- Mảnh đất Quỳnh Lưu, nơi ‘đầu sóng ngọn gió’ của xứ Nghệ hầu như năm nào cũng gánh nhiều tai ương bão tố. Những người dân chài nơi đây từ hàng chục năm qua vẫn kiên cường bám biển. Nhiều người trong số họ đã không về...

Chỉ tính riêng năm 2013, đã có gần 20 ngư dân trai tráng Quỳnh Lưu nằm lại ngoài biển khơi. Những con sóng bạc đầu vẫn vô tình tung bọt trắng xóa nơi cửa biển Lạch Quèn, trong sự ngóng chờ tuyệt vọng của những góa phụ nghèo. Những ngày Tết lại đã cận kề…

Bài 1: Xuân này… cha không về

Gần 50 ngày kể từ lúc nhận hung tin chiếc tàu cá cùng 8 ngư dân mất tích, khắp thôn Minh Thành (Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn chưa hết ảm đạm. Cả làng chài như trĩu nặng, dù cho ngày Tết đã sắp về.

“Bà ơi! Sao bố chưa về?!”

Chúng tôi tìm về nhà chị Bùi Thị Lý (thôn Minh Thành) đúng lúc gia đình dùng bữa cơm trưa. Chị Lý đi làm thuê từ sáng sớm đến tối mới về, chỉ có bà nội Bùi Thị Lựu cùng 3 đứa cháu nheo nhóc ngồi bên mâm cơm.

Bữa cơm trưa ngày cuối năm của mấy bà cháu chỉ có 2 con cá trích kho mặn cùng rau dưa. Cháu nhỏ Bảo Nam (12 tháng tuổi) khóc quặt quẽo, bà Lựu phải bỏ dở bữa ăn để ru cháu ngủ. Hai anh em Đạt (6 tuổi), Tâm (3 tuổi) vừa ăn vừa nhìn bà nội.

{keywords}
Bữa cơm ngày áp tết của bà Bùi Thị Lựu cùng mấy đứa cháu. Anh Bùi Văn Hoài, con trai bà tử nạn do sóng biển đánh chìm, để lại một gia đình gieo neo với vợ trẻ cùng 3 đứa con thơ nheo nhóc.

“Chồng nó mất rồi chẳng biết trông vào đâu nữa. Mấy ngày ni con Lý phải chạy vạy khắp nơi tìm việc làm, góp nhặt từng đồng về nuôi con cái. Tôi thì già cả rồi, chỉ biết ngồi nhà ôm cháu thôi” – bà Lựu buồn bã nói.

Nơi gian nhà chính, bàn thờ anh Bùi Văn Hoài vẫn không ngớt khói hương. Anh Hoài chính là một trong 8 ngư dân gặp nạn vào cuối năm 2013. 

Rạng sáng ngày 17/12/2013, cả thôn Minh Thành như chết lặng khi thi thể anh Hoài cùng 1 ngư dân khác trong xóm được di chuyển về đến nhà. Từ ngày đó, chị Lý như người vô hồn. Chị còn quá trẻ, 3 đứa con còn quá nhỏ dại để phải chịu đựng nỗi đau.

“Tết nhứt đến nơi rồi mà chẳng biết trông vào đâu các chú à. Mấy năm trước thì còn trông vào những chuyến đi biển của thằng Hoài, không nhiều nhưng cũng lo được quần áo kẹo bánh cho con cháu, chứ năm ni thì túng đói hết chỗ nói” - bà Lựu chép miệng.

Bé Tâm (3 tuổi) ngồi nép trong lòng bà nội, ngơ ngác nhìn xuống mâm cơm hỏi bâng quơ: “Tết đến rồi sao bố vẫn chưa về hả bà! Chưa thấy mẹ mua quần áo mới cho anh Đạt, cho con nữa. Quần áo chúng con cũ hết rồi…!”.

Bà Lựu như mắc nghẹn ở cổ, giục các cháu ăn nhanh để còn dọn dẹp.

Hết Tết rồi!

Cách nhà bà Lựu vài ngõ, căn nhà cấp 4 xập xệ của gia đình ông Vũ Quang Trung cũng im lìm. Ông Trung cùng vợ là bà Trần Thị Xứ ngồi giữa sân, gương mặt buồn bã, trĩu nặng khi nghe nhắc đến chuyện sắm Tết.

{keywords}
Ông Vũ Quang Trung, bố thuyền viên Vũ Văn Biên nhẩm tính, gia đình hiện đang nợ gần 500 triệu đồng sau 2 lượt chìm tàu của con trai. Nhà vốn đã thiếu ăn, không biết bao giờ mới trả hết nợ nần.

Ông bà có 3 người con, anh Vũ Văn Biên là con út mới cưới vợ 1 năm, cháu nội của ông bà chưa đầy 2 tháng tuổi. Ngày anh Biên gặp nạn, xác trôi dạt vào tận bờ biển Hà Tĩnh, ông Trung còn đang đi đánh cá chưa về.

“Khổ thân con tôi. Nó là đứa hiếu thảo, lấy vợ rồi ở với bố mẹ vẫn chăm chỉ, lo làm ăn. Năm ni đúng là đại họa. Hồi tháng 6 nó chung 200 triệu vốn đóng thuyền với anh em, đi ngoài lộng thì gặp bão số 6 đánh tan tành. Nó trôi dạt trên biển 2 ngày may mắn được ngư dân Quảng Trị cứu vớt.

Sống sót về nhà, nhìn số nợ khổng lồ nó lại tìm cách làm ăn. Nó vay mượn 250 triệu chung vốn đóng tàu, ra khơi hai chuyến đầu lỗ cả. Đến chuyến thứ 3 thì… Đúng là số trời không thương con ạ!” – bà Xứ khóc nức nở.

Nước mắt lưng tròng nhìn bàn thờ hương khói của con trai, ông Trung ngẩn ngơ nhìn xa xăm khi nghĩ đến chuyện sắm Tết.

Con gặp đại nạn, còn có tý phúc là đưa được xác con về nhà coi như điều an ủi sau cùng. Người thì mất rồi, nhưng nợ nần thì thêm chồng chất.

{keywords}
Chị Bùi Thị Vân (vợ anh Biên) buồn tủi ru con trong cái rét cuối năm.

Hiện giờ số nợ của gia đình đã gần 500 triệu, không biết đến bao giờ mới có trả. Tôi già rồi, ngày ngày chỉ biết đi thuyền thúng kiếm vài con cá gần bờ, không đi xa được, tiền đâu mà tích lũy trả nợ. Tết này coi như hết rồi, hết rồi!” - ông Trung rưng nước mắt than thở.

Bà Xứ vốn bị u xương hàm từ nhiều năm nay, phải điều trị dài hạn ngoài bệnh viện K (Hà Nội). Nay bà lại thêm chứng đau mắt, bị mù hẳn mắt trái. Gia cảnh túng đói, khánh kiệt đến cùng cực.

“Từ ngày mất con tôi chẳng ra ngoài, chợ búa cũng không, chồng bắt được con cá con tôm thì đưa về nấu cho con cháu ăn, chứ tết nhất thì không dám nghĩ tới nữa” - bà Xứ uất nghẹn.

Cao Thái

(còn nữa)