- Vườn dừa rộng bát ngát. Trời nắng nhưng không một chút nắng nào xuyên qua được kẽ lá. Khoảng 10 người đang đứng dưới những gốc dừa theo dõi bên trên. Chót vót ngọn cây, người hái chuyền xuống đất những buồng dừa nặng trĩu. Chúng tôi đến gần khẽ hỏi : Có anh X. ở đây không? Người được hỏi chỉ lên ngọn cây: Nó kia kìa . . .
Một ngày của người nhiễm HIV
Huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre là vùng đất chuyên canh dừa. Hàng trăm năm nay, cây dừa ở đây đã nuôi sống biết bao gia đình.
Dừa Mỏ Cày được trồng trong đất vườn. Đứng trên cầu Hàm Luông nhìn xuống, hết vườn này đến vườn nọ liên kết nhau tạo thành một rừng dừa bất tận…
Những người nhiễm HIV ở ấp Phú Đăng hàng ngày vẫn dùng thuốc và sinh hoạt bình thường. Ảnh: VietNamNet |
Chúng tôi đến ấp Phú Đăng (xã Ngãi Đăng, H. Mỏ Cày Nam) vào một buổi sáng cuối năm. Trời se lạnh.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi bước vào một vườn dừa đang thu hoạch. Người trên cây, kẻ dưới đất chẳng mấy chốc dừa được chất thành đống.Trên ngọn cây, người hái dừa chuyền từ ngọn này sang ngọn kia tiếp tục thả những buồng dừa xuống đất.
Kết thúc một buổi làm việc, anh X. ôm thân cây trèo xuống. Chúng tôi kéo anh ra riêng hỏi nhỏ: có phải anh là X. bị nhiễm HIV không?.
Anh khẽ gật đầu lôi tôi đi thật xa cùng ngồi xuống bên con mương nước trong vườn.
“Đã mấy năm rồi mà. Anh thấy đó, giờ này tôi vẫn làm việc mà việc nặng nữa. Chuyện này bây giờ ở đây gần như quên lãng rồi. Chỉ mong anh đừng nhắc đến, đừng nêu tên tuổi và hình ảnh của những người không may mắn như chúng tôi lên báo”.
Một chút ái ngại. Tôi hứa với anh. Câu chuyện giữa tôi với anh dần mở ra. Anh kể, 12 người nhiễm HIV trong ấp Phú Đăng đều có cuộc sống lành mạnh.
Đến giờ này, đã hơn 2 năm trôi qua cả 12 người chúng tôi vẫn chưa hiểu vì sao nhiễm bệnh.
Lúc đầu có nghi một ông y sĩ trong vùng dùng 1 kim tiêm chích cho nhiều người. Cơ quan chức năng vào cuộc cũng không tìm ra manh mối. Rồi cũng chẳng có kết luận gì.
Trong số những người dính vào căn bệnh này, người già nhất gần 60 và trẻ nhất cũng xấp xỉ 40. Chúng tôi quanh năm với ruộng vườn cây trái. Anh đi vào đây cũng thấy, cuộc sống của bà con nơi đây có dấu hiệu gì để có thể quy kết cho chúng tôi bị lây nhiễm từ sinh hoạt buông thả?
Ấy thế mà chúng tôi vẫn bị nhiễm. Ngày nhận kết quả xét nghiệm, chúng tôi suy sụp hẳn.
Có người lên tiếng mạnh miệng đòi chính quyền điều tra. Nhưng rồi cũng không tìm ra được nguyên nhân. Mọi việc chìm theo năm tháng. Dần dần mọi người cũng nguôi ngoai và chấp nhận sống chung với nó…
Hãy quên đi chuyện không may
Anh X (xin tạm gọi như thế) tiếp tục kể. Sau khi có kết quả dương tính, Trung tâm y tế huyện Mỏ Cày Nam đã triệu tập chúng tôi tổ chức học tập và tìm hiểu về căn bệnh này.
