- Xung quanh phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn I, vừa qua Bộ GTVT đã đưa ra 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên. Tuy nhiên, các phương án này hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Xung quanh vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau, VietNamNet đã lược ghi lại ý kiến của GS.TSKH Lã Ngọc Khuê (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT).

GS. TSKH Lã Ngọc Khuê cho biết: Tuyến đường sắt đô thị số 1 đi qua khu vực cầu Long Biên là tuyến đường sắt có vai trò xương sống đối với toàn mạng của đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108 từ năm 1998.

{keywords}

Trong chiến tranh chống Mỹ cầu Long Biên bị phá hoại nặng nề và trên thực tế chỉ còn lại 9 nhịp có hình dáng cũ (Ảnh: tư liệu)

Năm 2005, dự án tiền khả thi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự bắt đầu.

Sự chậm trễ này đã không đáp ứng được tình hình giao thông thành phố với mật độ phương tiện ngày càng tăng cao.

Sở dĩ, có sự chậm trễ này là do có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân chưa có phương án khả thi nhất để bảo tồn cầu Long Biên.

Thực tế Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đã từng đưa ra nhiều phương án khác nhau: Đầu tiên là đề nghị làm cầu đường sắt đô thị cách cầu Long Biên 50m, phương án này về sau không được chấp thuận vì ảnh hưởng đến không gian kiến trúc cầu Long Biên.

Tiếp theo, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội lại đưa ra phương án làm cầu đường sắt đô thị cách cầu Long Biên 186m về phía Bắc. Tuy nhiên, nếu làm theo phương án này thì toàn bộ các khu phố từ bốt Hàng Đậu, phố Hàng Than và phố Nguyễn Trung Trực đều bị giải tỏa, kinh phí đền bù GPMB sẽ là rất lớn, hơn nữa nhân dân ở đây cũng biểu thị sự không đồng tình.

Vì vậy gần đây Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đưa ra 3 phương án để có thể đẩy nhanh tiến độ dự án với mục đích bảo tồn được cây cầu Long Biên.

Đưa ra quan điểm của mình về 3 phương án trên, GS. TSKH. Lã Ngọc Khuê cho rằng, điều quan trọng nhất muốn bảo tồn được cầu Long Biên phải đảm bảo 3 nguyên tắc cơ bản.

Đó là, việc bảo tồn không mâu thuẫn với nhu cầu phát triển thành phố (1); Khi bảo tồn thì  phải đảm bảo đối tượng bảo tồn tiếp tục phát huy đúng chức năng và công năng vốn có của nó - bảo tồn một thực thể sống chứ không bảo tồn một thực thể đã chết (2), Trong việc bảo tồn phải cố gắng tối đa để đối tượng bảo tồn giữ được hình dáng và không gian kiến trúc từng có của nó (3).

{keywords}

Sau nhiều năm phương án sửa chữa, làm mới cầu Long Biên vẫn chưa được phê duyệt.

Trên cơ sở đó, GS Khuê cho rằng nên chọn phương án 2 mà Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đã đưa ra.

Theo đó, phải làm mới lại cầu Long Biên với hình dáng của nó trước đây cho tất cả 19 nhịp, vẫn giữ nguyên mặt cắt ngang của cầu với hai cánh gà cho xe cơ giới và người đi bộ. Ở giữa là đường sắt đô thị (không vận chuyển hàng hóa).

Chỉ bằng cách này thì mới thỏa mãn được 3 nguyên tắc nói trên. Và Hà Nội lại có cây cầu Long Biên như đã có.

Cần nói thêm rằng, trong lịch sử cầu Long Biên đã trải qua 3 thời kỳ thay đổi khác nhau. Đầu tiên là cầu đường sắt được xây dựng từ năm 1902, gần 10 năm sau đó người Pháp cho mở rộng cánh gà cho xe cơ giới và người đi bộ.

Trong chiến tranh chống Mỹ cầu Long Biên bị phá hoại nặng nề và trên thực tế chỉ còn lại 9 nhịp có hình dáng cũ và đã bị hoen gỉ nặng nề chắc chắn không thể tồn tại lâu dài.

Chúng ta không thể nào bảo tồn một cây cầu thép có tuổi thọ trên 100 năm đã trải qua thời kỳ chiến tranh bị tàn phá nặng nề với một hiện trạng hết sức chắp vá và có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào.

Và với hình dáng chắp vá, nhếch nhác như hiện nay cây cầu dễ tạo phản cảm giữa quang cảnh chung của Thủ đô trong thời kỳ phát triển.

Vì vậy việc thực hiện theo phương án 2 của Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội là việc cần làm.

Bảo trì, nâng cấp chứ không xây mới

PGĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, quan điểm chỉ bảo trì, nâng cấp, tăng khả năng giao thông chứ không dỡ bỏ hay xây mới cầu Long Biên đã được lãnh đạo thành phố và ngành giao thông đồng tình.

“Việc đầu tư xây mới một cây cầu không khó, nhưng với cầu Long Biên thì chỉ việc sửa chữa, nâng cấp cũng vô cùng khó khăn bởi cây cầu mang tính bảo tồn”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Ông Tân cho biết, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với thành phố Hà Nội, Sở GTVT đã đưa ra kiến nghị chỉ nên bảo trì, nâng cấp và tăng khả năng giao thông cho cây cầu. Ý kiến đó đã được hai bên đồng tình.

Nói về 3 phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn I có liên quan đến cầu Long Biên, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, việc di dời hay cải tạo xây mới cầu không phải là câu chuyện về ý thích của một ai đó. Các phương án đưa ra phải đảm bảo tính khoa học, hạn chế tối đa việc phải giải phóng mặt bằng, di dân, đồng thời cũng phải đảm bảo yếu tố ngoại giao.

(Theo Dân Trí)

Khánh Hòa (ghi)