- Tại Hà Tĩnh, cúm gia cầm có chiều hướng lây lan phức tạp nhưng chưa công bố dịch. Trong khi đó, các tỉnh ĐBSCL đã có hàng ngàn con gia cầm bị tiêu hủy sau khi 'dính' dịch...
Đủng đỉnh với dịch
Theo thông tin mà VietNamNet có được, từ ngày 12-19/2, tại các xã Cẩm Hòa, Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên) liên tục xuất hiện tình trạng gia cầm chết hàng loạt tại 5 hộ dân.
Một số hộ gia đình đã tự ý tiêu hủy gia cầm mà không báo cho cơ quan chức năng.
Gia cầm bày bán trước lối vào khu giết mổ gia cầm ở TP. Hà Tĩnh. |
Đặc biệt, tại hộ ông Nguyễn Văn Thông ở xã Cẩm Quang, trước khi báo cáo sự việc cho xã và cơ quan thú y, ông đã tự tiêu hủy 1.000 con gia cầm (500 con vịt, 400 con gà và 100 con ngan).
Thú y địa phương đã lấy mẫu gửi cơ quan thú y vùng III, kết quả số gia cầm tại đây dương tính với H5N1.
Tiếp đó, ngày 17/2, cơ quan thú y và chính quyền đã tiến hành tiêu hủy 627 con gia cầm bị dịch tại xã Cẩm Quang.
Hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Hiến (thôn 5), đàn gia cầm đang có triệu chứng bị bệnh. Dự kiến trong chiều ngày 20/2, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tiêu hủy 150 con gia cầm tại đây.
Tại xã Cẩm Hòa, tính đến ngày 19/2 số gia cầm ốm, chết buộc phải tiêu hủy là 746 con.
Như thế, đến thời điểm 20/2, tổng số gia cầm bị tiêu hủy tại huyện Cẩm Xuyên là 1.373 con (chưa kể hàng nghìn gia cầm chết hộ dân tự tiêu hủy).
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, hiện cơ quan chức năng vẫn chưa công bố dịch cúm gia cầm. Hiện đang cho xử lý triệt để tại các hộ có dịch và cập nhật thêm tình hình.
Trong lúc đó, thực tế gia cầm bị chết và lây lan tại huyện Cẩm Xuyên là rất phức tạp. Chỉ trong 1 tuần, số gia cầm chết đã lên tới hàng nghìn con, từ một hộ dân đã lan rộng tới 5 hộ dân ở 2 xã.
Trong một diễn biến khác, tại tỉnh Thanh Hóa, mặc dù mới phát hiện dịch cúm gia cầm ở xã Tân Trường (huyện Tĩnh Gia), tỉnh này đã công bố dịch cúm gia cầm trên toàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, từ ngày 16/2 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các ổ dịch cúm tại thôn Tam Sơn và thôn 8 xã Tân Trường, làm 361 con gia cầm mắc bệnh.
Lực lượng chức năng đang tiến hành tiêu độc khử trùng ở Thanh Hóa. |
Trước đó, đầu tháng 2, dịch cúm gia cầm cũng đã làm 186/354 con gia cầm của hộ ông Lương Tú Hoàng ở thôn Kiếu, xã Anh Sơn, huyện Tĩnh Gia bị ốm chết, phải tiêu hủy.
Kết quả xét nghiệm đàn gia cầm của gia đình ông Hoàng dương tính với vi rút cúm A/H5N1.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch cúm gia cầm, ngày 19/2 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố dịch, đồng thời ban hành kế hoạch khẩn về việc ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người trên địa bàn tỉnh.
Buông lỏng giết mổ gia cầm
Sáng 20/2, trao đổi với PV VietNamNet, ông Lưu Phước Hậu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Cần Thơ cho biết, dịch cúm A/H5N1 đang diễn biến hết sức phức tạp tại địa bàn.
