- "Nếu làm đường hầm tại nút Chương Dương phải tính toán khả năng nước sông Hồng dâng và vấn đề ngập lụt. Do vậy, cần phải nghiên cứu để làm sao nước dâng lên không tràn vào đô thị…”.

Hà Nội sắp có hầm 90 tỷ xuyên đê sông Hồng?

“Tại nút giao Chương Dương nếu làm cầu vượt sẽ không đáp ứng được yêu cầu về mỹ thuật, về địa hình… nên thành phố đã quyết định làm hầm xuyên đê”.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đã trao đổi như vậy với VietNamNet về việc TP. Hà Nội chọn phương án nghiên cứu làm hầm đường bộ xuyên đê sông Hồng từ phố Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn.

{keywords}

- UBND TP.Hà vừa đưa ra phương án nghiên cứu làm hầm đường bộ xuyên đê sông Hồng từ phố Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn. Theo ông phương án này có hợp lý với quy hoạch Thủ đô?

Theo quy hoạch của TP. Hà Nội từ 1998 và 2011 về các tuyến đường nội đô đều khẳng định có các nút giao cắt ở khu vực: Chương Dương, Trần Hưng Đạo và trước cửa Bện viện Việt Xô. 

Quy hoạch cũng  khẳng định có các nút giao cắt trên là do có dân cư ở khu vực ngoài đê nên phải có tổ chức giao thông ở nút giao đó. 

Thế nhưng, trong thực tế mới chỉ làm đường chứ chưa làm các nút giao cắt thông với các tuyến đường nội đô, do vậy tuyến từ Chương Dương Độ thông với đường Trần Nguyên Hãn là phù hợp với quy hoạch.

- Vậy tại sao không làm đường hầm ở khu vực nút giao Trần Hưng Đạo, trước cửa Bệnh viện Việt xô trước nút giao Chương Dương?

Thực tế các tuyến thuộc nút giao Trần Hưng Đạo và trước cửa Bệnh viện Việt Xô chưa cần thiết, trong khi Hà Nội là Thủ đô và khu vực Hồ Gươm lại là trái tim, là trung tâm lễ hội theo quy hoạch mới nên rất cần có sự kết nối giữa khu vực Chương Dương đi vào khu vực trung tâm Trần Nguyên Hãn.

- Ông đánh giá như thế nào khi Hà Nội đưa ra phương án nghiên cứu xây hầm đường tại nút giao Chương Dương chứ không phải xây cầu?

Trước đây Hà Nội có đặt vấn đề giao thông khác cốt, giao thông lập thể các đường trên không và bây giờ cũng có thể nghiên cứu các giải pháp giao thông đường hầm.

Theo tôi, dù phương án nào thì cũng cần phải cân nhắc nhiều yếu tố, nhất là trong điều kiện kinh tế hiện nay cần phải nghiên cứu và có đủ cơ sở khoa học thì mới có thể kết luận được nên làm đường hầm hay làm cầu trên cao. 

Thực tế, hiện nay TP Hà Nội chưa thông qua các hội đồng và chưa thông qua phương án mà mới chỉ đặt ra vấn đề nghiên cứu xây đường hầm.

Ở đây việc nghiên cứu cần phải hết sức thận trọng và Hội đồng xem xét phê duyệt phải gồm các nhà khoa học ở đa ngành như: các nhà quy hoạch, nhà tổ chức giao thông và các chuyên gia môi trường về biến đổi khí hậu để dự báo được khả năng xấu nhất…

{keywords}
Hầm Kim Liên được xây dựng trên cạn nhưng vào những ngày mưa lớn kéo dài vẫn xuất hiện tình trạng ngập nước. Do vậy, nếu Hà Nội xây hầm đường qua đê sông Hồng tại nút Chương Dương cũng cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng.

- Hà Nội đưa ra phương án nghiên cứu xây hầm đường vì nếu xây cầu vượt trên sông sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường... Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong quy hoạch kiến trúc Hà Nội ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Có ý kiến làm cầu vượt qua sông sẽ không đáp ứng được yêu cầu về cảnh quan mỹ thuật vì nút vòng xuyến Nam Chương Dương rõ ràng có ảnh hưởng đến mép ranh giới của khu phố cổ. Do vậy, nếu làm nút giao thông trên cao ở khu vực Chương Dương thì sẽ tác động đến cảnh quan khu vực Hồ Gươm.

Phương án làm đường ngầm đang được cho là tốt hơn làm cầu. Tuy nhiên, phương án này phải tính toán đến việc đảm bảo an toàn cho đê sông Hồng.

Ở đây nếu làm hầm thì phải tính toán khả năng nước sông Hồng dâng và vấn đề ngập lụt. Do vậy, cần phải nghiên cứu để làm sao nước dâng lên không tràn vào đô thị.

- Xin cám ơn ông!

Gia Văn