn thành xong công tác tìm kiếm vào lúc 11giờ ngày 3/4.

Ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Ngay sau đó thì tỉnh cũng có công điện giao cho các cấp, các ngành tăng cường tổ chức công tác kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý và đã kịp thời báo cáo Chính phủ. Tiến hành giao cho cơ quan công an điều tra xác minh làm rõ sự việc và xử lý nghiêm minh. Hiện nay, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam chủ mỏ đá (ông Phan Công Chín - PV).

- Thưa ông, công tác quản lý khai thác mỏ đá trước và sau khi xảy ra vụ sập mỏ đá Lèn Cờ là như thế nào?

Đối với tỉnh thì lâu nay cũng đã tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp để mà kiểm tra các hoạt động khai thác khoảng sản, đặc biệt là đối với đá xây dựng. Trong tháng 3/2011, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc tại huyện Yên Thành cũng nêu lên vấn đề kiểm tra khai thác khoáng sản tại đây.

Sau đó thì đồng chí Chi phó chủ tịch (ông Nguyễn Đình Chi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An) cũng có công văn chỉ đạo giao cho huyện Yên Thành về vấn đề khai thác khoáng sản. Việc xảy ra sự việc tại mỏ đá là một điều đáng tiếc.

- Trách nhiệm của UBND tỉnh đến đâu trong tai nạn đáng tiếc này?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Việt, Chuyên viên về lĩnh vực Tài nguyên văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Doanh nghiệp này được phép cấp mỏ khai thác đá vật liệu xây dựng tại khu vực đó và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có hoàn thành một số thủ tục khai thác mỏ theo quy định như: Thuê đất hay chưa? Và một số thủ tục khác như sử dụng lao động có đúng hay không? Cái này cũng phải chờ kết luận của cơ quan điều tra”.
Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho cơ quan điều tra xác định nguyên nhân, khi đó mới tìm ra trách nhiệm cụ thể. Để xảy ra một điều như thế là không hay. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm để tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo quản lý công tác này tốt hơn, cần chấn chỉnh lại để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa rồi. Đó là sự việc cần rút ra những kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý.

- Phải chăng, chỉ sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ kinh hoàng như vậy thì tỉnh mới 'rút ra bài học kinh nghiệm', để chỉ đạo quyết liệt hơn?

Như tôi đã nói ban đầu, tỉnh thường xuyên tăng cường công tác chỉ đạo chứ không phải sau khi vụ Lèn Cờ xảy ra. Tuy nhiên, sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ thì càng phải tăng cường chỉ đạo mạnh hơn.

- Vậy trách nhiệm công tác quản lý của các sở ban ngành liên quan cũng như chính quyền địa phương huyện và xã ở mức độ nào?

Hiện nay, tỉnh đang lập một đoàn để điều tra, xác định mức độ đôn đốc kiểm tra của huyện và xã lâu nay là như thế nào. Chỉ sau khi kiểm tra xong thì mới trả lời rõ cụ thể về vấn đề này. Nhưng trước mắt thì chủ mỏ đã có những vi phạm trong khai thác. Xét cho cùng nó cũng rất phức tạp!

Phải kiểm tra mới biết được các Sở lâu nay quản lý về vấn đề này gồm có: Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở LĐTB&XH, Sở Công Thương và Sở Xây dựng là những Sở chính lâu này họ đôn đốc chỉ đạo như thế nào.

- Vậy thời gian bao lâu thì sẽ có kết luận vụ sập mỏ đá?    

Dự kiến vào khoảng đầu tháng 5 thì sẽ có kết luận cụ thể sau khi đoàn kiểm tra trở về. Còn về kết quả vụ án thì còn phải phụ thuộc vào cơ quan công an đưa ra những kết luận xác đáng nhất.

- Nhiều năm trở lại đây, Nghệ An là địa phương trọng điểm thường xuyên xảy ra nhiều vụ sập hầm mỏ rất thương tâm. Phải chăng tỉnh đã quá lỏng lẻo trong công tác quản lý quy trình khai thác tài nguyên thiên nhiên?

Không phải là quản lý lỏng lẻo! Tai nạn xảy ra có nhiều nguyên nhân. Còn công tác quản lý thì được tỉnh và các ngành đôn đốc khá thường xuyên. Việc khai thác mỏ vẫn dễ xảy ra nhiều tai nạn, chứ tỉnh cũng không buông lỏng khâu này đâu.

- Sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, UBND tỉnh với trách nhiệm là cơ quan quản lý các chủ mỏ đã có những động thái nào để kiểm điểm cá nhân hay tập thể chưa?

Hiện nay tỉnh đang chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác chấn chỉnh để cơ quan điều tra xác minh làm rõ. Riêng UBND tỉnh rút ra những bài học kinh nghiệm, cụ thể: Tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý Nhà nước đối với các cấp các ngành trong việc khai thác khoáng sản một cách thường xuyên, liên tục. Chúng tôi đã cho lập thành 3 đoàn kiểm tra, ra soát theo sự chỉ đạo của Thủ tướng.

- Xin cảm ơn ông!

Ngày 5/4/2011, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 1052/QĐ-UBND.TN, về việc đình chỉ khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản tại khu vực mỏ đá lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành.

Cũng trong ngày 5/4, UBND tỉnh Nghệ An có thêm quyết định số: 1058/QĐ.UBND.TN, về việc thành lập các đoàn kiểm tra đối với công tác quản lý Nhà nước và hoạt động khai thác, chế biến đá các loại trên địa bàn tỉnh.

Từ cuối năm 2007 đến 2011, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra những vụ sập hầm mỏ thương tâm gồm: Ngày 15/12/2007, vụ sập núi đá tại công trình thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) làm 18 công nhân khi họ đang làm việc bị đá đè chết.

Ngày 12/1/2008, xảy ra vụ mỏ đá Lèn Nậy, tại khối 9, thị trấn Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu) làm chết 3 người và 7 người bị thương.

Ngày 28/8/2008, vụ sập hầm khai thác quặng thiếc tại xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) làm 3 người chết tại chỗ.

Mới đây nhất, ngày 1/4/2011, vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành (huyện Yên Thành) làm 18 người chết và 6 người bị thương.


Quốc Huy – Hoàng Sang (thực hiện)