- Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nạp tiền vi phạm luật giao thông trực tiếp cho CSGT sẽ dễ dàng phát sinh tiêu cực và khó kiểm soát. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục CSGT lại cho rằng việc làm này sẽ tránh phiền hà cho người dân và có thể kiểm soát được những mặt trái của nó.

Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo lần thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 để lấy ý kiến người dân.

{keywords}

CSGT làm việc với người vi phạm. Ảnh minh họa VTC

 

Đáng chú ý, dự thảo có đề xuất cho phép người vi phạm nộp trực tiếp cho cảnh sát giao thông (CSGT) thay vì đến kho bạc như hiện nay.

Theo đó, đối với những lỗi vi phạm có mức phạt tiền dưới 250.000 đồng (cá nhân) và dưới 500.000 đồng (tổ chức) sẽ thuộc diện được các chiến sĩ công an thực thi nhiệm vụ trên đường lập biên bản thu tiền trực tiếp và xuất biên lai đưa cho người vi phạm.

Với các hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân và trên 500.000 đồng đối với tổ chức nếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn, xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.

Nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh và thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người nộp phạt có thể nộp phạt tại chỗ hoặc nộp tại kho bạc.

Các tình huống khác vẫn áp dụng theo quy định cũ.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT - cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) khẳng định các nội dung được Bộ Công an đưa ra trong dự thảo hướng dẫn thực hiện Nghị định 171 hoàn toàn phù hợp các quy định hiện hành.

Theo ông Thuấn, cứ đối chiếu theo Nghị định 171 thì hành vi nào có mức phạt tiền dưới 250.000 đồng thì các cá nhân vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp. Mức phạt lớn hơn thì thẩm quyền ra quyết định thuộc về cấp trên của lực lượng tuần tra trên đường.

Tuy nhiên, sau khi báo chí thông tin, đề xuất này đã nhận được nhiều thông tin trái chiều từ dư luận.

Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng cục CSGT (C67) cho rằng, việc cho phép lực lượng CSGT thu tiền phạt trực tiếp từ người vi phạm luật giao thông là để đơn giản thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người dân!

{keywords}
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên

 

"Quy định cho phép nộp phạt trực tiếp nhằm tạo thuận lợi cho người vi phạm đỡ mất thời gian trong việc đi lại. Vả lại, việc đi lại nhiều lần cũng dễ dẫn tới chuyện xin xỏ, tác động tới lực lượng cảnh sát. Nếu chúng ta cứ suy luận về chuyện cho đóng phạt trực tiếp sẽ nảy sinh tiêu cực thì sẽ không làm được gì cả. Vấn đề là phải có cơ chế kiểm soát, giám sát hoạt động của lực lượng thực thi công vụ" - ông Tuyên khẳng định.

Cũng theo Thiếu tướng Tuyên, trong trường hợp người dân không đủ tiền để nộp phạt trực tiếp cho lỗi đã vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ lập biên bản và tạm giữ giấy phép lái xe, đồng thời yêu cầu người vi phạm tới Kho bạc Nhà nước để nộp phạt.

Sẽ có nhiều hình thức nộp phạt chứ không chỉ mỗi hình thức nộp phạt trực tiếp cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.

Trả lời về việc nộp trực tiền phạt trực tiếp sẽ dễ dàng phát sinh tiêu cực Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho rằng, những tiêu cực của CSGT cũng phần nhiều do người dân có ý thức tham gia giao thông kém mà ra.

Thông thường, khi phát hiện người mắc lỗi, cảnh sát mới dừng xe sau đó lập biên bản, nhưng nhiều người không muốn tới kho bạc, muốn đi nhanh nên “hối lộ”.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ làm nghiêm, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn những tiêu cực không đáng có này”, ông Tuyên khẳng định.

Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cũng cho biết thêm, cơ quan này đã đề xuất Dự thảo này nhiều lần nhưng chưa được đồng ý. Dự thảo mới đang chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến các địa phương và chưa được duyệt.

Linh Chi