Những ngày gần đây, báo chí nói nhiều về đến ngôi nhà đồ sộ tại xã Sơn Đông, tỉnh Bến Tre của ông Trần Văn Truyền, nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, khởi nguồn từ bài báo trên báo Người cao tuổi.
Dinh thự trông khá bắt mắt của ông được đưa lên nhưng không có thông tin gì nói về thời gian ông đương chức có việc gì khuất tất, tiêu cực để có thể nói, cái dinh thự này là kết quả của cái kia… Nên, dù trên mạng, thông tin và những hình ảnh về dinh thự này lan truyền rất nhanh, vô số những lời bình – tất nhiên là theo hướng tiêu cực… nhưng thực sự, nó vẫn thiếu cái gì đó thuyết phục, khiến những người cẩn thận đôi chút cũng phải cân nhắc khi bình luận.
Ông Trần Văn Truyền, nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. |
Trên thực tế, việc đưa tin, hình ảnh về biệt thự, resort, những ngôi nhà đẹp… của các cá nhân là lãnh đạo Nhà nước, đã nghỉ hưu, hay chưa nghỉ hưu ở nước ta lâu nay không còn là hiếm.
Nhưng chứng minh được là những ngôi nhà đó, biệt thự đó… được xây dựng lên bằng tiền tham nhũng, tiêu cực thì lại không có nhiều. Nếu có, thường là qua kết quả điều tra của cơ quan chức năng, công an…
Ví dụ như vụ Dương Chí Dũng, cơ quan điều tra phát hiện rằng ông này đã dùng tiền tham ô để mua sắm một số căn hộ cao cấp cho bồ nhí. Cũng là một phát hiện khá hiếm!
Cách đây chưa lâu, giữa năm 2013, có những tờ báo đăng tin, bài về biệt thự, nhà vườn của gia đình ông Bùi Thanh Quyến, bí thư tỉnh uỷ Hải Dương với những từ ngữ như biệt phủ, vườn thượng uyển, tư dinh nguy nga, lộng lẫy… nhưng thực tế, ngay những hình ảnh được đưa lên cũng không tương xứng với các ngôn từ như vậy.
Sau này, những thông tin cụ thể hơn về giá đất, giá trị vườn cây, chủ sở hữu khu vườn… cho thấy có sự không đúng hoặc không có giá trị tới mức như nội dung của các bài báo. Sự việc lặng lẽ chìm đi, không có giải thích gì thêm.
Với những bài viết, thông tin lần này về dinh thự của ông Trần Văn Truyền, có gì đó tương tự với số phận các bài viết về khu nhà vườn của người nhà ông Bùi Thanh Quyến, nhất là khi ông Truyền xuất hiện trên báo, nói về diện tích thật của khu dinh thự (1ha, chứ không phải 3ha) và ông nói ý có nguồn tiền của con trai ông, là chủ đại lý bán bia ở Sài Gòn, và vào thời điểm mua thì giá đất lúc đó khá thấp.
Cụ thể hơn, có báo viết về cái giường trong nhà ông trị giá nhiều tỉ đồng thì thông tin này cũng được ông Truyền và cán bộ địa phương cho rằng không phải như vậy. Một số bài báo thuộc “thể loại” điều tra về một vấn đề nhạy cảm, về đời tư cá nhân nhưng có phần chưa được chuẩn xác, ít nhất đã làm giảm niềm tin của bạn đọc vào bài viết.
Tuy nhiên, chỉ có thể nói là thông tin về giá trị, diện tích… khu dinh thự có phần chưa chuẩn xác (bởi có xác nhận của lãnh đạo tỉnh Bến Tre về dinh thự của ông Truyền).
Nhưng, việc tồn tại của nó khiến dư luận không phải không có lý khi thắc mắc một cựu lãnh đạo một cơ quan bảo vệ pháp luật quan trọng lại có một dinh thự tương đối lớn như vậy. Đến nay, cho dù ông Truyền có giải thích nguồn gốc, kinh phí xây dựng ngôi nhà, thì những thông tin đó vẫn chưa đủ sức thuyết phục.
Ông Trần Văn Truyền làm Tổng thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2007 – 2011. Những năm đầu làm Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền có nhiều thay đổi trong chính sách quản lý như chỉ đạo xây dựng, ban hành các quy chế giám sát nội bộ, giám sát các đoàn thanh tra, thẩm tra các nội dung dự thảo kết luận thanh tra…
Nhờ đó, chấn chỉnh được tình trạng xảy ra nhiều năm trước, đó là có hiện tượng nhiều đoàn thanh tra đi làm việc, có nhiều kết luận bị đối tượng thanh tra phản ứng vì cho rằng thiếu khách quan, công tâm, góp phần ổn định tình hình dư luận trong cơ quan Thanh tra Chính phủ khi đó.
Tuy nhiên, cho đến hai năm cuối nhiệm kỳ, theo phản ánh của một số cán bộ, chuyên viên thanh tra của Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền cũng có những biểu hiện lơi lỏng trong quản lý. Đáng chú ý, thời kỳ những năm cuối ông làm Tổng Thanh tra Chính phủ, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, các vụ khiếu kiện đông người ngày càng tăng (theo đánh giá của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giám sát khiếu nại tố cáo thời kỳ 2008 – 2011).
Ở một số nước, với những quan chức Chính phủ, người lãnh đạo trong cơ quan bảo vệ pháp luật, quy định pháp luật khá cụ thể, rõ ràng nhằm minh bạch, công khai tài sản của người đó và đó là một giải pháp chống tham nhũng, rửa tiền khá hiệu quả. Theo các quy định luật về phòng chống tham nhũng của Pháp, nếu một cán bộ không thể giải thích đầy đủ nguồn gốc tài sản thì tài sản đó có thể bị tịch thu.
Ở trường hợp của ông Trần Văn Truyền, pháp luật hiện hành chưa quy định về kê khai, công khai tài sản của cán bộ do Trung ương quản lý nhưng đã nghỉ hưu.
Đây là một kẽ hở mà thực tế, đã có nhiều ví dụ cho thấy, cán bộ, quan chức cao cấp, sau khi nghỉ hưu mới mua sắm xe hơi đắt tiền, biệt thự… để tránh việc quản lý về kê khai, công khai tài sản hiện hành và cũng để tránh điều tiếng khi còn đương chức.
Nếu như ông Trần Văn Truyền thực sự muốn làm minh bạch, rõ ràng vấn đề tài sản của mình với dư luận, ông có thế mời cơ quan chức năng, mời báo chí, một tổ chức dân sự độc lập đến kiểm chứng, làm rõ diện tích, giá trị tài sản dinh thự và các tài sản khác ông đang sử dụng.
Hoặc các cơ quan chức năng, nếu phát hiện thấy, trong phản ánh của báo chí, có cơ sở nhất định cho thấy, nguồn gốc tài sản của ông Trần Văn Truyền có liên quan đến những khoản thu nhập bất minh thời ông Truyền đang đương chức, có thể vào cuộc để kiểm tra, xử lý.
(Theo Sài Gòn tiếp thị)