- Ngày 25/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khẳng định ông Nguyễn Thanh Chấn vô tội trong vụ án giết người cách đây 10 năm. Các thủ tục đền bù, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp cho ông đang được các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành.

Trao đổi với VietNamNet về việc cơ quan nào phải bồi thường cho 10 năm oan sai của ông Chấn, luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty luật Thiên Minh khẳng định: “Cơ quan cuối cùng xác định ông Nguyễn Thanh Chấn là người có tội phải chịu trách nhiệm. Trong vụ án này, Tòa Tối cao đã xét xử phúc thẩm và vẫn xác định tội nên sẽ phải bồi thường”.

Theo lời luật sư Diện, thông qua vụ án điển hình này, chúng ta vẫn có thể thấy được việc án oan, xử sai còn tồn tại nhưng cơ hội được phát hiện đưa ra “ánh sáng” như vụ ông Chấn thì không nhiều.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Chấn được xác định là vô tội 

"Điều đáng bàn ở đây là những người tiến hành tố tụng, các cơ quan tiền hành tố tụng, từ địa phương đến trung ương, từ điều tra đến xét xử đều chưa thực sự khách quan khi nghiên cứu chuyên môn, nghiệp vụ và áp dụng pháp luật” - luật sư Diện nhận định.

Theo vị luật sư này, nếu có án oan sai chứng tỏ chỉ là phán quyết một chiều, mang tính áp đặt; người luôn kêu oan thì không thể buộc họ nhận tội một cách tự nguyện được. Người kêu oan cũng bỏ ngoài tai, không cần xem xét, bằng mọi hình thức ép cho bằng được để hoàn thành nhiệm vụ…

Về việc bồi thường cho ông Chấn, luật sư Dương Kim Sơn - Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: Theo quy định tại Khoản 2 – Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, trong trường hợp Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì ông Nguyễn Thanh Chấn không thực hiện hành vi phạm tội giết người thì Toà án cấp phúc thẩm (Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội) tuyên ông Chấn có tội phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Chấn các khoản sau:

Thứ nhất là thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Trong trường hợp trước khi xảy ra vụ việc, nếu ông Chấn có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của ông Chấn trước khi xảy ra thiệt hại làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.

Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà ông Chấn có việc làm và hàng tháng có thu nhập nhưng không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của ba tháng liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.

Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà ông Chấn là nông dân, ngư dân, người làm thuê…có thu nhập nhưng theo mùa vụ hoặc không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương; nếu không xác định được thu nhập trung bình thì lấy mức lương tối thiểu đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.

Ngoài ra, các cá nhân trong HĐXX phiên phúc thẩm (Tòa án nhân dân tối cao) phải bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn những thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ (nếu có).

Toà án cấp phúc thẩm phải xin lỗi công khai cá nhân ông Chấn bằng nhiều hình thức.

Cũng theo luật sư Sơn, sau khi bồi thường cho ông Chấn, Tòa phúc thẩm (cơ quan nhà nước đã thực hiện việc bồi thường) có quyền yêu cầu các thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm có lỗi trong việc xét xử oan sai phải liên đới hoàn trả cho Nhà nước khoản tiền đã bồi thường cho ông Chấn. Đồng thời, những người này sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến bản án oan trái khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù oan gần 10 năm, trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo các ngành tố tụng Trung ương khẩn trương minh oan, đền bù và khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn, đồng thời xử lý nghiêm minh sai phạm của tập thể, cá nhân đã điều tra, truy tố, xét xử oan.

Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch nước, các cơ quan ban ngành đã sớm vào cuộc. Các điều tra viên liên quan đến vụ án này cũng được triệu tập để lấy lời khai. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin từ cơ quan chức năng về việc:có hay không việc các điều tra viên dùng nhục hình để ép cung.

Trước đó, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Công an cho hay: "Sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định tái thẩm, Bộ Công an đã giao cho cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ phối hợp với các cơ quan tố tụng xử lý vụ việc này theo đúng thẩm quyền và trình tự tố tụng hình sự".

Bộ trưởng Trần Đại Quang nói thêm rằng, công tác điều tra xử lý các vụ án hình sự, nguyên tắc hàng đầu và xuyên suốt là không để lọt tội phạm, không để oan sai. Đồng thời, nghiêm cấm mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình.

Mới đây nhất, ngày 25/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thông báo quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Quyết định này cũng khẳng định ông Chấn không liên quan đến vụ án giết người 10 năm trước tại thôn Me.

Hoàng Sang