– Sau 3 năm vắng bóng, từ đầu tháng 1/2014 đến nay Hà Nội đã ghi
nhận 30 trường hợp mắc bệnh sởi, chủ yếu là trẻ em. Trong số đó có nhiều trẻ chưa được tiêm
phòng vắc xin sởi song cũng có những trẻ đã được tiêm phòng 1 mũi vắc xin sởi
trước 1 tuổi song vẫn bị mắc.
Bệnh sởi trở lại
PGS.TS Bùi Vũ Huy, trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho
biết trong vòng 5 ngày nay (từ 2/2-7/2) bệnh viện đã tiếp nhận 4 trường hợp mắc
bệnh sởi (đã qua xét nghiệm chứ không chỉ dựa vào lâm sàng). Trong 4 trường hợp
này có 1 cháu bé 2 tuổi, 3 cháu còn lại tuổi từ 14-16.
Cả 4 bệnh nhân này cho biết đều tiêm phòng vắc xin sởi. Khi vào viện có 2 cháu
đã bị biến chứng viêm phổi nhưng hiện đã ổn định, cả 4 đều chuẩn bị ra viện.
Bệnh nhân mắc bệnh sởi đang được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Bệnh sởi có thể lây, cả 4 cháu bé này đều trú tại các quận nội thành đông dân cư
của Hà Nội nên sau khi phát hiện ra các trường hợp trên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt
đới Trung ương đã thông báo cho Sở Y tế Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung
ương biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch lớn xảy ra.
9 quận của Hà Nội có bệnh nhân sởi Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết từ tháng 12/2013 đến nay ghi nhận 40 trường hợp mắc bệnh sởi (tháng 12/2013 ghi nhận 10 trường hợp, từ 01/01 đến 6/2/2014 ghi nhận 30 trường hợp). Bệnh nhân phân bố rải rác tại 36 phường của 9 quận. Cụ thể: Hai Bà Trưng (7), Thanh Xuân (6), Hoàng Mai (6), Đống Đa (6), Ba Đình (5), Long Biên (4), Hoàn Kiếm (3), Cầu Giấy (2), Hà Đông (1). Lứa tuổi chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (78%) trong đó trẻ em dưới 1 tuổi chiếm 57,5%; trường hợp nhỏ nhất là trẻ mới được 6 tháng tuổi, lớn nhất là 31 tuổi. Có 40% các trường hợp mắc bệnh trước đó chưa được tiêm vắc xin phòng sởi, 12,5% trường hợp mắc bệnh trước đó đã được tiêm 1 mũi vắc xin sởi trước 1 tuổi; các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng. |
Theo đánh giá của PGS.TS Bùi Vũ Huy, đây là hiện tượng bất thường vì Hà Nội lâu nay gần như không có bệnh sởi.
Kể từ khi chương trình tiêm chủng mở rộng ra đời,
số lượng người mắc bệnh sởi đã giảm rất nhiều trên phạm vi cả nước nhưng nay
bệnh đang trở lại.
Ông Huy đánh giá trong thời gian tới sẽ có thêm người mắc. Vì vậy, việc cần làm
ở thời điểm này là cần bao vây, dập dịch, không để dịch lớn xảy ra.
Sự gia tăng bệnh nhi mắc sởi hoặc các triệu chứng tương tự đến khám ở khoa Nhi (Bệnh
viện Bạch Mai) cũng gia tăng rõ rệt. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi
cho biết trong khoảng gần 1 tháng trở lại đây, khoa đã tiếp nhận nhiều trẻ bị
sởi, phát ban dạng sởi đến khám, có ngày đông nhất có 15-20 cháu đến khám.
Tại khoa nhi, chị T., mẹ của một bệnh nhi 13 tháng tuổi (ở quận Hai Bà Trưng) bị
mắc bệnh sởi cho biết con chị bị nổi ban khắp người sau khi sốt cao 4 ngày, quấy
khóc, bỏ ăn. Khi đến khám, cháu được chỉ định nhập viện theo dõi, các kết quả
xét nghiệm cho thấy cháu bị sởi.
“Con tôi hay ốm vặt, vừa rồi có nhiều trẻ tử vong sau tiêm vắcxin nên tôi sợ
không dám cho cháu đi tiêm. Cháu đã bị lỡ mũi vắcxin phòng sởi”, chị T. cho hay.
Nhiều trẻ mắc bệnh do chưa được tiêm phòng
GS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Không
chỉ tại Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh sởi còn xảy ra ở Lào Cai, Sơn La,
Yên Bái, và TP HCM với tổng số ca bệnh được khẳng định mắc sởi sau xét nghiệm là
203 ca, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Điều tra dịch tễ cho thấy khoảng
80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất (Ảnh minh họa: C.Quyên) |
Theo ông, bệnh xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm, hoặc đã được tiêm một mũi lúc
9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn
dịch tốt, hoặc trẻ nhỏ sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vắcxin
sởi hay chưa từng mắc sởi. Khi tích lũy đủ lớn số trẻ chưa có miễn dịch thì dịch
sẽ xảy ra. Dịch thường có tính chu kỳ từ 3-5 năm.
GS Nguyễn Trần Hiển khẳng định, tình hình bệnh sởi hiện không có gì đáng lo ngại
vì vắcxin sởi đã được triển khai từ nhiều năm nay với tỷ lệ cao. Do đó đa số trẻ
đã có miễn dịch. Trong thời gian qua dịch xảy với quy mô nhỏ, tản phát, rải rác
ở một số tỉnh và đã được kiểm soát sau một thời gian ngắn.
Sốt và có ban đỏ là những biểu hiện của bệnh nhân mắc bệnh sởi nhưng dễ bị nhầm
lẫn với các bệnh khác (cũng gây sốt phát ban). Vì thế, trong những thời điểm vẫn
đang tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi sởi, ông Nguyễn Nhật
Cảm, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết sẽ đẩy mạnh công tác giám
sát, điều tra lấy mẫu triệt để phát hiện sớm ca bệnh để kịp thời triển khai các
biện pháp phòng chống.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo các chỉ tiêu tiêm
chủng để ngăn chặn dịch bùng phát, tuyên truyền, vận động người dân chủ động cho
con đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất Theo GS Nguyễn Trần Hiển, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Không có vắc xin nào có hiệu qủa bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. |
Cẩm Quyên