Địa điểm bày bán, giết mổ gia cầm chưa thể giải quyết dứt điểm ở nội ô TP.Cần Thơ. |
Tạm tính từ cuối tháng 12/2013 đến ngày 19/2/2014, trên địa bàn TP.Cần Thơ đã có 5 điểm xảy ra dịch cúm A/H5N1 là huyện Phong Điền (có 3 điểm); Q.Bình Thủy (1 điểm) và Q.Ô Môn (1 điểm).
Ông Hậu nhấn mạnh, tổng số đàn gia cầm bị tiêu hủy lên đến trên 3.000 con, chủ yếu là gà, có kết qủa dương tính với cúm A/H5N1.
Hiện có hơn 2.000 con vịt ở huyện Phong Điền đang được theo dõi, nằm trong diện nếu dính cúm A/H5N1 cần được tiêu hủy.
Trong khi đó, theo ghi nhận, sau khi TP.Cần Thơ công bố là 1 trong 16 tỉnh thành cả nước bị nhiễm cúm A/H5N1, khu vực bày bán, giết mổ gia cầm trên QL91B, đoạn cầu Bà Bộ (Q.Ninh Kiều) mà VietNamNet đã phản ánh đã hoạt động cầm chừng hơn.
Tại 'điểm nóng' buôn bán, giết mổ gia cầm này đã xuất hiện cán bộ Chi cục Thú y mang bình xịt thuốc chống dịch ở khu vực gần sát cầu Bà Bộ. Tuy nhiên, người trực tiếp phun thuốc không mang đồ bảo hộ, làm theo kiểu hình thức, đối phó.
“Biết đó là hình ảnh xấu, nhưng muốn giải quyết được dứt điểm cần phải phối hợp giữa nhiều ngành. Riêng lực lượng của chúng tôi thì mỏng quá, có cán bộ đến thì họ dẹp vào, khi không có thì lại bày ra bán…” – ông Hậu bày tỏ.
Người dân vẫn công khai giết mổ, quay nương gia cầm ngay dọc QL91B và QL1A sáng 20/2. |
Ông Hậu cũng thừa nhận, việc giết mổ gia cầm ở đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch cúm lây lan sang các địa điểm khác.
Tại Hậu Giang, có 1.500 con gà của ông Lê Văn Thiện (ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành) bị chết hàng loạt, sau khi có biểu hiện tím đầu, sưng chân, xuất huyết…
Theo xác định ban đầu, gia chủ tự ý mua vắc-xin từ TP.Cần Thơ về tiêm mà không thông báo cho ngành thú y.
Còn tại Vĩnh Long, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 huyện: Tam Bình; Vũng Liêm; Trà Ôn và TX. Bình Minh khiến hơn 5.000 con gia cầm mắc bệnh và tổng số gia cầm bị tiêu hủy gần là 13.000 con.
Đắk Lắk: Đã có 4 ổ dịch cúm gia cầm Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, ngày 20/2, cơ quan chức năng vừa phát hiện thêm một ổ dịch cúm gia cầm tại xã Ea Hu, huyện Cư Kuin. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã có 4 ổ dịch là xã Ea Hu (huyện Cư Kuin), xã Ea Uy (Krông Pắk), xã Ea Wer (Buôn Đôn) và xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột). Tổng số gia cầm mắc bệnh là 5.531 con, trong đó 3.783 con vịt, 1.611 con gà, 117 con ngan và 20 con bồ câu. Toàn bộ số gia cầm mắc bệnh trên đã được ngành chức năng tiêu hủy. Để kiểm soát dịch, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tích cực theo dõi, giám sát tình hình dịch cúm; tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi và khu vực tiêu hủy gia cầm. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin cúm để bảo vệ đàn gia cầm; tăng cường công tác kiểm dịch động vật tại các Trạm kiểm dịch đầu mối và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trùng Dương |
D.Tuấn – L.Anh -Q.Huy - CTV