Chúng tôi đã biết cách phòng tránh cho người thân trong gia đình. Hàng tháng chúng tôi đều đến Trung tâm nhận thuốc. Sức khỏe lúc mới mắc bệnh thì có sút giảm nhưng sau nhiều năm điều trị, giờ đây chúng tôi gần như bình thường.
“Anh nhìn tôi anh có biết được tôi bị bệnh không?” Anh X. hỏi tôi. Quả thật, trước mặt chúng tôi, một người đàn ông tuổi chưa quá 40. Trông anh tráng kiện. Anh khỏe mạnh và lạc quan.
Vợ tôi và 2 con lúc đầu cũng bị sốc. Nhưng rồi cũng qua đi. Cái may mắn nhất là đến giờ này chưa có bà vợ của một người nào trong chúng tôi nhiễm bệnh. Chúng tôi biết phải làm thế nào rồi.
Rời chỗ anh X. chúng tôi tiếp tục đi sâu vào ấp Phú Đăng. Ngoài vườn nhiều người đang vặt lá mai. Không khí tết đang tràn về một vùng quê thanh bình…
Ấp Phú Đăng nơi có nhiều người nhiễm HIV vào những ngày giáp Tết. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa |
Hỏi thăm bà con về sự việc này, một cụ già bày tỏ: Căn bệnh này đến nay vẫn chưa có thuốc chữa. Người bệnh dùng thuốc chẳng qua giúp chặn đứng không cho bệnh phát triển. Người bị bệnh đúng là bị tai họa trời giáng bởi họ không ma túy, không tình dục thiếu lành mạnh.
Vì thế, bà con rất cảm thông và rất hiểu phải làm thế nào để giúp người bệnh sống chung với cộng đồng. Từ mấy năm nay, bà con ấp Phú Đăng và cả xã Ngãi Đăng không ai nhắc đến việc này nữa…
Chúng tôi định tìm hiểu thêm vài người nhưng bà con khuyên không nên khơi lại những đau buồn – nhất là trong những ngày cận Tết.
Bà con còn cho biết thêm, những người không may mắn này hiện sống chung với mọi người, cùng làm ăn sinh sống. Chúng tôi không hề có một ý nghĩ kỳ thị họ và ngược lại càng yêu thương họ hơn.
Ông Bùi Văn Hồng, Trưởng ấp Phú Đăng xác nhận cái từ “xóm sida” “ấp HIV” đã lùi vào dĩ vãng.
Hiện nay, người bệnh được bà con và chính quyền hết sức quan tâm. Đời sống của họ đã đi vào ổn định. Ngày vui của các gia đình họ vẫn được mời đến để chén chú chén anh.
Hiện nay nhiều người được thuê mướn để làm thợ hồ, đi ghe bơm cát. Người không nghề nghiệp làm những công việc thời vụ theo mùa.
Trong số những người mắc bệnh có 5 trường hợp trong diện hộ nghèo đã được chính quyền xây cho nhà tình thương. Người còn lại sẽ tiếp tục xây trong năm 2014...
Cộng đồng yêu thương, bà con đùm bọc, chính quyền quan tâm, những người nhiễm HIV ở Phú Đăng như được tiếp sức để chống lại với căn bệnh thế kỷ này.
Họ đang sống trong vòng tay yêu thương của mọi người. Có lẽ đây là một liều thuốc giúp người bệnh kéo dài thêm cuộc sống.
Thật khó có một địa phương nào thể hiện được tính nhân văn như Phú Đăng…
Ngày 3/1/2012 một người dân ở ấp Phú Đăng xã Ngãi Đăng (H. Mỏ Cày Nam, Bến Tre ) đi phẫu thuật sỏi thận tại Bệnh viện Bình Dân được nơi đây thông báo kết quả xét nghiệm máu ông dương tính với HIV. Một gia đình khác, thấy vậy đã đi xét nghiệm cho kết quả cả 6 người trong gia đình đều có kết quả dương tính. Từ thông tin này, những người hàng xóm của 2 ông đã tự giác đi xét nghiệm và phát hiện thêm 5 trường hợp nâng tổng số người bị nhiễm trong xã lên đến 12 người. |
Trần Chánh Nghĩa