- Đứa bé nhìn tôi toét miệng cười. Một tay đưa ra dường như muốn vẫy tôi lại gần. Nhưng khi vừa nhón chân, đứa bé vội rúc đầu vào người mẹ ...

Đám múa lân và mẹ con người ăn xin


Mồng 6 tết, một khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo tổ chức cúng khai trương đầu năm và có màn múa lân sư rồng

Trên chiếc bàn bày biện đủ lễ vật, nhang tỏa khói nghi ngút và nến sáng rực. Sau khi cúng vái, một lượng vàng mã khá lớn được đưa ra đốt.

Bên ngoài, đám múa lân nhộn nhịp chuẩn bị. Trong khoảnh khắc đó, gia chủ cầm trên tay một xấp tiền mệnh giá 5000đ đảo một vòng ngang những người hiếu kỳ, lì xì bất cứ ai có mặt…

Tuy nhiên, trong góc phía trước của căn nhà cạnh khách sạn, có hai mẹ con người hành khất đang ngồi thu mình. Không một ai quan tâm đến họ.

{keywords}

Mẹ con chị Ngọc rất gần thùng đốt vàng mã, nhưng người phát lộc không chú ý…

Người phụ nữ trạc tuổi ngoài 40 với gương mặt khắc khổ, quần áo lam lũ. Một chiếc túi lớn được chị khoác choàng lên vai. Chiếc nón lá sờn mép để cạnh chị bên trong còn có cái nón két để ngửa màu đỏ.

Ngược lại, đứa bé ngồi trong lòng chị rất tinh tươm. Mặt mũi sáng sủa, xinh xắn. Bé được ăn mặc tươm tất. Bộquần áo còn mới thêm chiếc mũ khá đẹp. Chân bé được mang đôi vớ sạch và mới…

Chị lấy hộp cơm từ trong chiếc túi, ngồi ăn. Đứa bé không ngồi yên trong lòng chị mà đứng dậy nhoài người ra thò tay vào chiếc bao nylon đựng bánh vụn. 

Bốc một miếng cho vào miệng, toét miệng cười rồi rúc vào ngực mẹ. Nụ cười của nó thật trong sáng, lộ ra hai chiếc răng mới mọc.

{keywords}
Đứa bé ngồi trong lòng chị với bộ quần áo tinh tươm. 


Tiếng trống múa lân khai cuộc vang lên. Chung quanh mọi người đổ dồn ánh mắt về con lân đang đi theo nhịp trống. Không ai nhìn thấy chị và dường như cũng chẳng ai màng đến bởi chị chỉ là một người hành khất – như lời chị nói với tôi.

Không màng lộc đầu năm

Chúng tôi đến gần chị hỏi thăm về cuộc sống và gia cảnh. Chị tên Phạm Thị Ngọc, 42 tuổi người Nam Định. Chị vàoNam, định cư ở Long Thành (Đồng Nai) vào đầu thập niên 80 khi tuổi còn nhỏ. Ở đây chị làm tất cả mọi việc, từ làm rẫy đến phụ việc.

Chị nói: “Tôi làm tất cả, việc gì cũng làm miễn sao có tiền một cách lương thiện. Tích cóp cũng được chút ít. Đến vài năm sau này, tôi phụ việc cho một quán ăn và chính từ đây câu chuyện mới xảy ra…”

Chị kể tiếp: “Tôi quen một ngườiđàn ông gốc Bắc. Nghĩ mình cũng đã lớn cần có nơi chốn đi về nên quyết định gá nghĩa với người mình yêu thương. Vậy là tôi có thai. Tôi báo tin mừng này cho anh ấy. Anh chẳng nói năng gì và lặng lẽ bỏ đi từ đó. 

Nhiều người hiểu chuyện khuyên tôi nên bỏ cái thai trong bụng đi nhưng tôi không nỡ. Nó là máu là thịt của tôi. Dẫu khó khăn thế nào tôi cũng phải sinh ra và nuôi nó lớn lên. 9 tháng cưu mang thằng bé ra đời. Không may, sau đó trong lúc bất cẩn, tôi bị té ngã gãy tay. Thế là không còn cách nào để dùng bàn tay lao động kiếm sống được…”

{keywords}

Mẹ con chị Ngọc

Chị đưa cho tôi xem tay của chị, khẳng khiu và vẹo vọ. Bàn tay co vào không sát, mở ra không thẳng. Được 1tháng rưỡi ở cữ, chị bế con vào TP.HCM lang thang khắp các nẻo đường, sống nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người.

“Thằng bé nay đã tròn 13 tháng tuổi. Cháu rất ngoan không quấy phá gì. Xin được bao nhiêu tôi dồn vào nuôi cháu. Tôi có thể rách rưới, đói khát nhưng với cháu tôi phải lo cho đầy đủ. Tôi không đủ sữa nuôi cháu nên phải mua thêm. Có lúc xin không được tôi phải nhịn ăn dành tiền mua sữa.

Ban đêm, tôi tìm một chỗ kín, hai mẹ con nằm ngủ. Cứ thế cuộc sống nay đây mai đó cứ trôi qua. Tết này, may mắn được nhiều người bố thí tôi mới mạnh dạn mua hộp cơm có miếng thịt để gọi là ăn Tết đó…” - chị Ngọc rơm rớm nước mắt kể lại.

Trở lại việc cúng đầu năm ở khách sạn, gia chủ đang lì xì cho bất cứ ai, nhưng mảnh đời bất hạnh, một người phụ nữđơn thân và một đứa bé không tương lai thì…vô tình không nhìn thấy.

Ban phát lộc đầu năm để lấy cái hên, cái vận may cho một năm làm ăn, có mấy ai nghĩ đến lộc này chẳng thấm gì đối với những người đầy đủ nhưng sẽ rất lớn đối với những mảnh đời nghiệt ngã như mẹ con chị Ngọc ?

Chị không đến để nhận lộc, lặng lẽ cho con bú rồi đứng dậy bế con đi… 

Trần Chánh Nghĩa