“Cứ tàu to, máy lớn, bám biển dài ngày thì thế nào cũng đạt. Nhà tôi 3 con tàu lớn, xa bờ nhưng khi phát hiện ra luồng cá thì không quên chia sẻ với tàu bạn, bởi khai thác càng đông càng vui”, ngư dân Huỳnh Văn Tạo, một “đại gia biển xanh” đã chia sẻ như vậy.

Ông Tạo bước vào tuổi 52 với cơ ngơi là một dự án “thả xuống biển con tàu thứ 4”, nếu thời tiết thuận lợi. “Tôi và 2 em trai đang lái 3 chiếc, con tàu đóng mới sẽ dành cho con trai”, ông cho biết.

Trong khi “thả” bạc tỉ xuống biển thì trên bờ, tại thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quan, huyện Núi Thành, Quảng Nam, 25 năm nay gia đình ông Tạo vẫn giản dị trong căn nhà cấp 4, không hề có dấu hiệu của một “đại gia”.

{keywords}

Ông Tạo khoe bằng khen của Hội Nghề lưới xa bờ tỉnh Quảng Nam

“Cứ tưởng tượng bê một chiếc tàu trị giá 4 tỉ đồng bỏ lên bờ để làm một căn nhà thì căn nhà đó sẽ lớn như thế nào. Nhưng mê đi biển quá, có bao nhiêu tiền dành dụm được đều đóng tàu mới hết. Rồi lại đi biển miết, thành ra nhà tôi là những con tàu đang đánh bắt ngoài khơi xa”, ông Tạo nói.

Lớn lên đã quen nghề chài cá nên thời trai trẻ có làm gì được vài bữa ông Tạo cũng trở về với biển cả vì “nỗi nhớ sóng nước cứ giày vò”.

Nhà nghèo, để có con đò quanh quẩn ven bờ đã khó, có được một con tàu lớn vươn khơi với ông là cả một ước mơ.

Nhưng chí trai thích vẫy vùng, ông quyết biến ước mơ đó thành hiện thực. Năm 1985, ông mua một con tàu nhỏ khoảng 50 triệu đồng từ ít vốn chắt bóp cộng với nhiều khoản vay khác.

Trên con tàu này, hằng ngày ông cùng vài bạn thuyền bám biển câu mực xà và tích cóp tiền. Mãi đến 20 năm sau, ông mới đóng tàu có công suất máy 240 CV, nhưng sau đó không lâu thì cũng bán vì thấy nó vẫn… còn nhỏ.

“Khi chuyển từ nghề câu mực xà qua nghề lưới vây khơi, con tàu trở nên quá nhỏ nên tôi đã bán để mua con tàu trên 500 CV”, ông Tạo giải thích.

Đó là năm 2009, khi cá đánh bắt ngày càng nhiều mà tàu chở không hết. Chiếc tàu này sau đó ông để em trai thứ 3 cầm lái.

Nhiều chuyến biển liên tiếp trúng đậm, ông Tạo đóng chiếc thứ 2 cũng 500 CV. Xóm làng chưa hết ngỡ ngàng vì ông “chịu chơi” thì đến năm sau 2011, ông đóng con tàu thứ 3 với công suất máy 550 CV.

{keywords}

"Cứ tàu to, máy lớn, bám biển dài ngày thì thể nào cũng đạt", ông Tạo khẳng định.

“Đội tàu gia đình đang tạm ổn với 44 thuyền viên. Chiếc đóng đầu tiên QNa 90266 TS do em trai tôi là Huỳnh Tèo đi cùng 2 đứa cháu. Chiếc thứ 2 QNa 90398 TS do em kế tôi Huỳnh Văn Trương cầm lái cùng con trai đầu của Trương và con trai đầu của tôi. Tôi cầm lái chiếc mới nhất QNa 91144 TS để kèm cặp cho con trai thứ hai. Trên biển Đông giờ là cả đại gia đình đấy”, ông Tạo nói.

“Ba chiếc ra khơi cùng lúc chắc chắn phải thắng vì tai mắt trên biển nhiều hơn. Chiếc nào phát hiện ngư trường mới thì vài giờ sau hai chiếc còn lại có mặt, tập trung đánh bắt. Như thế không thắng sao được”, ông cười khà.

Nhiều năm liền đánh bắt theo phương thức như thế nên chưa năm nào đội tàu nhà ông thất thu. Mỗi năm, lao động trên tàu nhận mức thù lao khoảng 100 triệu đồng, riêng ông thu nhập ít nhất 3 tỉ đồng từ 3 chiếc tàu trên.

Những ngày cuối năm, ông Tạo đang ấp ủ dự án hình thành một đội sản xuất gia đình với ước ao “thả” thêm 2 con tàu nữa.

Con tàu tiếp theo chắc chắn phải lớn hơn con tàu trước và cứ thế nâng cấp dần thành một đội tàu hùng hậu. Ông đã đầu tư một máy dò ngang trị giá hơn 300 triệu đồng và chuẩn bị sắm cái thứ 2. Cũng nhờ vào chiếc máy này mà ông đã giúp nhiều tàu bạn có địa điểm mới để đánh bắt.

Kinh nghiệm "né" bão

Năm 2013 là một năm khắc nghiệt, đầy biến động về thời tiết. Nhiều lần đối mặt với bão biển, ngư dân Huỳnh Văn Tạo đã có rất nhiều kinh nghiệm để vượt qua những đợt gió khủng khiếp.

Ông bảo, dù đã có tuổi nhưng ông kiên quyết bám biển thêm nhiều năm nữa đề kèm cặp và truyền kinh nghiệm cho các con, đặc biệt là kinh nghiêm "né" bão.

Khi cơn bão Nari với sức mạnh kinh hoàng quét qua biển Đông, ông Tạo đã bình tĩnh dẫn 3 chiếc tránh trú ở những nơi an toàn ngoài khơi.

"Bão vào, mình chạy đua vào bờ thì càng nguy hiểm, cho nên cần tỉnh táo để đi qua vùng gió giật", ông chia sẻ.

Nguyên Thọ

Thanh niên Xuân Giáp Ngọ