Hơn tháng nay, người dân tỉnh Lào Cai xôn xao câu chuyện về giếng nước nhà ông Lê Văn Bảo ở thôn Múc, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng bỗng dưng nóng đến 70 độ C. Xung quanh hiện tượng lạ này, có khá nhiều điều thú vị.

Khỏi bệnh vì tắm nước giếng

Theo ông Bảo, giếng nước nóng bất thường cách đây trên một tháng. Nhưng gia đình không loan tin ra ngoài nên hàng xóm không ai được biết. Lúc đầu ông nghĩ, do trời lạnh nên nước giếng ấm lên là chuyện bình thường.

Mẹ ông Bảo là cụ Đỗ Thị Huấn năm nay đã 95 tuổi. Từ lâu cụ đã bị chứng chân tay co quắp, đi lại rất khó khăn. Đêm đến, cụ đều phải dùng dây chun buộc bàn tay lại cho các ngón duỗi thẳng ra. Việc đi lại cũng không bình thường, nhiều khi phải bò vì chân đã yếu.

Giờ tay cụ Đỗ Thị Huấn không còn co quắp.
Hơn tháng nay, khi về nhà ông Bảo để ở, cụ dùng nước giếng để tắm rửa sinh hoạt. Thế rồi, các ngón tay co quắp bỗng dưng bình thường, gân cốt khỏe hơn nên cụ đi lại được như trước đây. 

Sợ người khác không tin, cụ Huấn giơ bàn tay ra cho chúng tôi kiểm chứng và kể rất rành rọt về tiền sử bệnh tật của mình. Ông Bảo cũng như các con cháu và hàng xóm đều công nhận chuyện ấy.

Hàng xóm bắt đầu loan tin về giếng nước nhà ông Bảo nóng bất thường từ ngày 25.3. Hôm đó, ông Bảo tổ chức đám cưới cho con trai Lê Văn Thắng và hầu hết đều phải dùng đến nước giếng. Tất cả bát đĩa dính đầy mỡ chỉ cần dùng nước giếng để rửa cũng đã sạch bong. Nhiều người nghĩ, nhà ông Bảo cẩn thận nấu nước sôi rửa bát cho đảm bảo. Nhưng khi biết chuyện giếng nước nóng thì họ rất bất ngờ, pha chút hoang mang.

Nước giếng nóng bao nhiêu độ?

Theo thông tin từ một số tờ báo thì nước giếng nhà ông Bảo nóng bất thường tới 70 độ C. Khi chúng tôi thẩm định lại thông tin này, ông Bảo tỏ ra khá bức xúc vì họ đã đưa tin thất thiệt, không đúng sự thật.

Ông Bảo cho biết, nước trong giếng chỉ nóng khoảng 40 độ C chứ không có chuyện tới 70 độ C. Vừa qua, một đoàn công tác của huyện Bảo Thắng cũng đã về xem xét, đo đạc nhưng cũng chỉ đến gần 40 độ C. Còn bây giờ, nước giếng gần như trở lại bình thường chứ không còn nóng như trước nữa. 

Phóng viên đo nhiệt độ nước giếng vào ngày 7/4
Để đảm bảo chính xác về thông tin, phóng viên đã dùng dụng cụ hỗ trợ để đo nhiệt độ trong nước tại giếng nhà ông Bảo. Sau 3 lần thực nghiệm, kết quả đều cho thấy nhiệt độ vào mức 30 độ C.

Ông Bảo cho hay, sau khi báo chí đăng tải nước giếng nóng bất thường 70 độ C khiến chính gia đình ông cũng phải hoảng hốt. Một số cơ quan chức năng trách gia đình ông sao không báo chính quyền.

Ông Bảo giải thích, thực ra nước giếng không nóng đến như vậy nhưng vì báo chí đưa tin không chính xác nên dư luận thêm xôn xao. Hơn nữa, một số giếng của các hộ xung quanh như Lê Thị Hiên, Trần Dư Thản cũng nóng nhỉnh hơn bình thường đôi chút nên ông cho rằng đó là chuyện bình thường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng công an xã Thái Niên cho biết, chiều 7.4 UBND xã đã lập đoàn công tác xuống tận nhà ông Bảo để xem xét thực tế tình hình. Kết quả cho thấy, nước trong giếng đã trở lại bình thường.

Trước đó mấy ngày, sau khi Sở Tài nguyên Môi trường Lào Cai chỉ đạo, phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bảo Thắng cũng đã lập đoàn công tác xuống nhà ông Bảo đo nhiệt độ trong giếng và lấy mẫu nước chuyển lên Sở để nghiên cứu.

Ông Nguyễn Công Bình, trưởng phòng Tài nguyên Môi Trường huyện Bảo Thắng cho biết: "Mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm mẫu nước nhưng theo tôi, việc nước giếng nóng đến gần 40 độ C cũng là bất thường nhưng không phải là đột biến lớn. Tuy nhiên, ý kiến cho rằng do tác động của động đất từ Nhật Bản là không có cơ sở vì nước giếng đã nóng từ trước đó một thời gian.

Việc nước giếng nóng bất thường có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không, chúng tôi cũng chưa có cơ sở để đánh giá. Nhưng hiện tại, chúng tôi đã khuyến cáo gia đình dừng sử dụng nước giếng đến khi có kết quả xét nghiệm mẫu nước… Nếu đây là suối nước nóng thì đó là sự may mắn để có thể phát triển du lịch. Nhưng nếu nước nóng bất thường do hoạt động địa chất thì thực sự đáng lo ngại…".

Trong khi đó, TSKH Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Chúng tôi chưa lên tận nơi để khảo sát nên chưa biết thực chất của hiện tượng này thế nào. Nếu đúng như phản ánh thì trong thời gian tới chúng tôi sẽ phải cử một đội lên tận nơi để "nắm tình hình".

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có thể đưa ra một số giả thiết ban đầu như sau: Lào Cai nằm trong đới đứt gãy sâu sông Hồng. Từ trước tới nay, chúng tôi vẫn nhận định rằng, đới đứt gãy này đang hoạt động. Biểu hiện của đới đứt gãy hoạt động là động đất, nứt đất, sụt lún đất, phun trào nước nóng, nước khoáng... Không loại trừ khả năng đới đứt gãy này hoạt động gây ra những hiện tượng nứt đất tạo ra những khe nứt khiến cho nước nóng, nước khoáng từ dưới lòng đất phun trào lên.

Điều đáng nói, hiện tượng này xảy ra trong bối cảnh Nhật Bản vừa xảy ra động đất mạnh (ngày 11.3). Trận động đất này sẽ tác động rất sâu rộng đến nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là khu vực vành đai lửa Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Không có gì khẳng định một cách trực tiếp, nhưng cũng không loại trừ khả năng trận động đất mạnh của Nhật Bản đã có những tác động nhất định đến động đất của Việt Nam. Và hiện tượng nước nóng phun trào ở Lào Cai là một biểu hiện.

Quay trở lại hiện tượng nước nóng phun trào, người dân không nên quá hoang mang. Ở một khía cạnh nào đó, nước nóng phun trào là một điều tốt vì nguồn nước nóng này thường chứa các khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần phải theo dõi chặt chẽ, nếu thời gian tới khu vực này có những biểu hiện khác như nứt đất, sụt đất thì có thể phải tính đến chuyện di dời người dân.

(Theo Bee.net.vn)