Nhìn từ đại án kinh tế như vụ bầu Kiên, Huyền Như, dường như việc chứng minh kẻ chủ mưu trong vụ án có đồng phạm đang thách thức cơ quan điều tra...?

Khó như... “chiến đấu với cối xay gió”

Thời gian qua, nhiều vụ án kinh tế lớn được các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra, phơi bày ra ánh sáng, nhiều tội phạm kinh tế đã bị xử lý. 

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm đó là việc xử lý đồng phạm trong các vụ án kinh tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc chứng minh kẻ chủ mưu trong vụ án có đồng phạm đang thách thức cơ quan điều tra...

“Bầu Kiên” và đường dây tội phạm “cổ cồn trắng”

Một vụ án kinh tế đình đám được xã hội quan tâm là vụ ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch HÐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB bị VKSNDTC ra cáo trạng truy tố về các hành vi: Kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

Theo cáo trạng, ông Kiên cùng các đồng phạm Trần Ngọc Thanh (cựu Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (cựu kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội) đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Công ty CP Hòa Phát 264 tỷ đồng.

Về hành vi cố ý làm trái cáo trạng xác định, thực hiện chủ trương của thường trực HÐQT ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên về việc ủy thác cho các nhân viên gửi hơn 700 tỷ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.Hồ Chí Minh.

{keywords}
4 trong số 9 bị cáo trong đường dây tội phạm "cổ cồn trắng" của bầu Kiên

Về tội danh trốn thuế, cáo trạng xác định, cuối tháng 12/2008, Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (do bầu Kiên làm Chủ tịch HÐQT) ký hợp đồng ủy quyền cho ngân hàng ACB thực hiện việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Từ tháng 12/2008 đến tháng 6/2009, Công ty B&B đã thu lợi hơn 68,8 tỷ đồng từ hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ngân hàng ACB, nhưng chỉ khai nộp thuế hơn 688 triệu đồng, trong khi số thuế phải nộp ngân sách là 25 tỷ đồng.

Riêng về tội kinh doanh trái phép, cáo trạng xác định, ông Kiên dùng nhiều thủ đoạn lách luật để tham gia thị trường vàng thông qua Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, trong khi công ty này không được cấp phép kinh doanh vàng.

Ai là kẻ chủ mưu?

Cũng liên quan đến vụ án này, có một nhân vật đang đứng giữa "ranh giới", có tội hay không có tội cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, đó là ông Phạm Trung Cang - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB).

Kết luận điều tra của CQÐT bộ Công an ngày 01/8/2013 và kết luận điều tra bổ sung ngày 30/10/2013 CQÐT bộ Công an còn đề nghị truy tố các ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải về hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong việc đầu tư cổ phiếu dẫn đến ACB bị thiệt hại hơn 687 tỷ đồng.

Sau khi có kết luận điều tra, ngày 15/12/2013, VKSNDTC ra cáo trạng truy tố 7 bị can với nhiều tội danh. Đáng chú ý, ban đầu cơ quan điều tra đã khởi tố ông Phạm Trung Cang song cáo trạng của VKSNDTC bất ngờ đình chỉ vụ án đối với ông này. 

Ngày 3/1/2014, TAND TP.Hà Nội trả hồ sơ do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đề nghị điều tra bổ sung ông Cang và ông Huỳnh Quang Tuấn. Theo TAND TP.Hà Nội, dù đã có quyết định miễn nhiệm thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT ACB nhưng ông Cang vẫn còn giữ chức vụ thành viên Hội đồng Tín dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB. Vì thế, ông Cang đã ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ACB ra chủ trương dùng tiền huy động của dân để ủy thác cho 19 nhân viên gửi 718,9 tỷ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM. 

Còn ông Huỳnh Quang Tuấn biết rõ chủ trương của HĐQT, sau khi thay thế người tiền nhiệm, ông Tuấn cũng ký vào biên bản họp HĐQT nêu trên. Cáo trạng lần 2 của VKSNDTC xác định 2 bị can Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự về chủ trương ủy thác trái quy định, gây thất thoát cho ACB.

Theo luật sư Nguyễn Thị Oanh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội), việc xác định người chủ mưu trong vụ án kinh tế là trách nhiệm của cơ quan điều tra. Mặt khác, trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng phải xác định tội danh từ nặng đến nhẹ, bị cáo chính (chủ mưu) đến bị cáo cuối cùng có mức án nhẹ nhất, để định tội danh cho chính xác.

Quay trở lại vụ án “bầu Kiên” và đồng phạm, ông Kiên bị truy tố về 4 tội danh với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải bị truy tố tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù. Ông Trần Ngọc Thanh, bà Nguyễn Thị Hải Yến bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Một điều tra viên của PC46 Công an Hà Nội (xin được giấu tên) cho rằng: "Việc chứng minh ông Phạm Trung Cang có phải là đồng phạm hay không không khó. Tuy nhiên, việc chứng minh và tìm ra ai là chủ mưu, người đầu vụ mới chính là những thông tin mà dư luận đang trông đợi nhất".

Kẻ nào đã giúp sức cho Huyền Như lừa đảo?

Một vụ án cũng được nhắc tới nhiều trong thời gian qua là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức, ngân hàng. 

Theo thông tin được công bố, Huỳnh Thị Huyền Như đã sử dụng thủ đoạn gian dối, làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan tổ chức để các đơn vị, cá nhân chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Hành vi của Huyền Như đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

{keywords}

Siêu lừa Huyền Như lĩnh án chung thân, nhưng liệu đằng sau có người "giúp sức"?


Ngày 27/1, HÐXX TAND TP.HCM đã tuyên Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân. Tòa cũng tuyên Huyền Như có trách nhiệm cùng một số bị cáo khác hoàn trả toàn bộ số tiền mà bị cáo này đã chiếm đoạt là gần 4.000 tỷ đồng cùng lãi suất quá hạn kể từ khi vụ án được khởi tố. 22 bị cáo còn lại bị tuyên các mức án từ 1 năm đến 20 năm tù giam.
HĐXX TAND TP.HCM cũng đã có những kiến nghị điều tra, khởi tố, xem xét trách nhiệm đối với một số cá nhân có hành vi sai trái liên quan đến vụ án.

Theo đó, HĐXX kiến nghị điều tra xử lý làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm đối với ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM.

 Tòa xác định hai đương sự này đã ký các hợp đồng tiền gửi với Navibank và ACB nhưng không kiểm tra, giám sát để Huyền Như chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Hiện nay đã có nhiều vụ án kinh tế lớn được khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử trong thời gian qua. Nhưng việc tìm ra người chủ mưu cũng như việc chứng minh người vẽ ý tưởng cùng các đồng phạm trong những vụ án kinh tế đang là một thách thức lớn đối với cơ quan điều tra.

Ai mới là người vẽ kịch bản lừa đảo?
Theo luật sư Nguyễn Khánh Toàn, Đoàn luật sư Hà Nội: "Với con số gần 4.000 tỷ đồng và hệ thống kiểm tra nghiêm ngặt của các ngân hàng, liệu một mình Huyền Như có thể lừa đảo một cách dễ dàng? Ai là người đứng đằng sau, giúp sức, vẽ ý tưởng để Huyền Như thực hiện hành vi lừa đảo? Ở đây chắc chắn có chuyện "Con voi chui lọt lỗ kim"".

(Theo Đời sống & Pháp luật)